TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình sản xuất - kinh doanh quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/ 2024 của ngành Công Thương tỉnh Lào Cai

08/05/2024

Theo báo cáo số 68/BC-SCT ngày 28 tháng 3 năm 2024 của Sở Công Thương Lào Cai, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 cụ thể như sau:

I. Kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và quý I năm 2024

1. Về chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh

Giá trị sản suất công nghiệp tháng 3/2024 ước đạt 3.483,8 tỷ đồng, lũy kế quý I/2024 ước đạt 9.719,53 tỷ đồng, bằng 18,6% KH năm (được giao tại Nghị quyết 48 - NQ/TU ngày 2/12/2023 của tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024), trong đó Giá trị Công nghiệp khai thác đạt 699 tỷ đồng, bằng 26,1 %KH năm; Giá trị Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.684,9 tỷ đồng, bằng 19,4%KH năm; Giá trị sản xuất và phân phối điện đạt 1.254,2 tỷ đồng, bằng 13,2%KH năm. Giá trị sản xuất TTCN toàn tỉnh trong quý I/2024 ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 24,4% KH năm.

2. Về chỉ tiêu tỷ lệ số hộ được sử dụng điện quốc gia

Toàn tỉnh có 152/152 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; 99,87% số tổ, thôn, bản và 97,6% số hộ có điện lưới quốc gia và đến nay đã triển khai hoàn thành cấp điện cho 85/87 thôn bản trắng về điện (Còn lại 02 thôn đang triển khai đầu tư, gồm: thôn Lếch Mông, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa; thôn Sín Chải, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa).

3. Về chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 03 ước đạt 3.520 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước (3.495 tỷ đồng), tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (3.117,5 đồng). Lũy kế Quý I ước đạt 10.646,8 tỷ đồng, bằng 27,3% so với KH (được giao tại Nghị quyết 48-NQ/TU), tăng 15,6% so với năm trước (Quý I/2023: 9.209,7 tỷ).

4. Về chỉ tiêu XNK hàng hóa trên địa bàn

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 3/2024 ước đạt 197,86 triệu USD tăng 49,44% so với tháng 02/2024, tăng 40,78% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế ước đạt 532,27 triệu USD, tăng 28,02% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 11,83% so KH (được giao tại Nghị quyết 48-NQ/TU).

 - Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa vẫn được đảm bảo diễn ra bình thường, cửa khẩu không xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu. Lượng hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu tăng mạnh so với tháng 02/2024 (do tháng 02 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hàng hóa thông quan giảm mạnh). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với tháng 02/2024, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là: gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn… xuất khẩu; hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón nhập khẩu. Trung bình Lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 270 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 110 xe/ngày; nhập khẩu 160 xe/ngày.

- Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt: Hoạt động thông quan diễn duy trì với 06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh quá cảnh và quặng sắt tái xuất. Ước tháng 3/2024 cấp CO cho hơn 32 nghìn tấn hàng hóa (bao gồm các mặt hàng: thanh long, dưa hấu, chuối, mít, sắn lát khô, tinh dầu quế, sầu riêng, cà phê hạt, khoai lang tím) giá trị đạt 34 triệu USD.

II. Khó khăn, vướng mắc

1. Lĩnh vực công nghiệp

- Hiện nay còn nhiều đơn vị khai thác khoáng sản gặp khó khăn vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất, không đủ khoảng cách an toàn nổ mìn, không đủ diện tích đổ thải, hạn chế về công nghệ sản xuất… làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, cũng như giá trị nộp ngân sách địa phương.

- Việc quy hoạch hình thành mới hoặc mở rộng các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án công nghiệp triển khai gặp nhiều khó khăn. Các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được khởi công do gặp khó khăn vướng mắc về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.

2. Lĩnh vực thương mại nội địa, xuất nhập khẩu

- Triển khai quy định về cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: tỷ lệ hoàn thiện kết nối thiết bị tại các cửa hàng xăng dầu chưa cao (trên 47%)

- Hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị) phát triển không đồng đều, chưa thu hút được đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nhất là tại các khu vực nông thôn; công tác đầu tư xây dựng chợ chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động kinh doanh của thương nhân tại các chợ gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Công tác đầu tư siêu thị tại các địa phương còn nhiều hạn chế do liên quan đến hiệu quả đầu tư và nhu cầu sử dụng trên địa bàn.

- Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại; thương mại điện tử (theo dõi, quản lý giao dịch mua bán trực tuyến) khó kiểm soát chủ thể giao dịch, dịch vụ sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng hàng hoá.

 - Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý chai LPG, trách nhiệm của thương nhân cho thuê chai LPG, quy định về quản lý kinh doanh chai LPG mini…Công tác quản lý công tác đảm bảo an toàn trong kinh doanh LPG chai còn nhiều hạn chế, chưa được chú trọng thực hiện. Hệ thống cửa hàng bán lẻ được đầu tư đa số theo hình thức kết hợp kinh doanh tổng hợp tại các hộ gia đình do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ.

- Các yếu tố khách quan (Hệ thống giao thông; Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng; phía Trung Quốc đã và đang định hướng tập trung phát triển rất nhiều cho khu vực tỉnh Quảng Tây (có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam) …) khiến tỉnh Lào Cai dần mất đi tính cạnh tranh và lợi thế vốn có về "cầu nối" "cửa ngõ" so các tỉnh biên giới về kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng... Chi phí thông quan đối với hàng nhập khẩu phía Hà Khẩu - Lào Cai cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác (Bằng Tường - Lạng Sơn), Đông Hưng - Quảng Ninh).

- Từ năm 2023, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức về việc điều chỉnh chính sách của quốc gia này: Luật an toàn thực phẩm được sửa đổi 2 lần, Lệnh 248 và 249 tạo nên áp lực chuẩn hoá cho nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt quản lý nông, thuỷ sản nhập khẩu khi chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu.

III. Phương hướng nhiệm vụ chủ yếu tháng 4 và quý II năm 2024

1. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 ước đạt 3.832 tỷ đồng; lũy kế hết quý II/2024 ước đạt 20.226,2 tỷ đồng; cả năm 2024 phấn đấu đạt 52.200 tỷ đồng tăng 22,64% so với năm 2023.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 4 ước đạt 3.520 tỷ đồng; lũy kế hết quý II/2024 ước đạt 19.870 tỷ đồng đạt 50.9%KH giao.

- Kim ngạch XNK qua các cửa khẩu tháng 4 ước đạt 200 triệu USD; lũy kế hết quý II/2024 ước đạt 1.180 tr.USD; phấn đấu cả năm 2024 đạt 4.500 triệu USD, tăng 110,8% so với thực hiện năm 2023.

2. Nhiệm vụ, giải pháp của Sở Công Thương

- Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp đồng bộ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động công nghiệp. Trong đó: Quan tâm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện về tiến độ thực hiện dự án so với chủ trương đầu tư đã được cấp; công tác đền bù giải phóng mặt bằng; chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất. Tạo mặt bằng cho hoạt động khai thác khoáng sản nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh và cả nước. Trong đó chủ yếu là quặng Apatit cung cấp cho các nhà máy chế biến sản xuất phân bón và hóa chất.

- Chủ động duy trì nắm bắt thông tin tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm như Dự án đầu tư nhà máy sản xuất axit thực phẩm, axit điện tử và muối phốt phát tại KCN Tằng Loỏng (giai đoạn II của dự án); Dự án nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao; Dự án khai thác quặng Apatit của Công ty Cổ phần đầu tư Apatit Tam Đỉnh Lào Cai; Gang thép Lào Cai; Graphit Bảo Hà – Nậm Thi... - Tập trung hướng dẫn địa phương xây dựng thành lập CCN Thống Nhất, CCN Phố Ràng.

- Tham mưu nội dung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nhằm tháo gỡ khó khăn của 20 dự án thủy điện đã được chấp thuận đầu tư.

- Tham mưu đề xuất kiến nghị với Bộ Công Thương: (1) Bổ sung các công trình Điện sinh khối, rác theo vùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai luỹ kế đến năm 2030 là 102,1MW; (2) Có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường dây 220kV từ trạm biến áp 220kV Than Uyên đến trạm biến áp 500kV Lào Cai; sớm triển khai thực hiện các thủ tục hồ sơ bàn giao tài sản các công trình điện nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước sang ngành điện quản lý.

- Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp/ cơ sở sản xuất tiếp tục ổn định kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì hoạt động kinh doanh thương mại; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì các điểm bán và giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại các khu du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; và khuyến khích thương nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động khuyến mại đặc biệt vào dịp lễ, Tết và phát triển các hoạt động thương mại điện tử nhằm kích và tiêu dùng nội địa, tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa.

- Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024.

- Triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến phối hợp tổ chức Hội chợ TMBG Trung - Việt (Hà Khẩu) lần thứ 24, năm 2024.

- Triển khai xây dựng các điểm/cửa hàng, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí).

- Triển khai các Đề án: (i) Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản vào các Trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh Lào Cai; (ii) Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2024; (iii) Điểm bán hàng với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2024 (sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt).

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế để thực hiện xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển logistics trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng Kế hoạch tập huấn công tác chuyển đổi số và thương mại điện tử qua biên giới; Kế hoạch mời Cục Thương vụ Châu Hồng Hà, Trung Quốc sang làm việc.

- Tiếp tục nắm bắt các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc; về tình hình cửa khẩu, nhu cầu thị trường, hàng hoá để thường xuyên thông tin cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC