Về sản xuất công nghiệp
Theo báo của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt 4,93 %. Hoạt động sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2023 phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,43%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,11%; phân phối điện tăng 2,49% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,19% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng năm 2023, tỉnh Long An có 58 các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp, trong đó có 35/58 nhóm sản phẩm có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ gồm các loại: các loại cấu kiện nổi khác tăng 118,13%; giường bằng gỗ các loại tăng 35,74%; dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước tăng 44,24%; gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hạt hoặc hồ tăng 23,96%; ba lô tăng 19,59%; dịch vụ sản xuất sản phẩm bằng kim loại chưa được phân vào đâu tăng 25,36 ; cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kĩ thuật dân dụng bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo tăng 24,07%; Sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm tăng 72,18%;…
Song ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn
23/58 nhóm sản phẩm có sản lượng giảm so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào áo sơ mi cho người lớn không hay có dệt kim hoặc đan móc; bia đóng chai, thiết bị bán dẫn; sợi từ bông nhân tạo có tỷ trọng của loại bông này dưới 85%, …
Về thương mại dịch vụ:
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng năm 2023, ước đạt 50.491 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 27741,6 tỷ đồng, tăng 8,24%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 18135,8 tỷ đồng, tăng 11,74%.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển. Long An đã tập trung xây dựng phát triển hạ tầng thương mại và có những bước tiến đáng kể, đưa Long An trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sinh hoạt của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 125 chợ trong đó có 107 chợ nông thôn. Ngoài ra có 01 Trung tâm thương mại Vincom Plaza; 07 siêu thị (04 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 03 siêu thị điện máy); 279 cửa hàng tiện lợi, cùng với hàng nghìn cơ sở bán lẻ đang hoạt động đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh thông qua thu hút các doanh nghiệp đầu tư đã hình thành hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ như: Bách hóa xanh, WinMart+... Hầu hết các cửa hàng này phân bố ở nhiều địa phương trên khắp cả tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các trung tâm huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và nhiều kênh phân phối, bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích khác; hay một số trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị còn kết hợp dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, như: GO!, Aeon mall canary, Co.op Mart, WinMart+ … Đến với các siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi, người dân không chỉ mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi và lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm định nghiêm ngặt và theo đó các TTTM, siêu thị thường tạo ra các hình thức mua sắm mới lạ nhằm thu hút, giữ chân khách hàng.
Ngoài hệ thống TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hầu hết, các chợ của tỉnh Long An đã hình thành từ lâu, hoạt động ổn định, góp phần tích cực phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương; là kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản quan trọng của địa phương. Các chợ truyền thống được đầu tư theo đúng quy hoạch và triển khai thông tin rộng rãi đến người dân. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố có bổ sung kinh phí để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới chợ nhưng nguồn kinh phí không đáng kể nhưng cũng cải thiện được phần nào về cơ sở vật chất, các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển các cơ sở phân phối, giúp gắn kết và hợp tác hiệu quả từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện bình ổn thị trường tại các xã nông thôn.
Hiện hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển nhanh, các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, mẫu mã phong phú góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh làm cho lưu thông hàng hóa ổn định.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu
Do ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới nên kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Long An bị giảm. Lũy kế, 9 tháng đầu năm 2023, ước đạt 5.381 triệu đô la Mỹ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 2,1%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.877 triệu Đô la Mỹ giảm 28,6%.
Tồn tại hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được tích cực, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn hạn chế: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 đạt 4,93% (thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn so với kế hoạch tăng trưởng năm 2023 đã đề ra từ 8 - 8,5%). Nguyên nhân là do khó khăn chung từ tình hình kinh tế thế giới, trong nước, trong tỉnh dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, ít đơn hàng.
Sản xuất công nghiệp tuy có phục hồi nhưng còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền, dẫn đến xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn và sụt giảm do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lạm phát tăng mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia làm cho thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng ít đi, trong nước chi phí sản xuất và lãi suất tín dụng vẫn ở mức cao, bên cạnh đó, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả, tiêu dùng phục hồi chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra còn một số cơ chế, chính sách, quy định thực hiện có lúc có nơi còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao.
Những nhiệm vụ, giải pháp của ba tháng cuối năm 2023
⁃ Tập trung thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công thương tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long an đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long an; tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
- Tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại năm 2023; triển khai các Đề án khuyến công địa phương năm 2023. Xây dựng kế hoạch công nghiệp hỗ trợ năm 2023. Tăng cường xúc tiến thương mại biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, kiểm soát thị trường để chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả trong hoạt động thương mại.
⁃ Tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ký hợp đồng với đơn vị thụ hưởng để triển khai thực hiện các Đề án khuyến công quốc gia năm 2023; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Duy trì và phát triển tốt mạng lưới thông tin thị trường, để kịp thời nắm bắt thông tin, khuyến cáo đến các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan những biến động của thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản.
⁃ Tiếp tục phối hợp với các tổ chức, nhà đầu tư tập trung rà soát vấn đề thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với thủ tục thông thoáng, công khai, minh bạch; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo tình hình đầu tư các cụm công nghiệp đang triển khai, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cụm công nghiệp trong năm 2023.
⁃ Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động phối hợp rà soát, đề xuất xử lý dự án đầu tư chậm, không thực hiện; phối hợp thực hiện quyết liệt trong công việc quản lý, xử lý đối với các dự án không phép. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tích cực để các nhà đầu tư triển khai nhanh các vụ án lớn, trọng điểm trên địa bàn; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn địa phương quản lý. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại các thị trường mới tiềm năng, để tìm kiếm các đối tác, các tập đoàn lớn.
- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát thực trạng phát triển chợ, đánh giá hiệu quả hoạt động của chợ để đề xuất đầu tư phù hợp, nhất là các địa phương công nghiệp có nhiều lao động, nhiều điểm bán hàng tự phát. Quan tâm đầu tư, xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các chợ theo hướng văn minh, hiện đại: quy mô, kết cấu chợ phù hợp, đảm bảo an toàn thực phẩm; bố trí sắp xếp ngành hàng, phù hợp phong tục, thói quen. Rà soát, đề xuất vị trí thu hút đầu tư phát triển các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Xây dựng lộ trình phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh
- Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến, tham gia các sự kiện kết nối giao thương, tư vấn thị trường xuất khẩu nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, sendo, voso, postmast, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh qua nhóm Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử của tỉnh trang fanpage sản phẩm Long an, tiếp tục giới thiệu các vị trí cho nhà đầu tư đến tìm hiểu khảo sát để đầu tư tại tỉnh./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT