Theo số liệu của Sở Công Thương Thái Bình, trong năm 2023, ngành Công Thương đã tích cực triển khai, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo thẩm quyền và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp trên xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành Công Thương. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, thương mại đã mang lại những kết quả tích cực: Năm2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 10,55% so với năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 69.212 tỷ đồng, tăng 15,3%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.601 triệu USD, tăng 6%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.769 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022 (kế hoạch tăng 9,5%).
Về hoạt động công nghiệp: Với việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, sản xuất công nghiệp năm 2023 đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng tính chung năm 2023, IIP tỉnh Thái Bình cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.Một số lĩnh vực như: Sản xuất điện, sản xuất sản phẩm sắt thép, … tăng cao so với năm trước đã góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn.Một số vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý; một số dự án đầu tư có quy mô lớn đi vào hoạt động: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhà máy Lotes, nhà máy sợi An Ninh, nhà máy sợi công nghệ cao Dragontextiles2, …
Về hoạt động thương mại: Năm 2023, tình hình dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp… hoạt động bình thường trở lại, nguồn cung dồi dào, giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định. Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn ổn định dù có nhiều thời điểm giá xăng tăng cao, nguồn cung vẫn đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, chương trình bình ổn thị trường nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân, bảo đảm hàng hóa lưu thông. Ngoài giao dịch truyền thống, hiện nay nhiều cơ sở đã áp dụng số hóa, thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Công tác khuyến công, khuyến thương được tích cực triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, công tác cải cách hành chính được tăng cường.
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024
Năm 2024, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu phát triển: Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến đạt từ 113.400 - 115.060 tỷ đồng, tăng 9,3 - 10,9%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự kiến đạt 76.135 tỷ đồng, tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2.763 triệu USD trở lên, tăng 6,2% trở lên, kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 1.936 triệu USD trở lên, tăng 9,4% trở lên.
Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2024, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, ngành Công thương Thái Bình quyết tâm thực hiện tốt 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, hỗ trợ các dự án lớn đi vào hoạt động; phát triển thương mại nội địa; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình thì để đạt được các mục tiêu phát triển của ngành trong năm 2024, ngành Công Thương cần bám sát mục tiêu, diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp thực hiện linh hoạt, sát thực. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thực hiện tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do, các quy định của Nhà nước và Bộ Công Thương. Thực hiện tốt hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa sản phẩm của tỉnh tạo thành chuỗi cung ứng tại các trung tâm, thương mại, siêu thị... Thời điểm dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, trước mắt Sở Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường về lương thực thực phẩm. Cần tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và phối hợp với quản lý thị trường thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng hàng hóa, giá cả, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết đảm bảo nhân dân đón tết vui xuân an toàn, hạnh phúc./.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT