TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình sản xuất công nghiệp thương mại của tỉnh Nghệ An 10 tháng và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023

20/11/2023

Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh  mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… nhưng sản xuất công nghiệp, thương mại  của tỉnh  vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Do trong tháng 10 năm 2023, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, nhiều dự án mới được triển khai đi vào hoạt động đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tỉnh như: Viên nén sinh khối, hạt phụ gia Taical của các Nhà máy Mega, , hàng may mặc,  linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô đi vào hoạt động nên  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2023 của tỉnh Nghệ An ước tăng 12,57% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 37,09%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,19%; Công nghiệp khai khoáng giảm 6,84%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 6,35%. Trong đó có một số sản phẩm sản xuất tăng trưởng cao so với cùng kỳ  do có các đơn hàng xuất khẩu, cùng nhu cầu thị trường trong nước được cải như: Dock sạc ước đạt 2,2 triệu cái, gấp 2,4 lần; Sợi ước đạt 900,0 tấn, tăng 41,07%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 16,0 nghìn tấn, tăng 38,54%; Quần áo không dệt kim ước đạt 7,9 triệu cái, tăng 31,49%; Bia đóng chai ước đạt 4,8 triệu lít, tăng 24,92%; Loa BSE ước đạt 7,8 triệu cái, tăng 24,45%; Tôn lợp ước đạt 127,9 nghìn tấn, tăng 23,78%; Sữa tươi ước đạt 23,5 triệu lít, tăng 21,88%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 16,06%; Đá chế biến ước đạt 73,3 nghìn m³, tăng 15,42%; Thùng carton ước đạt 2,2 triệu chiếc, tăng 12,89%;

Song ở chiều ngược lại, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn gặp nhiều thách thức do một số doanh nghiệp, nhà máy gặp khó khăn do không tìm kiếm được đơn hàng mới, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, một số nhà máy không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên liệu hoặc về chậm so với kế hoạch, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ nên sản phẩm sản xuất ra giảm như: Đá xây dựng khác ước đạt 259,1 nghìn m³, giảm 41,04%; Nước mắm ước đạt 37,2 triệu lít, giảm 17,9%; Bao bì bằng giấy ước đạt 3,3 triệu chiếc, giảm 16,13%; Sản phẩm điện sản xuất trong tháng ước đạt 462,3 triệu KWh, giảm 8,43%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 3,0 nghìn tấn, giảm 8,0%; Bột đá ước đạt 49,1 nghìn tấn, giảm 7,36%; Clanhke xi măng ước đạt 671,5 nghìn tấn, giảm 5,0%; Bia đóng lon ước đạt 9,2 triệu lít, giảm 3,95%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 2,4 triệu cái, giảm 3,89%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,92% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,24%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,36%; Công nghiệp khai khoáng giảm 1,70%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 8,64%. Trong đó, có một số ngành có các sản phẩm tăng cao như: Vỏ hộp lon bia ước đạt 4,7 nghìn tấn, tăng 49,60%; Phân hóa học NPK ước đạt 44,1 nghìn tấn, tăng 32,61%; Tôn lợp ước đạt 1.165,9 nghìn tấn, tăng 31,98%; Ống thép Hoa Sen ; ước đạt 30,0 nghìn tấn, tăng 25,97%; Nước mắm ước đạt 297,5 triệu lít, tăng 25,26%; Đá chế biến ước đạt 649,4 nghìn m³, tăng 15,98%; Đường ước đạt 84,4 nghìn tấn, tăng 14,42%; Thức ăn gia súc ước đạt 139,3 nghìn tấn, tăng 12,39%; Sữa tươi ước đạt 218,9 triệu lít, tăng 11,89%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 13,2 nghìn tấn, tăng 10,16%. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngành có sản phẩm giảm: Bao bì bằng giấy ước đạt 37,3 triệu chiếc, giảm 23,78%; Đá xây dựng khác ước đạt 3,3 triệu m³, giảm 22,07%; Sợi ước đạt 7,7 nghìn tấn, giảm 21,38%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 26,5 triệu cái, giảm 16,46%; Điện sản xuất ước đạt 3.024,0 triệu KWh, giảm 11,23%; Loa BSE ước đạt 62,4 triệu cái, giảm 8,52%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 159,1 nghìn tấn, giảm 8,49%.

Về hoạt động thu hút đầu tư

Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay, bằng những giải pháp thiết thực, Nghệ An đã thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài tư trong lĩnh vực công nghiệp vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đặc biệt chú trọng cải cách hành chính theo hướng nhanh, gọn, hiện đại, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong 10 tháng của năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Tỉnh đạt hơn 1,27 tỷ USD, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 130 dự án FDI đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,85 tỷ USD. Tính đến ngày 22/10/2023 tỉnh Nghệ An cấp mới cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư 3.312,8 tỷ đồng, điều chỉnh 10 lượt dự án, trong đó điều chỉnh vốn cho 2 dự án, giảm tổng vốn đầu tư 59,5 tỷ đồng. Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai II của Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng; chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bắc Quán Hành 994,92 tỷ đồng. Cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 102 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 38.992,8 tỷ đồng. Điều chỉnh 138 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 36 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 6.165,8 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 45.158,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án cấp mới tăng 15,9%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,8 lần.

Các dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động; trong đó, dự án FDI giải quyết hơn 40 nghìn lao động. Ðặc biệt, Nghệ An đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn với các dự án tầm cỡ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ của thế giới với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD như: Nhà máy Tôn Hoa Sen, ván MDF Nghĩa Đàn, MDF Anh Sơn, linh kiện điện tử (BSE, Emtech, Luxshare-ICT, Goertek, Everwin,..), xi măng (Sông Lam, Tân Thắng, Hoàng Mai. Cùng với đó, Nghệ An còn thu hút được các Tập đoàn VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Ðạt tập trung đầu tư các khu công nghiệp có diện tích lớn, đạt chuẩn quốc tế để phục vụ thu hút đầu tư. Trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư nước ngoài, bên cạnh các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, hiện nay tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, để kết nối, thu hút các nhà đầu tư Nghệ An đã kết hợp với các đối tác đầu tư hạ tầng như khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp,  cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện. Một số tuyến đường đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành, tuyến đường N2 nối KCNkhu công nghiệp Thọ Lộc với Quốc lộ 1A với chiều dài 5,6 km; các tuyến đường N5, N5 đoạn 2 và D4 nối khu bên cảng Cửa Lò đi Đô Lương; tuyến đường số 2 trong Khu A - khu công nghiệp Nam Cấm với tổng chiều dài 2,3 km, đã thi công và đưa vào sử dụng 1,5 km. Cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Đông Hồi bước đầu được đầu tư xây dựng, cụ thể: đường cứu hộ cứu nạn và tái định cư các khu dân cư ven biển Đông Hồi đã thi công hoàn thành 0,6km; hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Đông Hồi. Hệ thống các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư hoàn thiện, như: cụm công nghiệp Nghĩa Long, cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành, cụm công nghiệp Nghi Phú..., đường giao thông vào cụm công nghiệp Thượng Sơn, Đô Lương. Nhằm hướng tới các nhà đầu tư từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…. đến đầu tư trên các lĩnh vực công nghệ cao: Công nghệ bán dẫn, công nghiệp chế tạo, sản xuất vật liệu, linh kiện điện tử, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Các lĩnh vực thu hút nhằm đáp ứng yêu cầu về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ cho phát triển bền vững. góp phần từng bước đưa Nghệ An dần hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao trong khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, để thu hút hiệu quả các dự án công nghiệp, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch cụ thể các khu, cụm công nghiệp gắn với đó định hướng ngành nghề đối với từng địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp công nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất; chú ý đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng nguyên liệu vào đến nơi sản xuất...

Về thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 10 năm 2023 tăng trưởng ổn định với nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, được triển khai đã thúc đẩy sản xuất, giúp các nhà sản xuất kết nối với hệ thống phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2023 ước đạt 10.831,8 tỷ đồng, tăng 2,81% so với tháng trước, tăng 24,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước đạt 8.420 tỷ đồng, chiếm 77,73% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tăng 4,98% so với tháng trước và tăng 23,52% so với cùng kỳ năm trước.  Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ khác tháng 10 năm 2023 ước đạt 1.121,2 tỷ đồng, chiếm 10,35% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, giảm 2,16% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 97.622,4 tỷ đồng tăng 17,14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 76.006 tỷ đồng, chiếm 77,86% tổng mức bản lẻ hàng hoá dịch vụ, tăng 14,38% so với cùng kỳ năm trước 2022. Có 7 nhóm ngành tăng so với 10 tháng năm trước, gồm: Lương thực, thực phẩm ước đạt 31.717,3 tỷ đồng, tăng 71,17%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy ước đạt 3.177,6 tỷ đồng, tăng 36,09%; Đá quý, kim loại quý ước đạt 438,3 tỷ đồng, tăng 18,43%; Nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) ước đạt 708,8 tỷ đồng, tăng 14,24%; Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước đạt 2.974,81 tỷ đồng, tăng 2,87%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 518,4 tỷ đồng, tăng 2,07%; Hàng hóa khác ước đạt 2.678,5 tỷ đồng, tăng 3,92%. Có 5 nhóm hàng giảm gồm: Ô tô các loại ước đạt 9.061,1 tỷ đồng, giảm 23,65%; Hàng may mặc ước đạt 3.568,2 tỷ đồng, giảm 13,36%; Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 5.988,7 tỷ đồng, giảm 8,73%; Xăng, dầu các loại ước đạt 9.916,9 tỷ đồng, giảm 7,93%; Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 5.257,4 tỷ đồng, giảm 0,83%.

Nhìn chung, tình hình thương mại, dịch vụ trong tỉnh của những tháng qua luôn bình ổn, đáp ứng cung cầu hàng hóa, không có biến động bất thường; không để xảy ra điểm nóng, các diễn biến phức tạp trên địa bàn; kiểm soát giá cả, bảo vệ sản xuất, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Những tồn tại hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn một số tồn tại hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế. Đó là: tỷ trọng công nghiệp trong GRDP còn thấp so với bình quân chung cả nước; sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao, do quy mô, trình độ công nghệ còn lạc hậu, ít có mặt hàng chủ lực chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh; giá trị tăng thêm, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn thấp. Bên cạnh đó, Tỉnh còn thiếu các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đóng vai trò hạt nhân, có tác động lan tỏa, lôi kéo, kích thích phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ở Nghệ An, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Nguồn lực lao động dồi dào về số lượng, nhưng tỷ lệ qua đào tạo còn thấp. Ngoài ra, chưa phát huy được sự liên kết với các địa phương khác trong việc phối hợp để phát triển công nghiệp.

Nhiệm vụ giải pháp những tháng cuối năm 2023

Nhằm tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Nghệ An cần tiếp tục triển khai và thực hiện những nhiềm vụ trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh cơ cấu ngành và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, phát triển có chọn lọc một số ngành sản xuất vật liệu mới, điện tử, năng lượng tái tạo theo hướng xanh. Hạn chế và giảm dần các lĩnh vực gia công, sử dụng tiêu tốn nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động. Phát triển công nghiệp phải gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển dịch vụ và nông nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu từ nguồn nguyên liệu địa phương; giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi.

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,... theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

- Hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,... đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng điện, cụm công nghiệp, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất phát huy công suất, kinh doanh hiệu quả góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023.

- Tập trung triển khai các nhiệm vụ kết nối, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ theo đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tiếp tục vận động, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh xử lý các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành các cụm công nghiệp do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.

- Phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa,... Tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công, quy trình vận hành của các dự án thủy điện, kịp thời thực hiện, tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

- Khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của trung ương và địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp - TTCN và làng nghề.

- Rà soát, tham mưu bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của ngành: Chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ; chính sách hỗ trợ khuyến công có thu hồi kinh phí,

- Tiếp tục phối hợp kết nối, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;

- Tập trung kết nối, xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối hàng hóa.

- Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác thông tin thị trường, ứng dụng hiệu quả  thương mại điện tử; quan tâm phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đa dạng, linh hoạt các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước:

+ Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm. Khai thác, ứng dụng hiệu quả số hóa trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

+ Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thực hiện tốt việc cung cấp thông tin thị trường... hỗ trợ phát triển mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu; củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường mới. Xem xét lựa chọn một số mặt hàng và thị trường trọng điểm để tập trung xúc tiến xuất khẩu.

- Tiếp tục triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá các chính sách, chương trình, đề án, đồng thời rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí thực hiện các chương trình/ kế hoạch: Xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; Nghiên cứu tham mưu các chương trình chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là trung tâm logistic, thương mại biên giới.

- Phối hợp theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hoá, giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, tích trữ găm hàng... đặc biệt dịp lễ tết; lúc xẩy ra thiên tai, dịch bệnh./.

Đinh Thị Bích Liên

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC