Trước những khó khăn, thách thức chung của cả nước, tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tỉnh Yên Bái tiếp tục bị ảnh hưởng như một số doanh nghiệp trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất đặc biệt là các ngành khai khoáng và sản xuất điện. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh cùng với sự phấn đấu khắc phục khó khăn của địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại quý I trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định trên từng ngành, từng lĩnh vực.
1. Sản xuất công nghiệp
Theo số liệu của Cục Thống kê Yên Bái, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển ổn định và có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,18%) do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Tính chung 3 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng giảm 28,53%, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,37%, ngành sản xuất, phân phối điện giảm 6,9%, ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 3,57%.
Trong 18 ngành công nghiệp cấp 2, có 12/18 ngành có chỉ số sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 3/2024 tăng so với cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 16,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,87%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,84%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 10,61%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng gần 1,69 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,33%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 5,01%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 37,87%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt và thiết bị tăng hơn 1 lần; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,84%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 5,84%,... Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Khai thác quặng kim loại giảm 74,61%; khai khoáng khác giảm 3,94%; sản xuất trang phục giảm 3,59%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 23,25%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 69,99%; sản xuất kim loại giảm 17,94%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí giảm 6,9%...
Sản phẩm công nghiệp
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm chính sản xuất tăng cao so với cùng kỳ là: Tinh bột sắn tăng 16,08%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket tăng 1,67 lần; gỗ dán tăng 1,15 lần; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa phân vào đâu tăng 1,69 lần; xi măng tăng 11,43%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác chưa được phân vào đâu tăng 20,79%; dịch vụ sản xuất cấu kiện bằng kim loại tăng 19,42 lần; tủ bếp tăng 85,62%; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc tăng 1,04 lần; điện thương phẩm tăng 11,71%;… Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung kết giảm 74,58%; quặng chì và tinh quặng chì giảm 76,28%; chè giảm 13,03%; quần áo lót giảm 31,46%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 16,74%; gỗ lạng giảm 33,6%; sản phẩm còn lại của ngành công nghiệp hóa chất giảm 26,63%; dược phẩm khác chưa phân vào đâu giảm 69,99%; Các loại đá lót, đá lót lề đường và phiến đá lót đường, bằng đá tự nhiên (trừ đá phiến) giảm 19,28%; bột mài hoặc đá dăm mài tự nhiên hay nhân tạo tăng 42,29%...
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 mức tiêu thụ giảm 6,49% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Một số sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng là: Tinh bột sắn tăng 3,81%; ván ép từ gỗ tăng 47,6%; bao bì và túi bằng giấy tăng 1,35%; giấy làm vàng mã tăng 6,04%; sơn và véc ni tăng 2,27%;... Các sản phẩm có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là: Chè giảm 53,49%; bộ quần áo các loại giảm 38,96%; vỏ bào, dăm gỗ giảm 16,74%; gỗ lạng giảm 59,56%; dược phẩm khác chưa phân vào đâu giảm 66,41%; các loại đá lát, đá lát lề đường giảm 16,26%; bột mài hoặc đá dăm mài tự nhiên giảm 54,94%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 12,48%;...
Chỉ số sử dụng lao động
Tính chung 3 tháng đầu năm số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 15,99% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 25,03%; ngành chế biến, chế tạo tăng 26,94%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,18%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải ổn định so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình doanh nghiệp lao động doanh nghiệp nhà nước tăng 1,43%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 12,12%; doanh nghiệp FDI tăng 12,34%.
2. Thương mại và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Tính chung Quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.978,0 tỷ đồng, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng là do trong quý I năm 2024 có Tết Nguyên đán, với nhiều mặt hàng đa dạng hơn về số lượng, mẫu mã, chủng loại và đặc biệt hơn khi có nhiều các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng của các nhãn hàng. Nên người dùng đã mua sắm các vật dụng cần thiết và hoàn thiện các công trình đến những ngày cận tết. Dẫn đến tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự ước quý I năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
* Tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 5.812,5 tỷ đồng, tăng 7,04% so cùng kỳ. Trong đó: ô tô các loại đạt 786,3 tỷ đồng, tăng 1,14% so năm trước; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) đạt 160,3 tỷ đồng, giảm 0,49% so năm trước; lương thực, thực phẩm đạt 1.626,3 tỷ đồng, tăng 15,48% so năm trước; hàng may mặc đạt 360,3 tỷ đồng, tăng 4,95% so năm trước; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 756,2 tỷ đồng, tăng 8,27% so năm trước, vật phẩm văn hóa giáo dục đạt 77,3 tỷ đồng, tăng 1,06% so năm trước; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 776,6 tỷ đồng, tăng 8,32% so năm trước; xăng dầu các loại đạt 595,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so năm trước; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) đạt 235,6 tỷ đồng, tăng 0.62% so năm trước; đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 84,9 tỷ đồng, tăng 6,04% so năm trước; hàng hóa khác đạt 176,3 tỷ đồng, tăng 3,02% so năm trước; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 176,8 tỷ đồng, tăng 4,16% so năm trước.
* Doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tính chung quý I năm 2024, doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 555,3 tỷ đồng, tăng 9,06% so năm trước. Trong đó: So cùng kỳ năm trước doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 39,9 tỷ đồng, tăng 5,82%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 78,6 tỷ đồng, tăng 6,66%; giáo dục và đào tạo ước đạt 13,0 tỷ đồng, tăng 4,88%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 76,4 tỷ đồng, tăng 12,1%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 80,7 tỷ đồng, tăng 11,27%; dịch vụ khác ước đạt 266,7 tỷ đồng, tăng 8,99% so cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán buôn hàng hóa
Tính chung quý 1 năm 2024 tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 5.203,8 tỷ đồng, tăng 20,8% so năm trước. Trong đó: ô tô các loại đạt 92,5 tỷ đồng, tăng 7,63% so năm trước; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) đạt 69,5 tỷ đồng, tăng 7,72% so năm trước; lương thực, thực phẩm đạt 728,3 tỷ đồng, tăng 29,04% so năm trước; hàng may mặc đạt 2,7 tỷ đồng, giảm 13,2% so năm trước, nguyên nhân do những tháng đầu năm Công ty TNHH Một Thành Viên Con Đường Xanh Quảng Nam - Chi Nhánh Yên Bái dừng hoạt động dẫn đến doanh thu nhóm ngành hàng may mặc giảm so với cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 390,1 tỷ đồng, tăng 24,58% so năm trước; vật phẩm văn hóa giáo dục đạt 5,5 tỷ đồng, tăng 15,71% so năm trước; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 722,9 tỷ đồng, tăng 28,72% so năm trước; bán phân bón thuốc trừ sâu đạt 797,8 tỷ đồng, tăng 26,63% so với cùng kỳ năm trước; xăng dầu các loại đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 13,03% so năm trước; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) đạt 66,8 tỷ đồng, tăng 15,23% so năm trước; hàng hóa khác đạt 2.305,8 tỷ đồng, tăng 15,11% so năm trước.
Xuất khẩu
Tính chung 03 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 90.373 ngàn USD, tăng 32,04% so cùng kỳ, bằng 21,52% kế hoạch năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nhóm sản phẩm nông, lâm sản chế biến; nhóm sản phẩm công nghiệp và chế biến khoáng sản; nhóm sản phẩm may mặc; nhóm sản phẩm hạt nhựa, chất dẻo... Các địa phương có giá trị hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số là thành phố Yên Bái chiếm 33,1%, huyện Yên Bình 30,3%, Trấn Yên 19,55%; Lục Yên 15,8%...
3. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Nhìn chung,tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu chủ yếu 3 tháng đầu năm có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp, tăng 9,18%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,11%.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển của năm 2024, trong thời gian tới Yên Bái cần làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Duy trì, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, gắn mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản xuất.
Để sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng ổn định ở các tháng tiếp theo cần sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh, các ngành, các cấp có liên quan có biện pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về nguồn vốn, hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thu hút đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án: Sản xuất, chế biến chì - kẽm, đồng, khai khác chế biến đá vôi trắng, luyện gang thép, các dự án thuỷ điện, điện mặt trời, chế biến gỗ chất lượng cao,… để nhanh chóng hoàn thành đi vào sản xuất,...
Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại, nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa. Định hướng phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử. Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp./.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT