Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 và 10 tháng năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm của các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa và tiêu dùng của thành phố qua đó duy trì được đà tăng trưởng cụ thể:
Về sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 năm 2023 ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra, công nghiệp khai khoáng tăng 6,10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,1% (tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước); cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,3% so với tháng trước.
Lũy kế, 10 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tín hiệu tích cực tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành khai khoáng tăng 5,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có một số ngành công nghiệp chủ yếu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,8%; Sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; Sản xuất sản phẩm điện tử tăng 6%; Sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; Sản xuất xe có động cơ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 22/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng khá như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 19,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 14,4%. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố vẫn có một số ngành có chỉ số IIP giảm mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 14,8%; sản xuất đồ uống giảm 12,8%; sản xuất trang phục giảm 12,6%.
Góp phần mang lại kết quả tích cực cho sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phải kể đến chỉ số sản xuất công nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, nhựa và chế biến lương thực thực phẩm), trong 10 tháng năm 2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ. Bao gồm: ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%. Trong đó, có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 36,1%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,2%; sữa/kem đặc có/không có đường tăng 12,7%; tivi tăng 10,8%. Song ở chiều ngược lại vẫn còn một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ như: Bia chai, lon giảm 22,6%; xi măng giảm 22,1%; sắt thép các loại giảm 13,8%; quần áo các loại trừ quần áo thể thao giảm 13,4%.
Đối với 3 ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng không tăng mà sụt giảm theo đà giảm chung của thương mại toàn cầu. Giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành dệt tăng 2,5%; sản xuất trang phục giảm 12,6%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 8,1%.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2023 ước đạt 108.120 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 63.207 tỷ đồng, chiếm 58,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 10 năm 2023 ước đạt 34.005 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ. Lũy kế, 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Đây là một trong những điểm sáng của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh ngành công nghiệp đang trong đà suy giảm. Tuy nhiên, mức tăng trong 10 tháng qua của một số lĩnh vực tiêu dùng dịch vụ, ghi nhận rất tốt, tăng trên 60% nhưng con số này vẫn chưa bằng kỳ vọng và đạt bằng mức của năm 2019.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu
Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm 2023 đến nay gặp rất nhiều khó khăn và bị suy giảm so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài mặt hàng gạo có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành hàng từ dệt may, thủy sản cho tới chế biến gỗ. Xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh bắt đầu có tín hiệu tích cực trong cuối quý 3/2023, trong tháng 10 đã sôi động hơn và có dấu hiệu nhích tăng với kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên lũy kế kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 trên địa bàn thành phố giảm 13,4% so cùng kỳ năm 2022.
Những tồn tại hạn chế
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực và duy trì đà tăng trưởng trong suốt thời gian 10 tháng của năm 2023, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, xung đột ngày càng gay gắt, đầu tư toàn cầu sụt giảm, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp khiến sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố không tránh khỏi bị ảnh hưởng, khó khăn chung, nổi bật là đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 9%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%). Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
Nhiệm vụ trọng tâm của các tháng cuối năm 2023
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm trong các tháng còn lại, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Thành phố tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của Thành phố và chuẩn bị tổng kết nhiệm vụ năm 2023.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số trong tổ chức triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng tận dụng cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do; nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu, chuyên môn hóa theo lợi thế so sánh của thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng cạnh tranh; phát triển ngành logistics, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để TPHCM trở thành trung tâm logistics (Logistic Hub) và dịch vụ xuất khẩu vùng. Cùng đó, sở, ngành thành phố tiếp tục tăng cường giải pháp cơ cấu khu chế xuất - khu công nghiệp đang hoạt động và sắp đưa vào hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo phương thức phân bổ đơn ngành và đa ngành, đảm bảo hình thành chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng cần có những bước chuẩn bị cho việc đón đầu xu hướng và nắm bắt kịp thời cơ hội, tiến dần đến sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh và đáp ứng được yêu cầu thị trường toàn cầu.
- Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trên địa bàn sớm phục hồi, ổn định sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, để ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua chuỗi các sự kiện xúc tiến giới thiệu thông tin thị trường; hội thảo, hội nghị, diễn đàn về thị trường - ngành hàng… cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, cần chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giúp giảm rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp để sớm tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý trong các dự án, khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng, cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút các dự án FDI có vốn lớn gắn với quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại để sớm đưa vào vận hành các dự án công nghiệp quy mô lớn, góp phần gia tăng năng lực mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố…; bám sát theo dõi diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, tình hình xuất nhập khẩu để có chính sách linh hoạt kịp thời; tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, các quốc gia để tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.
- Cung cấp thông tin các thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới và thúc đẩy hợp tác, giao thương của doanh nghiệp. Ứng dụng phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
- Cần triển khai đồng thời các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khơi thông dòng vốn và giải quyết vướng mắc về đất đai, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội.
- Đẩy mạnh cải thiện PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (Chỉ số hệu quả quản trị và hành chánh công), PAR Index (Chỉ số cải cách hành chánh); thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính thành phố cuối năm 2023. /.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT