TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại năm 2023 của tỉnh Bến Tre

03/01/2024

Năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương Bến Tre đã chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện các định hướng chỉ đạo và giải pháp điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Qua đó, hoạt động sản xuất công nghiệp được duy trì và phát triển. Các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.

1. Về sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Sở Công Thương Bến Tre, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2023 ước đạt 39.192 tỷ đồng, tăng 7,38% so với năm 2022 (tương đương tăng 2.692 tỷ đồng).

Hoạt động sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp (CCN) được duy trì. Các dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận và tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ; kế hoạch phát triển CCN tiếp tục được tập trung triển khai; đang hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải 03 CCN: Tân Thành Bình, Phong Nẫm, Thị trấn - An Đức; thu hút nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án CCN An Hòa Tây, CCN Sơn Quy.

Hiện tại, Quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023, theo đó tỉnh sẽ phát triển 14 CCN với tổng diện tích 918 ha. Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn nhằm phát triển các CCN trên địa bàn quản lý. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 08 CCN được thành lập, với tổng diện tích 317,9402 ha, có 07 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 216,37 ha, đã cho thuê 87,8879 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 40,62% diện tích đất công nghiệp. Có 04 CCN  đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 29 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.970,521 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.053 lao động.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến công quốc gia và địa phương, đã  hỗ trợ 22 đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phát triển sản xuất, với kinh phí hỗ trợ khoảng 5,63 tỷ đồng (thu hút vốn đối ứng của doanh nghiệp khoảng 11,4 tỷ đồng), qua đó tạo ra năng lực sản xuất mới cho các doanh nghiệp, cơ sở, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

2. Hoạt động thương mại

Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Bến Tre khá sôi động; giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân trong tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 63.012 tỷ đồng, tăng 11,44% so cùng kỳ và đạt 101,63% kế hoạch.

Việc phát triển thị trường ngoài nước có nhiều bước tiến quan trọng: tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030,  Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP, ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bến Tre trong xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa; tiếp và làm việc với Đoàn của Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ Bến Tre tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm từ dừa. Phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức lớp tập huấn “Tận dụng các cơ hội ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới,.. Phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội nông dân tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và phối hợp thực hiện 01 phóng sự phát trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm phổ biến các cam kết về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia và ký kết để các doanh nghiệp có thể nắm bắt rõ hơn và tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức lớp tập huấn “Tận dụng các cơ hội ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới”.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được duy trì, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.530 triệu USD, tăng 3,99% so với năm 2022. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch đúng hướng: gia tăng tỷ trọng hàng công nghiệp và TTCN, giảm dần hàng thô. Thị trường xuất khẩu đa dạng, tính đến nay, Bến Tre đã xuất sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ và có mặt ở các thị trường khó tính.

Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) đạt được nhiều kết quả: Thực hiện truyền thông, tuyên truyền về TMĐT và CĐS trên Tạp chí Công Thương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Sổ tay TMĐT; triển khai thực hiện 02 đề án “Hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh quảng bá, xúc tiến bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử” và đề án “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử cho CBCCVC quản lý nhà nước tỉnh Bến Tre”; tổ chức hội nghị tổng kết hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp. Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội nghị “Thương mại Điện tử Xuyên biên giới cho ngành hàng TCMN, quà tặng và sản phẩm dừa – Cơ hội tăng trưởng bứt phá”; phối hợp Viettel Bến Tre duy trì mô hình Chợ 4.0 với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại 06 chợ đã triển khai năm 2022; đồng thời, tiếp tục triển khai nhân rộng thêm 10 chợ trong năm 2023; đề xuất 01 mô hình thí điểm xã thương mại điện tử để triển khai thực hiện giai đoạn 2024-2025.

Xây dựng và phát hành ấn phẩm “Thông tin đặc sản Bến Tre” với 02 ngôn ngữ (Việt - Anh và Việt - Trung) nhằm giúp quảng bá sản phẩm Bến Tre đến thị trường nước ngoài. Trong năm, hoạt động hỗ trợ DN quảng bá, kết nối cung cầu thị trường duy trì với nhiều hình thức, qua đó có nhiều bản ghi nhớ hợp tác được ký kết; công tác hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP được thực hiện thường xuyên; 100% sản phẩm OCOP được quảng bá thương hiệu nền tảng TM ĐT và trên 15% các sản phẩm chủ lực của các xã nông thôn mới (NTM) nâng cao được kinh doanh qua kênh TM ĐT; hỗ trợ xúc tiến thương mại ngoài nước được quan tâm thực hiện, qua các đoàn giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa với DN.

3. Trên lĩnh vực năng lượng

Sở đã tổ chức triển khai quy hoạch phát triển hệ thống trạm, lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động, sự kiện chính trị xã hội của thành phố và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Sản lượng điện thương phẩm cả năm ước đạt 2.130 triệu kWh, tăng 5,44% so năm 2022; tỷ lệ hộ sử dụng điện ước đạt 99,97%. Tham mưu hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc các dự án điện gió đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, đã hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục pháp lý để hòa lưới thêm 157,7 MW điện gió; lũy kế trên địa bàn tỉnh có tổng công suất đóng điện hòa lưới là 250,75 MW. Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án “Khu tổ hợp Hydroxanh Bến Tre” làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất Hydro xanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong năm 2023, Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, Bến Tre cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao. Bên cạnh đó,  Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật; hoàn chỉnh 03 Hợp phần lĩnh vực công thương tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023); xây dựng hoàn chỉnh phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Công Thương và đang triển khai sử dụng,…

4. Kế hoạch và giải pháp phát triển ngành năm 2024

Năm 2024, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ở mức 6,5 - 7%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 42.500 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 8,44% so với ước năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 71.500 tỷ đồng, tăng 9,72% so ước năm 2023; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750 triệu USD, tăng 14,38% so với ước năm 2023; Kim ngạch nhập khẩu đạt 500 triệu USD, tăng 11,11% so với ước năm 2023. Trong năm phấn đấu đưa vào khai thác 115 MW điện gió.   

Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024, ngành công thương tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

 Thứ nhất, tập trung triển khai các Hợp phần Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 thuộc lĩnh vực ngành Công Thương.

Thứ hai, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch phát triển các CCN giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư thứ cấp và hạ tầng các CCN trên địa bàn các huyện, thành phố; tiếp tục hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải 03 CCN: Tân Thành Bình, Phong Nẫm, Thị trấn - An Đức. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Phú Thuận và giao đất cho các nhà đầu tư, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển công nghiệp để tạo năng lực sản xuất mới.

Thứ ba, nắm thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt công tác khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất.

Thứ tư, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; mở rộng mạng lưới phân phối và phát triển hệ thống phân phối hiện đại. Xây dựng và triển khai các hoạt động về hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo chiều sâu, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh; hỗ trợ xây dựng và phát triển các cửa hàng sản phẩm OCOP - Đặc sản Bến Tre trong và ngoài tỉnh; phát triển hệ thống phân phối trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ năm, triển khai thực hiện các quy hoạch về phát triển năng lượng; chuẩn bị các điều kiện để khởi động dự án Hydro xanh. Quan tâm hỗ trợ các dự án điện gió đã hoàn thành thực hiện các thủ tục pháp lý đấu nối với lưới điện quốc gia, phấn đấu đưa vào khai thác 115 MW điện gió; hỗ trợ giải phóng mặt bằng các công trình điện 110kV nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và tạo điều kiện giải tỏa công suất các dự án điện gió.

Thứ sáu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm sớm chuyển giao Trung tâm dừa Đồng Gò về tỉnh quản lý, khai thác nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC