TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tỉnh Khánh Hòa qúy I năm 2024

25/04/2024

Năm 2024, hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn gặp khó khăn, một số ngành, sản phẩm chủ lực vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và thị trường tiêu thụ ở nước ngoài; thị trường xuất khẩu ngày càng gia tăng những tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với các mặt hàng, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Điều này có tác động trực tiếp đến chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành, các địa phương đã quyết liệt triển khai và thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh; tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn, để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của Khánh Hòa (theo giá so sánh 2010) GRDP ước được 14.528,2 tỷ đồng tăng 12,4 % so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ tư của cả nước ( sau tỉnh Bắc Giang tăng 14,18 %; tỉnh Trà Vinh tăng 13,93 %, và tỉnh Thanh Hóa tăng 13,15 %). Đây chính là điểm sáng, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh trong các tháng tiếp theo của năm 2024 cụ thể:

Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,54% so với tháng trước và tăng 47,27 % so cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 15,54% và giảm 31,63%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,44% và tăng 2,64%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,36%  và gấp 6,54 lần; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,35% và tăng 10,37%.

Tính chung quý I năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh có mức tăng trưởng khá cao với 36,97% (cao nhất vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung). Sở dĩ Qúy I năm 2024, công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa có sự tăng trưởng đột phá, xuất phát từ việc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu sản xuất ổn định nên ngành sản xuất và phân phối điện tăng rất cao. Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào vận hành đã đóng góp rất lớn cho chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau thời gian dịch bệnh và suy thoái đã tái cơ cấu sản xuất và bắt đầu hoạt động ổn định trở lại nên mức tiêu thụ điện năng tăng cao. Bên cạnh đó, ngành du lịch phục hồi, khách lưu trú tăng cũng đã góp phần kích thích cho điện thương mại tăng trưởng. Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,8 lần, trong đó sản lượng điện sản xuất gấp 11,03 lần, điện thương phẩm tăng 29,41%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,22%, trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 13,57%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 3,19%. Với một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Sản xuất phương tiện vận tải tăng 15,53%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,77% (trong đó chế biến thủy sản tăng 9,05% do xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu hồi phục, sản xuất đường tăng 19,07% do các doanh nghiệp sản xuất đường mía đang vào vụ); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,47%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,63%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,22%, trong đó: khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 13,57%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 3,19%. Cùng một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp quý I năm 2024 tăng so cùng kỳ năm trước là: Cá ngừ đông lạnh tăng 6,09%; bia đóng lon tăng 6,62%; tôm đông lạnh tăng 22,36%; đường RE tăng 39,75%; bia đóng chai gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Song ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm như: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 13,78%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,68 %, với một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 4,19%; sản xuất trang phục giảm 7,35%; sản xuất đồ uống giảm 28,82% (trong đó sản xuất nước yến giảm 33,75% do tình hình tiêu thụ chậm; riêng sản xuất bia tăng 8,38% do trong quý I năm 2024 Công ty CP Bia Sài Gòn Khánh Hòa đã ký được hợp đồng mới). Với một số sản phẩm giảm như: Sợi tự nhiên giảm 1,92%; thuốc lá có đầu lọc giảm 4,19%; bộ quần áo thể thao giảm 7,35%; cá khác đông lạnh giảm 7,78%; đường RS giảm 5,93%; tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) giảm 14,59%; bàn bằng gỗ các loại giảm 17,23%; nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 33,75% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2024 diễn ra khá nhộn nhịp và sôi động. Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2024 ước được 48.613,3 tỷ đồng, tăng 11,32% so cùng kỳ năm 2023, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2024 ước đạt 30.203,6 tỷ đồng tăng 17 % so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể ở một số ngành như sau: Bán lẻ hàng hóa ước được 18.541,4 tỷ đồng, tăng 8,06% do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao, tăng cao nhất là nhóm hàng đá quý và kim loại quý tăng 65,32% do chịu tác động của giá vàng tăng cao; thứ hai là nhóm xăng dầu tăng 14,77% do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trước và sau Tết tăng cao; thứ ba là nhóm sửa chữa xe có động cơ tăng 12,23%. ..

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của kinh tế tỉnh Khánh Hòa. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động hoàn thiện sản phẩm, tìm đường vào các thị trường lớn, đông dân như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 tăng 56,65% so với tháng trước và tăng 11,12% so cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu được 760,3 triệu USD tăng 13,31% so cùng kỳ năm trước, cụ thể: Xuất khẩu tăng 17,42%; nhập khẩu tăng 5,95%.

* Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2024 ước được 192 triệu USD, tăng 71,33% so tháng trước và tăng 30,23% so cùng kỳ năm trước: Kinh tế tập thể 125 nghìn USD, tăng 7,02% và tăng 8,7%; kinh tế tư nhân 69,9 triệu USD, tăng 20,45% và giảm 20,63%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 118,5 triệu USD, gấp 2,38 lần và gấp 2,14 lần; kinh tế nhà nước 3,5 triệu USD, giảm 15,29% và giảm 11,92%. Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 3/2024 như: 88 triệu USD phương tiện vận tải và phụ tùng, gấp 2,57 lần so với tháng trước; 73,3 triệu USD hàng thủy sản, tăng 84,55%; 5 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 66,43%; 1,2 triệu USD máy móc thiết bị và phụ tùng, tăng 32,88%; 1,5 triệu USD vải các loại, tăng 25%; 15,4 triệu USD cà phê, giảm 13,14%; 4,1 triệu USD hàng dệt may, giảm 49,02%; 3,2 triệu USD hàng hóa khác, giảm 54,95%.

Tính chung quý I năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước được 505,2 triệu USD, tăng 17,42% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực trong nước được 227,2 triệu USD, giảm 4,44% và chiếm 44,98% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được 277,9 triệu USD, tăng 44,44%, chiếm 55,02%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực trong nước quý I năm 2024, kinh tế tư nhân 213,8 triệu USD, giảm 4,15% so cùng kỳ năm trước; kinh tế nhà nước được 13,1 triệu USD, giảm 9,69%; riêng kinh tế tập thể 0,4 triệu USD, tăng 34,67%.

Xét tỷ trọng nhóm các mặt hàng cho thấy, có 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất và trên 100 triệu USD là hàng thủy sản và tàu biển với 386,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 76,45% tổng kim ngạch xuất khẩu cụ thể: Hàng thủy sản được 176 triệu USD, tăng 17,52%; 210,2 triệu USD phương tiện vận tải và phụ tùng, tăng 54,1%. Có 4 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 10 đến 50 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,44% cụ thể: 44,5 triệu USD cà phê, tăng 37,77%; 19 triệu USD hàng hóa khác, giảm 36,28%; 18,8 triệu USD gỗ, giảm 50,65%; 20,9 triệu USD hàng dệt may, giảm 14,98%. Một số mặt hàng còn lại có giá trị từ 1 đến 10 triệu USD như: 4 triệu USD máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, giảm 47,22%; 4,5 triệu USD vải các loại, giảm 17,7%; 6 triệu sản phẩm từ gỗ, tăng 35,37%. Một số thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh như: Xin-ga-po 75,7 triệu USD, gấp 11,34 lần so cùng kỳ năm trước; Mỹ 58,2 triệu USD, tăng 11,82%; Nhật Bản 38,6 triệu USD, tăng 5,24%; Đức 13,6 triệu USD, giảm 0,84%; Trung Quốc 15,8 triệu USD, giảm 15,84%; Nga 11,8 triệu USD, gấp 2,22 lần; Đài Loan 11,1 triệu USD, tăng 10,82%; Hàn Quốc 10,9 triệu USD, giảm 18,2%.

* Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2024 ước được 93,4 triệu USD, tăng 33,2% so tháng trước và giảm 14,62% so cùng kỳ năm trước: Kinh tế tư nhân 38,4 triệu USD, tăng 51,86% và tăng 27,75%; kinh tế nhà nước 5,5 triệu USD, gấp 2,35 lần và tăng 11,45%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 49,5 triệu USD, tăng 16,46% và giảm 33,47%. Giá trị một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tháng 3/2024 như: 1,5 triệu USD vải các loại, gấp 2,55 lần so tháng trước; 1,5 triệu USD nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, gấp 2,53 lần; 4,8 triệu USD nguyên phụ liệu thuốc lá, gấp 2,19 lần; 12,2 triệu USD sắt thép các loại, tăng 77,73%; 28,3 triệu USD hàng thủy sản, tăng 50,84%; 2,5 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 40,6%; 16,7 triệu USD máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, tăng 18,7%; 10,5 triệu USD than đá, tăng 0,63%; 11,5 triệu USD hàng hóa khác, giảm 4,13%.

Tính chung quý I năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước được 255,2 triệu USD, tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực trong nước được 104,4 triệu USD, tăng 6,55% và chiếm 40,9% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được 150,8 triệu USD, tăng 5,55% và chiếm 59,1%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khu vực trong nước quý I năm 2024, kinh tế nhà nước 10,6 triệu USD, giảm 9,26%; kinh tế tư nhân 93,8 triệu USD, tăng 8,69%.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu như: 2 triệu USD nguyên phụ liêu dược phẩm, tăng 70,98% so cùng kỳ năm trước; 2 triệu USD bông các loại, tăng 65,48%; 44,2 triệu USD than đá, tăng 46,84%; 39,4 triệu USD hàng hóa khác, tăng 32,29%; 5,3 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 24%; 44,2 triệu USD máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, tăng 16,25%; 3 triệu USD nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, tăng 3,5%; 3,4 triệu USD vải các loại, tăng 0,33%; 70,4 triệu USD hàng thủy sản, giảm 11,01%; 9,2 triệu USD nguyên phụ liệu thuốc lá, giảm 12,53%; 26,6 triệu USD sắt thép các loại, giảm 31,24%. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I năm 2024, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 99,8 triệu USD, chiếm 39,1% tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 8,81% so cùng kỳ năm trước; In-đô-nê-xi-a 33,4 triệu USD; giảm 2,68%; Đài Loan 21,3 triệu USD, tăng 17,1%; Trung Quốc 15,7 triệu USD, tăng 14,25%; Nhật Bản 8 triệu USD, giảm 21,77%; Mỹ 7,3 triệu USD, gấp 2,01 lần; Xin-ga-po 7,6 triệu USD, giảm 67,27%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2024, xuất siêu được 250 triệu USD, bằng 49,49% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu được 127,1 triệu USD; khu vực kinh tế trong nước xuất siêu được 122,9 triệu USD.

Những tồn tại hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh còn những hạn chế, bất cập cụ thể như: chỉ số sản xuất ngành công nghiệp quý I năm 2024 tăng cao chủ yếu nhờ ngành sản xuất điện tăng trưởng mạnh do nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong đã đi vào khai thác, vận hành. Tuy nhiên, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, trong đó các sản phẩm vốn là thế mạnh của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như nước yến, thuốc lá điếu do tiêu thụ chậm. Tiến độ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chậm chủ yếu do vướng thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp. Tiến độ triển khai một số nhiệm vụ quan trọng của tỉnh còn chậm như: Tiến độ triển khai các nội dung công việc liên quan đến các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trọng điểm tại khu kinh tế Vân Phong chậm so với kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân là công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương còn bất cập, chưa chặt chẽ; Việc đôn đốc, nhắc nhở, kiểm soát tiến độ công việc còn buông lỏng; một số việc khó khăn, vướng mắc giữa các Sở, ban ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý kịp thời; Cán bộ tham mưu về công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế nên để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn người bị ngộ độc.

Nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong Quý II năm 2024

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2024 đã đề ra, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 8,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 96,25 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.870 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 16.687 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.087 tỷ đồng, thu nội địa đạt 14.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 80.569 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Khánh Hòa cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 như sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH ban hành kèm Quyết định số 173/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 16/01/2024 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 07/02/2024.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững trong đó phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn Toàn cầu. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn, để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có như hạ tầng khu công nghiệp Ninh Thuỷ; các cụm công nghiệp Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá trắng, khu công nghiệp Nam Cam Ranh,... Thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới, như các nhà máy sản xuất tại cụm công nghiệp Trảng É, sông Cầu, cụm công nghiệp và chăn nuôi Khatoco, Diên Thọ.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Chuẩn bị công tác tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, cụ thể hóa các nội dung ký kết tại bản ghi nhớ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với các nhà đầu tư tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023; Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo nghị quyết số 55/2022/QH của Quốc Hội. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng và cung cấp các dịch vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cần đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản./.                                               

 Đinh Thị Bích Liên

                                                   Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC