TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình phát triển ​công nghiệp và thương mại tỉnh Quảng Bình quý I năm 2024

12/04/2024

Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trong quý I tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Một số ngành và sản phẩm gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đến nay đã có tín hiệu khởi sắc và tăng trưởng trở lại như chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản xuất trang phục. Các ngành chế biến thủy hải sản, chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất có mức tăng khá đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng lớn để sản xuất. Bên cạnh đó, điện gió đạt sản lượng thấp so với cùng kỳ đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của ngành công nghiệp trong quý I/2024.

1. Sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3/2024 tăng 22,2% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 17,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 11,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất trong quý I/2024 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng gấp 25,8 lần (tăng cao do Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty CP Xenlulo Quảng Bình mới đi vào hoạt động); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 41,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 15,2%; sản xuất đồ uống tăng 13,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 12,5% (nguyên nhân một số ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do trong những tháng đầu năm 2023 một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất sản phẩm với sản lượng thấp do đơn hàng giảm sút, sản phẩm tiêu thụ khó khăn). Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện giảm 1,9% (giảm do sản lượng điện gió đạt thấp so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do lượng gió giảm mạnh so với năm trước, ngoài ra, những tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cắt giảm sản lượng thu mua điện gió); sản xuất sản phẩm từ cao su plastic giảm 2,6%; sản xuất trang phục giảm 5,4%; khai khoáng khác giảm 10,8%; khai thác quặng kim loại giảm 22,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 56,3% (ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm mạnh do sản phẩm thuốc tiêu thụ giảm sút nên doanh nghiệp giảm sản xuất).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 8.650 tấn, giảm 22,4%; đá xây dựng đạt 675.824 m3, giảm 10,6%; cao lanh đạt 8.144 tấn, giảm 51,3%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 5.695 tấn, tăng 11,0%; tinh bột sắn đạt 4.686 tấn, tăng 70,3%; bia đóng chai đạt 644 nghìn lít, tăng 66,0%; nước khoáng đạt 340 nghìn lít, tăng 49,8%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 671 nghìn cái, giảm 51,0%; áo sơ mi đạt 3.099 nghìn cái, tăng 11,4%; dăm gỗ đạt 80.007 tấn, giảm 6,0%; ván ép từ gỗ đạt 9.518 m3, tăng 52,6%; cao su tổng hợp đạt 198 tấn, tăng 18,6%; kính cường lực đạt 660 tấn, giảm 2,9%; clinker thành phẩm đạt 559.514 tấn, giảm 7,4%; xi măng đạt 383.509 tấn, tăng 24,4%; điện gió đạt 106,0 triệu kwh, giảm 36,1%; điện thương phẩm đạt 243 triệu kwh, tăng 7,3%; nước máy thương phẩm đạt 3.543 nghìn m3, tăng 7,3%.

2. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Quý I/2024, hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân, bên cạnh đó du lịch và các dịch vụ liên quan phát triển mạnh mẽ nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính, doanh thu tổng mức bán lẻ quý I/2024 tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 ước tính đạt 4.149,1 tỷ đồng, giảm 7,8% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ. Trong các nhóm hàng, đa phần các nhóm hàng giảm từ 4,8% - 10% so với tháng trước và tăng từ 6,0% - 21,5% so với cùng kỳ năm trước; riêng 2 nhóm hàng hóa giảm so với cùng kỳ, cụ thể: nhóm ô tô các loại ước đạt 225,9 tỷ đồng, giảm 10,2% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ; nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước đạt 93,3 tỷ đồng, giảm 8,6% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 12.721,4 tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ, trong đó: nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng cao 14,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,6%; nhóm hàng may mặc tăng 9,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,3%, trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Nhìn chung tình hình giá tiêu dùng tháng 3/2024 không có nhiều biến động. Ra Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, bên cạnh đó thời tiết thuận lợi cho việc trồng một số rau màu và đánh bắt thủy hải sản, do đó giá một số mặt hàng thiết yếu giảm mạnh, cụ thể: Giá dầu hỏa giảm; giá xăng, dầu diesel giảm; giá lương thực, thực phẩm đặc biệt là một số mặt hàng như gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản khác giảm,… Các yếu tố trên đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Quảng Bình tháng 03 năm 2024 giảm 0,51% so tháng trước, giảm 1,40% so với tháng 12 năm trước; tăng 6,57% so với tháng 3 năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024 CPI tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Nhóm hàng hóa tăng 4,27%; nhóm dịch vụ tăng 11,47%).

So với tháng trước, CPI tháng 03/2024 giảm 0,51% (khu vực thành thị giảm 0,63%; khu vực nông thôn giảm 0,45%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá, 2 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng ổn định, cụ thể: 6 nhóm hàng chỉ số giá giảm đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,15%, do tháng này là tháng sau Tết nên nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm đối với các mặt hàng thiết yếu như giá gạo, thịt lợn, thịt gà, cá, tôm hải sản,… Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,57%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,39%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,02%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,13%. Có 2 nhóm hàng hóa tăng đó là nhóm giao thông tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 2,68%, do huyện Quảng Trạch tháng này bắt đầu thu học phí kỳ II, theo Nghị quyết 67/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về học phí học kỳ II năm 2023-2024. Có 3 nhóm hàng ổn định đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm bưu chính viễn thông.

3. Hoạt động doanh nghiệp

Trong quý I năm 2024, cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 141 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.156 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tương đương về số vốn đăng ký so với cùng kỳ); có 182 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; 11 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 78 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 8.626 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 114.500 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5,4% về tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Năm 2024, ngành Công thương đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,0%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.129 tỷ đồng, tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 58.885 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2023.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới ngành cần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh. Phát triển các cụm công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại; đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương; phát triển làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng một số sản phẩm hàng hóa chủ lực đặc trưng của địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới gắn với dịch vụ trung chuyển hàng hóa.../.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC