Quý I năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng có phần yếu đi so với mức tăng khá cao của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí...; lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024 cụ thể:
Về sản xuất công nghiệp
Theo báo cáo của Cục thống kê Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2024 ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,27 %; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,99%; khu vực dịch vụ tăng bứt phá ở mức 9,86%. Với mức tăng 8,35% trong quý II/2024, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của thành phố ước tăng 5,00%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024. Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận, trong mức tăng 5,00% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp chính cho tăng trưởng GRDP chung với 4,17 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,70%, đóng góp 0,32 điểm trong đó, ngành công nghiệp tăng 0,94% và ngành xây dựng tăng 4,03%.
Trong mức tăng 0,94% của VA toàn ngành công nghiệp 6 tháng qua, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tăng 14,38%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,11%, đóng góp 0,97 điểm; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,01%, đóng góp 0,08 điểm; ở chiều ngược lại, hoạt động khai khoáng giảm 23,56%, làm giảm 0,81 điểm phần trăm của mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5 %; sản xuất và phân phối điện tăng 14,6%; hoạt động cung cấp ước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3%; riêng hoạt động khai khoáng giảm 31,5%. Với vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá ấn tượng phải kể đến như: dệt tăng 52,1%; hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 32,0%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 22,2%; sản xuất đồ uống tăng 20,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,4%; sản xuất kim loại tăng 11,8%... với chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm ngành duy trì được đầu ra tiêu thụ sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng cao ấn tượng như: dệt tăng 49,5%; sản xuất đồ uống tăng 23,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 20,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,0%..
Ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều ngành vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn, đơn hàng giảm, sản xuất thu hẹp như: sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 41,0%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan khác giảm 21,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 21,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 20,3%; sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 14,1%... Bên cạnh nhiều nhóm ngành có mức tiêu thụ tăng cao, một số nhóm ngành do thị trường đầu ra không ổn định, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 29,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 24,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 20,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 12,7...
Về thương mại dịch vụ
Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Thị trường bán lẻ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các hoạt động xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường được đẩy mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 66.843 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ (tăng 10,7% sau khi trừ trượt giá). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.484 tỷ đồng, tăng 14,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 12.932 tỷ đồng, tăng 22,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 59,2%; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 13.016 tỷ đồng, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm 2023 (do doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng giảm 46,0%).
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa
Sau năm 2023 bị sụt giảm, bước vào năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố Đà Nắng có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trở lại. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 1.591 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
* Đối với xuất khẩu hàng hóa
Sức mua của thị trường thế giới tuy đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa đáng kể, một số doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn Thành phố vẫn đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc về đơn hàng do giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng... khiến cho một số ngành hàng chủ lực của thành phố dù vẫn duy trì được đơn hàng tốt nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu không cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2024 của Đà Nẵng ước đạt 918 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố 6 tháng năm 2024 đạt kim ngạch cụ thể như: hàng dệt may ước đạt 246 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2023; thủy sản ước đạt 104,5 triệu USD, tăng 1,9%; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ ước đạt 10,9 triệu USD, giảm 1,8%; đồ chơi trẻ em ước đạt 48,2 triệu USD, xấp xỉ cùng kỳ; cao su thành phẩm ước đạt 64 triệu USD, giảm 3%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 316 triệu USD, tăng 1,9%.
* Đối với hoạt động nhập khẩu kim ngạch 6 tháng năm 2024 ước đạt 672 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Đối với nhìn chung các doanh nghiệp của Đà Nẵng tiếp tục duy trì xu hướng hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được; tăng cường chủ động nhập khẩu tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng đối với những ngành có triển vọng xuất khẩu và tiêu thụ mạnh. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có xu hướng tăng cao hơn xuất khẩu nhưng cán cân thương mại vẫn duy trì xuất siêu trong 6 tháng qua, với mức xuất siêu tính chung 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 246 triệu USD.
Những tồn tại khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, cụ thể như: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số và xu hướng chuyển đổi xanh, liên kết kinh tế đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng bứt phá, tăng tốc. Tuy nhiên, với khả năng chịu đựng các cú sốc bên ngoài còn yếu, các ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, vật liệu; phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, lãi suất cao trong thời gian dài, khó khăn về nợ và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục thách thức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thành phố. Các sự kiện ở Biển Đỏ đang làm tăng chi phí vận tải và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của xuất khẩu Đà Nẵng. Công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn; theo thống kê cho thấy, mặc dù kinh tế đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan ở một số lĩnh vực, tuy nhiên số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục tăng. Có 3.200 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động (tăng 11,7%). Ngược lại, số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung - cầu lao động vẫn chưa được khắc phục, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, thiếu lao động trong khi lao động vẫn còn thiếu việc làm.
Những nhiệm vụ giải pháp cho các tháng cuối năm 2024
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm đang thực sự là động lực tạo đà đột phá để thành phố hoàn thành mục tiêu năm 2024 với GRDP tăng 8 - 8,5%; thu ngân sách tăng 5 - 7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5-6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8-9% so với năm 2023. Để phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, Đà Nẵng sẽ tập trung khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với các dự án quy mô lớn đang có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để thường xuyên lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách kịp thời.
- Tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch. Tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; khai thác thị trường khách đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa...
- Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các Doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử...
- Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.
- Xây dựng kế hoạch triển khai, lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để tạo động lực tăng trưởng bền vững. Chủ động tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức các hội thảo để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đang hoạt động hoặc có ý định đầu tư vào Việt Nam. Tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.
- Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản; tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra chống chặt phá, khai thác rừng trái phép; phòng cháy và chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.
- Tiếp tục tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình và tiến độ thực hiện hợp đồng; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án theo đúng kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị các công trình, hạ tầng kỹ thuật.
- Triển khai kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp hành phố; tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về kỹ năng thâm nhập vào thị trường mục tiêu, khai thác các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, đồng thời giữ vững và duy trì ổn định thị trường tiêu thụ trong nước./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT