Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 11 và 11 tháng năm 2023 như sau:
1.Sản xuất công nghiệp
Tháng 11/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tích cực hơn tháng trước ở cả 3 chỉ số: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chỉ số tồn kho giảm 1,23%.
Tuy nhiên, do những khó khăn chung từ đầu năm, mức độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước chậm, nên tính chung 11 tháng, chỉ số IIP Vĩnh Phúc vẫn giảm 1,07% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng 11/2023 tăng 2,83% so với tháng trước và tăng 6,26% so với cùng kỳ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2023 ước tăng 8,36% so với tháng trước và giảm 4,53% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2023 giảm 1,23% so với tháng trước và tăng 24,41% so với cùng kỳ.
Trong các ngành công nghiệp chủ lực, ngành sản xuất ô tô ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp có chỉ số tháng sau cao hơn tháng trước; chỉ số tiêu thụ trong tháng tăng khá (tăng 32,45% so tháng 10/2023 và tăng 13,31% so với tháng 11/2022), tuy nhiên, chỉ số tồn kho ước tính tại thời điểm tháng 11 vẫn ở mức cao so với cùng thời điểm năm 2022 (tăng 45,97%).
Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất xe máy gặp khó khăn hơn, tiếp tục chuỗi 9 tháng liên tục có IIP giảm so với cùng kỳ, trong đó, tháng 11/2023 có mức giảm sâu nhất (giảm 25,55%). Ngành sản xuất linh kiện điện tử có sự tăng trưởng trở lại trong tháng 10 và tháng 11 sau kỳ suy giảm tháng 9, chỉ số IIP tháng 11/2023 ước tính tăng 8,33% so với tháng trước và tăng 16,49% so với cùng kỳ.
2. Tình hình xuất nhập khẩu
Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc trong những tháng cuối năm. Về kim ngạch xuất khẩu, tính đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 9,71% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử ghi nhận mức tăng trở lại là 1,38% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng lớn nhất (49,83%).
Kim ngạch nhập khẩu đạt 12,9 tỷ USD, tăng 3,44% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử tăng 13,49%, chiếm 57,05%.
Những tháng đầu năm, trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, tình hình lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, do đó đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng.
Trong những tháng cuối năm, thời điểm người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm lớn để phục vụ mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch, hy vọng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực
3. Tình hình thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp (KCN)
Trong tháng 11/2023 tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư. Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 2 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 10 triệu USD; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 11,5 triệu USD. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 11/2023 là 21,5 triệu USD.
11 tháng đầu năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 21 dự án FDI mới và 39 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 556,03 triệu USD (cấp mới: 247,35 triệu USD; tăng vốn: 308,68 triệu USD), đạt 187% so với cùng kỳ năm 2022 và 159% kế hoạch năm 2023; thu hút 13 dự án trong nước (DDI) và 4 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 6.239,33 tỷ đồng (cấp mới: 4.302,57 tỷ đồng; tăng vốn: 1.936,76 tỷ đồng), đạt 137% so với cùng kỳ năm 2022 và 208% so với kế hoạch năm 2023.
Tính đến ngày 15/11/2023, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN của Tỉnh là 470 dự án, gồm 109 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 32.730,47 tỷ đồng và 361 FDI, với tổng vốn đầu tư là 6.353,62 triệu USD.
Tăng cường triển khai thực hiện các dự án đầu tư
Lũy kế đến ngày 15/11/2023, có 402 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (328 dự án FDI và 74 dự án DDI), chiếm 86% tổng số dự án đầu tư.
Trong số 68 dự án chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN có: 11 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 2,3% tổng số dự án; 49 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 10 % tổng số dự án; 3 dự án đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chiếm 0,7% tổng số dự án và 5 dự án đang giãn tiến độ, làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 1% tổng số dự án.
Vốn thực hiện của các dự án đạt được trong tháng 11/2023 như sau:
Dự án FDI: Vốn thực hiện là 38,28 triệu USD, nâng vốn thực hiện 11 tháng năm 2023 là 413,88 triệu USD, đạt 106% so với cùng kỳ năm 2022 và 113% so với kế hoạch năm 2023.
Lũy kế đến 15/11/2023, vốn thực hiện của các dự án FDI là 3.823,44 triệu USD, đạt 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án.
Dự án DDI: Vốn thực hiện là 140 tỷ đồng, nâng vốn thực hiện 11 tháng năm 2023 là 1.339,15 tỷ đồng, đạt 132% so với cùng kỳ năm 2022 và 70% kế hoạch năm 2023.
Lũy kế đến 15/11/2023, vốn thực hiện của các dự án DDI là 13.463,06 tỷ đồng, đạt 41% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án./.
Từ Quỳnh Châu
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT