TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Sản xuất công nghiệp và thương mại 10 tháng của Bà Rịa - Vũng Tàu

23/11/2023

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua 10 tháng năm 2023 triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành công thương tỉnh đã tích cực nỗ lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ cũng như tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế trên lĩnh vực công thương bằng nhiều biện pháp và giải pháp thiết thực, hiệu quả. Chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu và khí đốt phục hồi với mức tăng 11,33% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì ổn định, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng giảm do biến động của thị trường thế giới. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định. Cụ thể:

1. Sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê Bà Rịa – Vũng Tàu, các doanh nghiệp công nghiệp đã có sự thích nghi và phục hồi khá. Nhiều doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng 15,86% so với tháng cùng kỳ năm trước, lũy kế tăng 14,46%. Sản xuất công nghiệp lũy kế 10 tháng tăng 3,1%, trong đó sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt có mức tăng trưởng cao với IIP tăng 11,33%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tháng 10 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng, chỉ số IIP tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chế biến, chế tạo tăng 14,46%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước tăng 0,24%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải khai thác và cung cấp nước tăng 1,74%; ngành khai khoáng giảm 5,29%. Chỉ số IIP 10 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đồ uống tăng 33,68; sửa chữa, bảo dưỡng lắp đặt máy móc thiết bị tăng 33,92%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 46,44%; sản xuất trang phục tăng 96,86%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 15,26%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 35,86%; sản xuất từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) 21,87%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Sản lượng dầu thô khai thác tháng 10 ước 690,4 ngàn tấn, giảm 6,21% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng đầu năm ước tính 7.223,3 ngàn tấn, giảm 3,48%. Khí tự nhiên dạng khí ước 624,1 triệu m3, tăng 14,35 so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng 5.487,2 triệu m3, giảm 6,13%. Một số sản phẩm công nghiệp khác có mức tăng trưởng 10 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: bia dạng lon tăng 33,68%; sắt thép dạng thỏi tăng 10,99%; sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nóng, có chiều rộng < 600mm, chưa  được dát phủ, mạ hoặc tráng tăng 23,64%; Polyaxetal, polyete khác và nhựa epoxy tăng 6,73%; phân khoáng hoặc phân hoá học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) tăng 11,4%; bộ com - lê, quần áo đồng bộ, áo jacket tăng 119,74%...

2. Thương mại và dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 13,36% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,85%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 14,11%; doanh thu ngành du lịch lữ hành tăng 106,3%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tăng 13,58%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng trừ xuất khẩu dầu khí ước đạt 893,6 triệu USD, giảm 19,55% so tháng cùng kỳ.

Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tháng 10 ước tính 5.689,4 tỷ đồng, tăng 2,82% so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ là 13,29%. Lũy kế 10 tháng ước 54.325,9 tỷ đồng, tăng 12,85% so với cùng kỳ; trong đó một số nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: Nhóm xăng, dầu các loại, tăng 26,37%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 19,5%; lương thực, thực phẩm tăng 19,46%; nhiên liệu khác tăng 13,45%; nhóm kim loại quý, vàng, bạc, đá quý tăng 12,03%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến động tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước, một số nhóm ngành giảm như: Nhóm hàng may mặc giảm 16,65%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 12,04%. Một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá như: Chi nhánh - Công ty Cổ phần Cafina; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sài Gòn - Vũng Tàu; CN - Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận - Cửa hàng PNJ; Công ty Cổ phần TMDV Xe hơi Vũng Tàu.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 10 ước tính 1.119,7 tỷ đồng, tăng 1,88% so với tháng trước và so với cùng kỳ tăng 15,60%, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước 470,7 tỷ đồng, tăng 2,05% so với tháng trước và tăng 20,45% so với cùng kỳ, cụ thể tại Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn - Bình Châu tăng 55,87%, Công ty TNHH Biển ngọc Hồ Tràm tăng 17,84%; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phương Nam tăng 7,68%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước tính 649 tỷ đồng, tăng 1,75% so tháng trước và tăng 12,32% so cùng kỳ, cụ thể tại Công ty cổ phần khách sạn du lịch thanh niên Vũng Tàu tăng 2,17 lần, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp tỉnh BR-VT tăng 2,1 lần, Công ty Cổ phần Đầu tư Kim An tăng 25,92%, Công ty TNHH Lương Gia tăng 15,17%. Hoạt động lưu trú, ăn uống có những tín hiệu lạc quan khi số lượng du khách có xu hướng ngày càng tăng, nhất là các dịp lễ, tết, mùa hè, những ngày nghỉ cuối tuần: Doanh thu ước tính 10 tháng là 10.912,7 tỷ đồng, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 1.078 triệu USD, bằng 73,68% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 11.274,9 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 7,83%; nhập khẩu giảm 4,54%; cán cân thương mại hàng hóa tính cả dầu khí ước xuất siêu 828,5 triệu USD, trừ dầu ước nhập siêu 1.053 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lũy kế 10 tháng năm 2023 ước đạt 6.051,7 triệu USD, giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước. Một số hàng hóa chủ yếu giảm: giày, dép các loại giảm 8,31%; sắt thép giảm 36,41%; sản phẩm từ sắt thép giảm 42,02%; hàng dệt, may giảm 22,16%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 33,78%... Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 67,91% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Nhập khẩu hàng hóa: kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lũy kế 10 tháng năm 2023 ước đạt 5.223,2 triệu USD, giảm 4,54% so với cùng kỳ. Một số hàng hóa chủ yếu giảm: hóa chất giảm 29,48%; khí đốt hóa lỏng giảm 21,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 57,92%; sắt thép các loại giảm 10,78%; lúa mỳ giảm 42,5%; hàng hoá khác giảm 55,49%; ...Thị trường nhập khẩu, Châu Á chiếm 66,71% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tập huấn kỹ năng tìm kiếm và khai thác thị trường xuất nhập khẩu: trong tháng, Sở Công thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức tập huấn cho cán bộ các sở, ban ngành và DN trong tỉnh kỹ năng tìm kiếm và khai thác thị trường xuất nhập khẩu - các công cụ để DN tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại.Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe phổ biến một số nội dung liên quan đến các chính sách và cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; tận dụng những cơ hội, hạn chế và thách thức trong thực hiện cam kết của FTA thế hệ mới như hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP…; các kỹ năng khai thác thị trường xuất khẩu cũng như cách thức tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại.

Chỉ số giá tiêu dùng: Tháng 10 năm 2023, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ 05 nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhẹ: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%. Nhóm hàng chỉ số giảm là: Giao thông giảm 1,21%; đồ uống và thuốc lá có chỉ số giảm 0,26%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Nhóm hàng có chỉ số ổn định gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,14%.

3. Một số giải pháp trọng tâm cuối năm 2023

Để hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, ngành Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong hai tháng cuối  năm 2023 như: Tập trung đẩy nhanh triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế của ngành công thương trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thương mại … theo các chương trình, nghị quyết, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong năm 2023; Thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai, vận hành hoạt động của các dự án đầu tư sản xuất mới, các dự án hạ tầng cụm công nghiệp … để kịp thời cùng các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoàn thành dự án đưa vào vận hành, nhanh chóng tạo ra giá trị sản xuất, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố Vũng Tàu năm 2023: Tập trung phát triển đa dạng thương mại dịch vụ có nhiều tiềm năng, lợi thế. Mở rộng mạng lưới và đổi mới phương thức hoạt động các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn theo hướng văn minh, hiện đại. Thu hút một số dự án đầu tư mới nhà hàng, khách sạn có chất lượng dịch vụ cao, tạo điểm nhấn về dịch vụ để thu hút khách trong và ngoài nước./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC