TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình hoạt động của ngành Công Thương Hòa Bình năm 2023 và kế hoạch 2024

23/01/2024

1. Sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp ước năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Chỉ số ngành công nghiệp khai khoáng so với cùng kỳ năm trước tăng 23,9%. Công nghiệp khai khoáng năm nay hoạt động cơ bản ổn định, thuận lợi về thời tiết cho hoạt động khai thác đá, hoạt động xây dựng phát triển. Năm trước một số doanh nghiệp do thực hiện về môi trường không đảm bảo, phải tạm dừng sản xuất đến cuối năm 2022 đã hoạt động trở lại; mặt khác các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác đá của kỳ năm trước tăng, sản phẩm tiêu thụ chậm.

- Chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm trước tăng 0,32%. Nguyên nhân trong 6 tháng đầu năm 2023 giá cả vật tư nguyên liệu biến động tăng cao, bên cạnh đó sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại sản xuất ra trong tỉnh trên thị trường còn thấp... đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2023 giảm so với năm 2022, đã làm suy giảm chỉ số sản xuất là:  Sơn và vộc ni, tan trong môi trường nước giảm 33,6%;  Quần áo đồng bộ giảm 19,1%;  Bột giấy hoá học từ gỗ, loại hoà tan giảm 17,99%;  Điện trở biến đổi kiểu dây quấn (gồm cả biến trở, chiết áp) giảm 15,76%;  Gỗ dán giảm 13,97%...

- Chỉ số sản xuất và phân phối điện năm 2023 so với năm trước giảm 14,68%. Nguyên nhân: Năm 2023 hồ Hoà Bình luôn trong tình trạng thiếu nước, lưu lượng nước không đủ cung cấp cho công ty Thuỷ điện Hoà Bình sản xuất điện. Đặc biệt trong tháng 6/2023 tình hình khô hạn đã chạm đáy trên diện rộng ở khu vực miền Bắc, các nhà máy Thuỷ điện phải ngừng phát điện. Để đảm bảo an ninh năng lượng theo sự điều tiết của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia, công ty Thuỷ điện Hoà Bình vẫn duy trì phát điện một tổ máy, song sản lượng điện không đạt như kế hoạch chỉ định. Kết quả sản lượng điện sản xuất của tỉnh Hoà Bình ước năm 2023 đạt 7.975 triệu kwh, so với năm 2022 giảm 1.431 triệu kwh (giảm 15,22%).

- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp cung cấp nước sạch năm 2023 so với năm 2022 tăng 2,7%. Tình hình khai thác và cung cấp nước sạch ổn định, không biến động lớn và có chỉ số tăng trưởng nhẹ. Sản lượng nước sạch khai thác, cung cấp năm 2023 là 130.093 nghìn m3 so với năm 2022 tăng 3.822 nghìn m3 (tăng 3,03%).

2. Hoạt động thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 12.287 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,05%. Một số ngành hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xăng, dầu các loại tăng 96,56%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 43,52%; lương thực, thực phẩm tăng 27,69%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 16,59%...

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu (tăng 03 doanh nghiệp so với năm 2022). Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.695,069 triệu USD thực hiện 100,041% kế hoạch năm, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.229,165 triệu USD thực hiện 100,01% kế hoạch năm tăng 12,02% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động vận tải năm 2023 ước đạt 1.528 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 123,07%; khối lượng hàng hóa vận chuyển 8.943 nghìn tấn tăng 29,91% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển 321.895 (1000 tấn.km) tăng 29,76% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển 7.867 nghìn hành khách, tăng 17,72% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,59%. Trong 11 nhóm hàng, có 09 nhóm hàng có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,97%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 2,28%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 2,14%; ...Có 01 nhóm hàng giảm giao thông giảm 3,21%.

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 45 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20.000 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước số dự án mới giảm 30 dự án, vốn đăng ký đầu tư mới giảm 19.100 tỷ đồng); có 20 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư; có 10 dự án bị chấm dứt hoạt động và 05 dự án bị tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 760 dự án; trong đó có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 724 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký khoảng 275.000 tỷ đồng.

Về phát triển doanh nghiệp, có 440 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 5.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 8,9%, số vốn đăng ký giảm 49,2%; 250 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 120 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 80 doanh nghiệp tự nguyện giải thể. Luỹ kế đến 31/12/2023 toàn tỉnh ước có 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

4. Kế hoạch và giải pháp năm 2024

Năm 2024, phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Công thương phấn đấu tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các đề án, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh. Phối hợp tham mưu thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời quan tâm phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 12% (sản lượng điện sản xuất đạt 8.700 triệu Kwh, điện thương phẩm đạt 1.380 triệu Kwh). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18%.  Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.000 triệu USD tăng 18%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.376 triệu USD tăng 12%. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm có: Tham mưu xây dựng các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Tập trung thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN): 5 - 8 dự án với tổng mức đầu tư từ 400 - 600 tỷ đồng. Tham mưu UBND tỉnh thành lập 01 - 02 cụm công nghiệp trên địa bàn. Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Xây dựng Chỉ thị của UBND tỉnh "Về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh". Tham mưu UBND tỉnh kịp thời Quyết định phê duyệt các đề án khuyến công địa phương tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra cần làm tốt các giải pháp trọng tâm:

- Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung triển khai định hướng phát triển các cụm công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm hội chợ, triển lãm; phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung thực hiện cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức các đơn vị trong thực thi công vụ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng bộ máy dịch vụ công, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý, thực thi công vụ.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ hiện đại. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn thành phố Hòa Bình, các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy,… và các vùng động lực của tỉnh. Phát triển hạ tầng thương mại nhất là hệ thống chợ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về điện, triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện một cách tốt nhất đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân.

Tăng cường phối hợp, tham mưu thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm của tỉnh. Phối hợp rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng, dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư.

- Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Tiếp tục phối hợp tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, từng bước cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu. Tham mưu triển khai Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023.

- Phát triển sản xuất công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả

Triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động, Đề án số của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực ngành.  Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường công nghiệp đặt biệt trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp.Tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại khu, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sản xuất.

Đảm bảo cung cấp điện ổn định, chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất trên địa bàn. Ưu tiên tổ chức đầu tư phát triển lưới điện đến các khu, cụm công nghiệp các vùng động lực, vùng lòng hồ Hòa Bình; các dự án trọng điểm của tỉnh. Hạn chế tối đa tình trạng ngừng, giảm mức cung cấp điện không theo kế hoạch. Phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trong việc đấu nối, cung cấp điện.

Tăng cường công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Tập trung đào tạo phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, mô hình trình diễn kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác tư vấn phát triển công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

- Hoạt động xuất nhập khẩu

Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết trong các FTA để vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ những Hiệp định này.

Tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để doanh nghiệp có các chính sách thích hợp giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động số 54/KH-UBND ngày 17/3/2023 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 3034/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 của UBND tỉnh Về việc phê duyệt Đề án“Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình XTTM, kết nối cung cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tham gia các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.

- Phát triển nhanh đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước thông qua các hoạt động như thương mại điện tử; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường nhất là trong các dịp Lễ, Tết đặc biệt đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Tập trung phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ nông dân kết nối với các Sàn thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu, thuốc lá và rượu. Thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định. /.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC