TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình phát triển ​công nghiệp và thương mại tỉnh Ninh Bình quý I năm 2024

19/04/2024

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh, cùng với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho sản xuất công nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng xuyên suốt từ đầu năm đến nay. Tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong quý I của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

1. Về công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 3 ước tính tăng 8,85% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 25,24%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,50%; sản xuất và phân phối điện tăng 17,63%; cung cấp nước, hoạt động quản và xử rác thải, nước thải giảm 0,38%.

So với cùng tháng năm trước (tháng 3/2023), chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 0,69%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,53%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,84%; sản xuất và phân phối điện gấp 2,6 lần; cung cấp nước, hoạt động quản và xử rác thải, nước thải tăng 3,71%.

Tính chung quý I năm 2024, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 3,32% so với cùng kỳ  năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 20,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,32%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 95,94%; cung cấp nước, hoạt động quản xử rác thải, nước thải tăng 4,61%.

Giá trị sản xuất: Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 3 ước đạt 7.573,4 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 3/2023. Trong đó: khai khoáng ước đạt 69,1 tỷ đồng, tăng 9,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 7.403,7 tỷ đồng, tăng 0,5%; sản xuất và phân phối điện 83,0 tỷ đồng, gấp  2,5 lần; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 17,6 tỷ đồng, tăng 4,5%.

Tóm lại, giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 22.226,7 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng ước đạt 233,3 tỷ đồng, tăng 22,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo 21.694,9 tỷ đồng, tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện 246,3 tỷ đồng, tăng 95,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 52,2 tỷ đồng, tăng 8,6%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện tháng 3 năm 2024 tăng khá so với cùng kỳ như: Nước dứa tươi 0,4 nghìn lít, tăng 63,6%; thức ăn gia súc 1,5 nghìn tấn, tăng 7,5%; nước khoáng  không có ga 0,4 triệu lít, tăng 8,0%; phân Ure 47,8 nghìn tấn, gấp gần 10 lần; phân lân nung chảy 14,1 nghìn tấn, tăng 43,9%; kính nổi 33,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thép cán các loại 27,2 nghìn tấn, tăng 18,8%; linh kiện điện tử 15,0 triệu cái, tăng 26,1%; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, tăng 26,4%; ắc quy điện bằng axit- chì dùng để khởi động cơ pittong 72,5 nghìn Kwh, tăng 15,1%; đồ chơi hình con vật 2,2 triệu con, tăng 48,5%; điện sản xuất 73,5 triệu Kwh, gấp 9,3 lần; nước máy thương phẩm 2,5 triệu m3, tăng 6,4%;...

 Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: Ngô ngọt đóng hộp 0,2 nghìn tấn, giảm 29,1%; dứa đóng hộp 0,6 nghìn tấn, giảm 43,4%; hàng thêu 125,3 nghìn m2, giảm 52,2%; giày dép các loại 4,8 triệu đôi, giảm 5,0%; phân NPK 5,0 nghìn tấn, giảm 27,5%; xi măng (kể cả clanke) 0,5 triệu tấn, giảm 14,3%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 2,4 tấn, giảm 96,8%; modul camera 17,6 triệu cái, giảm 19,6%; tai nghe điện thoại di động 80,0 nghìn cái, giảm 68,2%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 3,0 nghìn chiếc, giảm 27,2%; xe ô tô chở hàng hóa 0,4 nghìn chiếc, giảm 48,8%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 15,2 nghìn chiếc, giảm 27,3%; cần gạt nước ô 0,4 triệu cái, giảm 24,6%;...

Tính chung quý I năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ là: Đá các loại 0,9 triệu m3, tăng 20,1%; ngô ngọt đóng hộp 0,7 nghìn tấn, tăng 20,7%; nước dứa tươi 1,2 triệu lít, tăng 79,7%; nước khoáng không có ga 0,9 triệu lít, tăng 8,7%; hàng thêu 0,4 triệu m2, tăng 28,6%; quần áo các loại 14,2 triệu cái, tăng 11,6%; phân Ure 142,0 nghìn tấn, gấp 2,3 lần; phân lân nung chảy 52,4 nghìn tấn, tăng 59,8%; kính nổi 99,0 nghìn tấn, tăng 6,5%; thép cán các loại 71,1 nghìn tấn, tăng 18,9%; linh kiện điện tử 31,4 triệu cái, tăng 16,3%; kính máy ảnh 0,4 triệu cái, tăng 45,2%; ắc quy điện bằng axit-chì dùng để khởi động cơ pittong 0,2 triệu Kwh, tăng 75,3%; đồ chơi hình con vật 6,5 triệu con, gấp 2,1 lần; điện sản xuất 0,2 tỷ Kwh, gấp 3,3 lần; điện thương phẩm 0,6 tỷ Kwh, tăng 9,3%; nước máy thương phẩm 7,4 triệu m3, tăng 5,6%;… Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: Dứa đóng hộp 1,8 nghìn tấn, giảm 5,2%; thức ăn gia súc 4,5 nghìn tấn, giảm 35,7%; giày dép các loại 13,5 triệu đôi, giảm 2,8%; phân NPK 17,2 nghìn tấn, giảm 16,9%; xi măng (kể cả clanke) 1,3 triệu tấn, giảm 15,5%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 22,5 tấn, giảm 76,2%; modul camera 50,8 triệu cái, giảm 12,0%; tai nghe điện thoại di động 0,2 triệu cái, giảm 83,3%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 9,2 nghìn chiếc, giảm 26,4%; xe ô tô chở hàng hóa 1,4 nghìn chiếc, giảm 39,2%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 47,0 nghìn chiếc, giảm 22,6%; cần gạt nước ô tô 1,5 triệu cái, giảm 9,6%;..

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024 cho thấy: Có 22,37% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 42,11% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,52% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 59,21% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,74% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 21,05% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm nay, có 55,26% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh  cao của hàng hóa trong nước yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất  kinh doanh của doanh nghiệp; 53,95% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 46,05% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 31,58% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,63% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 18,42% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu…

2. Thương mại, dịch vụ giá cả

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bán lẻ hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 3 ước đạt trên 6.025,7 tỷ đồng, tăng 16,6% so với tháng 3/2023. Tính chung cả quý I năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh đạt trên 20.596,7 tỷ đồng, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các nhóm hàng hoá có tốc độ tăng cao là: Lương thực, thực phẩm ước đạt 7.894,9 tỷ đồng, tăng 41,4%; hàng may mặc 1.075,2 tỷ đồng, tăng 44,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục 114,3 tỷ đồng, tăng 48,9%; gỗ vật liệu xây dựng 4.504,8 tỷ đồng, 34,8%; xăng, dầu các loại 1.985,6 tỷ đồng, tăng 43,9%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 173,8 tỷ đồng, tăng 41,0%; doanh thu sửa  chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 934,7 tỷ đồng, tăng 39,5%; hàng hoá khác 288,1 tỷ đồng, tăng 47,3%... Duy nhất nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) có doanh thu bán lẻ giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm, doanh thu của nhóm hàng này ước đạt 1.349,6 tỷ đồng, giảm 7,3% so với thực hiện trong quý I năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng: Sau 2 tháng đầu năm tăng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa dịch vụ (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng 3 đã giảm 0,33% so với tháng trước, tăng 1,3% so với tháng 12 năm trước tăng 4,28% so với tháng 3/2023. Tính chung lại, CPI bình quân quý I năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có duy nhất nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm, là nguyên nhân chính tác động làm giảm CPI tháng này. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,09%, trong đó: nhóm lương thực giảm 0,18% do giá gạo xuất khẩu bắt đầu lao dốc từ sau Tết đến nay đã kéo theo giá gạo tại thị trường nội địa giảm, giá gạo trên địa bàn tỉnh đã giảm 0,88%; nhóm thực phẩm giảm 1,63% khi nhu cầu tiêu dùng các  loại thịt và sản phẩm từ thịt trong tháng giảm so với tháng trước là tháng có Tết Nguyên đán. Bảy nhóm có chỉ số giá tăng lần lượt gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,47%; nhóm giao thông tăng 0,18%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; hai nhóm may mặc, mũ nón và giày dép và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt vật liệu xây dựng cùng tăng 0,05%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,02% và 0,01%. Ba nhóm còn lại giữ chỉ số giá ổn định là: nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

CPI bình quân quý I năm nay tăng 4,03% so với quý I năm 2023. Có đến 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá không thay đổi.

3. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I năm nay có dấu hiệu phục hồi tích cực, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu  hàng hoá tại nhiều thị trường lớn sụt giảm nhưng kết quả xuất khẩu đạt được trong quý I năm nay vẫn đạt khá do những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống những thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh trong tháng 3 ước thực hiện gần 259,8 triệu USD, giảm 5,4% so với tháng Ba năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt trên 774,2 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số  mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện ước đạt gần 207,9 triệu USD; giày dép các loại 191,9 triệu USD; xi măng clanke 134,3 triệu USD; quần  áo các loại 81,0 triệu USD; linh kiện điện tử 31,4 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô các loại 27,9 triệu USD...

Quý I năm 2024, một số mặt hàng có mức xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ  như: Hàng thêu ren 40,0 nghìn chiếc, tăng 27,5%; kính quang học 1,0 triệu chiếc, gấp 3,6 lần; linh kiện điện tử 31,4 triệu USD, tăng 66,3%; phôi nhôm 4,7 nghìn tấn, tăng 30,2%; đồ chơi trẻ em 3,9 triệu chiếc, tăng 69,7%; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 27,9 triệu USD, tăng 76,7%; túi nhựa 0,4 nghìn tấn, gấp 4,2 lần... Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 1,5 nghìn tấn, giảm 16,5%; nước dứa cô đặc 110 tấn, giảm 67,4%; camera linh kiện 48,8 triệu sản phẩm, giảm 22,7%; phân ure 14,3 nghìn tấn, giảm 56,3%; thảm cói 21,0 nghìn m2, giảm 42,8%; sản phẩm cói khác 203,6 nghìn  sản phẩm, giảm 48,8%.

Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 ước thực hiện trên 250,3 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng tháng năm 2023.

Trong quý I năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 736,8 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng  nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử gần 285,0 triệu USD; linh kiện  phụ tùng ô tô các loại 193,2 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 129,0 triệu USD; vải may mặc các loại 28,5 triệu USD; máy móc thiết bị 7,0 triệu USD.

4. Kế hoạch trong thời gian tới

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2023. Để đạt được kết quả này, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị”.

- Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Khánh Hải I, Khánh Hải II, Cụm công nghiệp Trung Sơn…

- Sở sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình dự án mới. Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tập trung cao trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xi măng... duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án thứ cấp trong các cụm công nghiệp. Chủ động làm việc với các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư hạ tầng để làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, đề xuất cụ thể phương án giải quyết và báo cáo UBND tỉnh biện pháp xử lý kịp thời.

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp then chốt theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm.

- Triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các đơn vị ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu như: Alibaba, Amazon... để quảng bá thương hiệu và sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng quốc tế. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tập huấn đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

- Để hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp đà tăng trưởng, Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại bảo đảm đồng bộ và phù hợp với từng khu vực. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chương trình Xúc tiến thương mại; xây dựng và phát triển thương hiệu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC