Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường và xuất khẩu được triển khai quyết liệt và mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những tín hiệu tích cực trong quý I/2024.
I. Sản xuất công nghiệp
1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Theo báo cáo số 53/BC-SCT của Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk ngày 26/3/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2024 ước tăng 0,2% so với tháng 3 năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 10,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,8 %; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4%. Tính chung, quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 1,09% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 35,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 8,1%.
2. Tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu
- Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo:
+ Tinh bột sắn: Trong 3 tháng đầu năm, có 07/08 nhà máy sắn đang hoạt động ổn định, sản xuất được 46.000 tấn tinh bột sắn, tuy nhiên, ngành vẫn gặp một số khó khăn: Vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp, một số địa phương chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác, thời tiết không thuận lợi, thị trường tiêu thụ còn khó khăn.
+ Nhà máy đường: có 02 Nhà máy đường đang hoạt động ổn định, trong quý I dự kiến tình hình sản xuất sản lượng đường là 32.000 tấn. Hiện nay đang trong giữa mùa vụ thu hoạch mía, sản lượng sản xuất tốt, các nhà máy đang hoạt động gần hết công suất thiết kế.
+ Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk: Tình hình sản xuất nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk quý I dự kiến đạt khoảng 16,624 triệu lít bia rượu và các loại nước ngọt. Sản lượng sản xuất giảm khoảng 20-30 % so với công suất thiết kế, nguyên nhân sản lượng sản xuất các tháng Tết Nguyên đán còn tồn nhiều, thị trường có nhiều sản phẩm cùng cạnh tranh, nguyên liệu đầu vào tăng.
+ Các nhà máy sản xuất cà phê bột, cà phê hoà tan của các nhà máy trên địa bàn tỉnh ổn định.
+ Tình hình sản xuất Nhà máy thép dự kiến quý I đạt 46.000 tấn thép xây dựng và phôi thép các loại. Sản lượng thép sản xuất giảm, tình hình tiệu thụ trong nước chậm, nhiều đối thủ cạnh tranh, dự báo trong quý II tình hình sản xuất khả quan hơn.
- Đối với lĩnh vực sản xuất và phân phối điện:
+ Sản lượng điện thương phẩm 03 tháng đầu năm ước thực hiện 575 triệu kWh, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
+ Tính chung điện sản xuất 03 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 1.395 triệu kWh, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân, do tác động tình hình thời tiết khá cực đoan, chuyển dần sang mùa khô nên các nhà máy thủy điện giảm công suất hoạt động để tích nước trong mùa khô, nên sản lượng điện sản xuất giảm so với cùng kỳ.
3. Tình hình đầu tư hạ tầng và thu hút dự án đầu tư cụm công nghiệp
Hiện trên địa bàn tỉnh có 09 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, thu hút có 173 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư, với tổng diện tích đất 301,58 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 248 ha, tỷ lệ lấp đầy 83% diện tích, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng.
Đối với tình hình đầu tư hạ tầng CCN: 02/09 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung (CCN Tân An 1 và 2); các CCN Ea Đar, Cư Kuin, Krông Búk 1 đã có chủ trương phê duyệt đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hiện nay mới chỉ đang trong giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư, chưa được đầu tư. Việc chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ảnh hưởng đến việc cấp chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư (có nước thải sản xuất) trong các cụm công nghiệp bởi yếu tố môi trường không đảm bảo theo quy định.
II. Hoạt động thương mại
1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 03/2024 ước thực hiện 8.876 tỷ đồng, tăng 7,2% so với tháng trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm ước thực hiện 26.861,7 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26,9% kế hoạch năm Nhìn chung, 3 tháng đầu năm, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến. Doanh thu từ hoạt động bán lẻ và ngành dịch vụ duy trì ở mức tăng trưởng, các dịp lễ, tết đầu năm 2024 thúc đẩy nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân và thu hút lượng lớn khách du lịch đến với địa phương.
Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, bảo đảm sự chi phối, dẫn dắt và định hướng giá thị trường ổn định. Mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại từng bước đáp ứng được sự gia tăng cả về qui mô và trình độ phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển, thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực hàng hóa về bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm được cung cấp kịp thời nhằm định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về, dịch vụ tiêu dùng và đưa ra lựa chọn hàng Việt hợp lý.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng thương mại nội địa có tăng so với cùng kỳ năm trước song chưa đáng kể, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.
2. Tình hình xuất nhập khẩu
2.1 Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 03/2024 ước thực hiện 157 triệu USD, tăng 10,6% so với tháng trước. Lũy kế 03 tháng đầu năm ước thực hiện 495 triệu USD, đạt 30,9% kế hoạch, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước, một số mặt hàng chủ lực: Cà phê ước xuất khẩu 105.000 tấn, giảm 1,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Hạt tiêu ước xuất khẩu 7.500 tấn, tăng 55% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Hạt điều ước xuất khẩu 11.000 tấn, tăng 19,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Cao su ước xuất khẩu 2.700 tấn, giảm 6,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm ong ước xuất khẩu 600 tấn, tăng 531,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đà tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như cà phê, hạt tiêu, hạt điều cũng đang có những dấu hiệu tăng trưởng tốt khi giá các mặt hàng xuất khẩu đang tiếp tục tăng nóng trong nhiều tháng qua đã tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mặt hàng cao su có giảm nhẹ về lượng tuy nhiên được dự báo có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại trong thời gian tới khi giá xuất khẩu có thể hồi phục từ 10-15%. Sản phẩm ong sau 1 năm chịu tác động của thuế chống bán phá giá cũng đang có dấu hiệu khởi sắc hơn khi các doanh nghiệp dần thích nghi và có những bước chuyển đổi tỷ trọng xuất khẩu sang khai thác các thị trường khác.
2.2 Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh tháng 3/2024 ước thực hiện 33 triệu USD, giảm 17,5% so với tháng trước. Lũy kế 03 tháng đầu năm ước thực hiện 100 triệu USD, đạt 95,2% kế hoạch, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các thiết bị máy móc, phân bón, tiêu hạt, cao su, hạt điều, hàng rau quả để phục vụ sản xuất, chế biến..
III.Nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024
- Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu và tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
- Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo đề án “Chuỗi giá trị một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh 8 năm 2024.
- Trình đề nghị UBND tỉnh về việc xây dựng Quy chế quản lý cụm công nghiệp mới theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
- Xây dựng Kế hoạch số 114-KH/ĐUK ngày 05/3/2024 của Đảng ủy khối thực hiện Chỉ chị số 17- CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí Thư về “tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”
- Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
- Đưa các dự án trung tâm logistics, cảng cạn mang tầm khu vực vào danh mục kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư. Phối hợp với các ngành thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm Logistisc trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thuộc Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh năm 2024.
- Theo dõi, đôn đốc các đơn vị Điện lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục và lập phương án cung cấp điện trong mùa khô năm 2024.
- Đôn đốc các đơn vị thực hiện các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Tiếp nhận, thẩm định Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương và tăng cường triển khai công tác kết nối giao thương nhằm mở rộng tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu.
- Triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương theo kế hoạch được phê duyệt.
- Rà soát, triển khai các hoạt động khuyến công, chương trình sản xuất sạch hơn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn./.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT