TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tỉnh Hậu Giang 4 tháng ​năm 2024

08/05/2024

Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước thực hiện tháng 4 năm 2024, tính theo giá so sánh 2010 được 3.402,49 tỷ đồng, tăng 6,21% so với tháng trước và tăng 10,46% so với cùng kỳ năm trước; Tính theo giá hiện hành được 6.068,35 tỷ đồng, tăng 7,09% so với tháng trước và tăng 11,73% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã phục hồi và phát triển ổn định trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành luôn chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, tỉnh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông - thuỷ sản, hiện nay ngành này đang có lợi thế cạnh tranh, do tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, có khả năng xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy chuẩn quốc tế. Ngoài ra, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hậu Giang tăng một phần là do các chính sách ưu đãi thuế, chính sách giải quyết các thủ tục hành chính tinh gọn của các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền và quan trọng nhất là dự án các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đang trong giai đoạn đầu tư - xây dựng, nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư hoặc doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả mở rộng quy mô nhà máy. Cụ thể như: Công ty TNHH Number One Hậu Giang đã đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất đường RE, với sản lượng dự tính tháng 4 ước được 845 tấn; Công ty TNHH MTV Masan HG đã đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất sữa có đường các loại, với sản lượng dự tính tháng 4 được 119 tấn,... Vì vậy, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Dự tính tháng 4/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,75% so với tháng trước và tăng 8,88% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 4 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,94% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp và tăng 9,13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,18%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,99% so với cùng kỳ năm 2023.

Có một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh Hậu Giang, duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 48,22%; sản xuất trang phục tăng 15,67%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 45,37%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,51%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,47% … Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ các mặt hàng xuất khẩu  trên địa bàn tỉnh rất khả quan, nên các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định đã và đang đầu tư mở rộng nhà máy làm tăng sản lượng sản xuất như: Công ty CP thủy sản Minh Phú Hậu Giang, mới đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động một phân xưởng dự kiến trên 2.000 lao động, nên chỉ số sản xuất ngành chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản tăng 20,65%; Công ty TNHH Lạc Tỷ II, ký được nhiều hợp đồng có giá trị lớn nên công ty đã tăng ca và tuyển dụng thêm lao động tăng trên 8,33% so với cùng kỳ, nên làm chỉ số sản xuất ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 59,55%; Công ty TNHH NUMBER ONE Hậu Giang mới đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất đường với sản lượng lớn, đã làm ngành sản xuất đường tăng rất cao so với cùng kỳ,…

Chỉ số ngành công nghiệp tỉnh Hậu Giang 4 tháng năm 2024 tăng 8,94%.  Tuy có thấp hơn mức tăng 14% cùng thời điểm năm 2023 (nguyên nhân là do năm 2023 nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu I mới đi vào hoạt động, nên làm tăng đột biến ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí trên 278,31% so với năm 2022 nên làm chỉ số toàn ngành công nghiệp 4 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ).

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh 4 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản lượng sản xuất tôm đông lạnh tăng 21,27%; sản lượng nước mắm sản xuất tăng 13,94%; sản lượng sản xuất nước uống có vị hoa quả tăng 2,47%; sản lượng sản xuất giày dép các loại tăng 61,55%; sản lượng điện sản xuất tăng 5,73%;… Bên cạnh sản phẩm tăng vẫn còn một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Sản lượng sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản, giảm 0,77%; giấy và bìa khác giảm 2,27%.

Bên cạnh đó, phát triển khu, cụm công nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tỉnh Hậu Giang. Hiện Hậu Giang có 02 khu công nghiệp với tổng diện tích 492 ha, tỷ lệ lấp đầy 93,32%; thu hút được 63 dự án, trong đó có 45 dự án đã đi vào hoạt động. Cùng 07 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 486,55 ha, diện tích cho thuê là 275,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 70,95% đã thu hút 50 dự án với vốn đầu tư 9.597,66 tỷ đồng và 390 triệu USD. Theo quy hoạch đến năm 2025 Hậu Giang sẽ có thêm 03 KCN diện tích 784 ha, thành lập mới 05 cụm công nghiệp mới diện tích 230 ha và mở rộng 02 cụm công nghiệp thêm 31,5 ha. Đến nay, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, góp phần thu ngân sách và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Về thương mại dịch vụ

Tình hình hoạt động kinh doanh của các cơ sở Thương mại và Dịch vụ ước tính tháng 4/2024 có phần giảm nhẹ so với tháng trước. Doanh thu giảm chủ yếu ở các ngành dịch vụ tiêu dùng khác. Các hoạt động bán lẻ và loại hình lưu trú, ăn uống vẫn có mức tăng trưởng ổn định so với tháng trước dù tốc độ không cao.

Ước tính tháng 4/2024, tổng doanh thu các ngành thương mại dịch vụ thực hiện được 4.898,86 tỷ đồng, so với tháng trước chỉ bằng 98,99%, so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng 1%, lưu trú và ăn uống tăng 0,64% và dịch vụ khác giảm 11,50% so với tháng trước.

Ước tính 4 tháng năm 2024, tổng doanh các ngành thương mại và dịch vụ thực hiện được 19.786,91 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 109,65%. Thương mại dịch vụ mặc dù có mức tăng trưởng giảm đi trong tháng 4 nhưng tính chung tổng doanh thu ước 4 tháng vẫn giữ được tốc độ tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu bán lẻ, lưu trú ăn uống và các loại hình dịch vụ khác là những ngành đóng góp chủ yếu và đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước lần lượt 7,67%, 19,44% và 12,14%. Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 14.411,62 tỷ đồng, bằng 107,67%. So với cùng kỳ năm trước hầu hết các nhóm hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu bán lẻ đều có mức tăng trưởng cao, thấp nhất là 8% (nhóm lương thực thực phẩm) và cao nhất là 22,67% (nhóm xăng dầu). Riêng nhóm hàng vật liệu xây dựng và những hàng hóa khác tính chung lại có giá trị giảm lần lượt 18,57% và 17,53%, nguyên nhân do một số doanh nghiệp giải thể không còn hoạt động hoặc chuyển khỏi địa bàn tỉnh nên giá trị doanh thu các ngành này giảm, nhưng do chiếm tỷ trọng cũng tương đối thấp khoảng 14,73% nên không ảnh hưởng nhiều, tốc độ tăng chung vẫn giữ được ở mức khá.

- Doanh thu ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) được 2.931,66 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,14%. Giá trị tăng chủ yếu đến từ các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân và gia đình, tính chung 4 tháng tổng giá trị doanh thu ngành này tạo ra được hơn 621 tỷ đồng, có tốc độ tăng 68,41%. Các nhóm hàng khác còn lại hầu hết cũng có mức tăng tương đối. Riêng hoạt động dịch vụ kinh doanh môi giới bất động sản dù có tỷ lệ giảm nhiều 30,15% nhưng chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 10% nên không ảnh hưởng lớn. Vì vậy, tốc độ tăng chung vẫn cao so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Trong thời gian qua Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Hiện nay tỉnh Hậu Giang đã đưa 105 sản phẩm OCOP và 904 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử như: Vỏ sò, Postmart, Sendo... Bên cạnh đó, để tạo sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, Hậu Giang  khuyến khích người dân đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Lũy kế từ khi triển khai hoạt động cài đặt ví điện tử tại các chợ đến nay, đã cài đặt 176.355 ví, tổ chức ra mắt được 15 chợ trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, ngành Công Thương nỗ lực thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản. Tính đến nay Hậu Giang đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, Cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổng số trên 1.138.0000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, Hậu Giang đã hưởng ứng Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023. Theo đó Sở Công Thương Hậu Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia hoạt động Xúc tiến thương mại - Kết nối giao thương (B2B) 1:1 trực tiếp với các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa

Ước thực hiện tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 82.102 nghìn USD so với tháng trước bằng 104,34% và so với cùng kỳ năm trước bằng 93,61%. Chia ra:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 63.351 nghìn USD, so với tháng trước bằng 98,18% và so với cùng kỳ năm trước bằng 113,35%.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 18.751 nghìn USD, so với tháng trước bằng 132,39% và so với cùng kỳ năm trước bằng 58,93%.

Tính chung ước thực hiện 4 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 342.224 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 99,48% và so với kế hoạch năm đạt 26,99%. Chia ra:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 252.806 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 125,07% và so với kế hoạch năm đạt 31,37%.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 75.661 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 58,71% và so với kế hoạch năm đạt 18,10%.

- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 114 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 111,76% và so với kế hoạch năm đạt 11,40%.

- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 13.643 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 105,91% và so với kế hoạch năm đạt 31,73%.

Ước 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu trên địa bàn Hậu Giang giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 41,29%) chủ yếu giảm các mặt hàng nguyên liệu giấy, hóa chất, xăng dầu các loại. Mặc dù giá trị xuất khẩu tăng 25,07% nhưng tổng giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn giảm nhẹ 0,52% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2024

Xác định năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, ngành Công Thương Hậu Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 73.146 đồng, tăng 12,62%. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành phấn đấu đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 0,66%; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng phấn đấu đạt 1.229 triệu USD tăng 2,76% so với năm 2023

Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Công Thương Hậu Giang cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như sau:

- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Kịch bản tăng trưởng của tỉnh năm 2024, các ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

- Tập trung giải phóng mặt bằng tối thiểu 50% khu công nghiệp Sông Hậu 2 và tối thiểu 60% khu công nghiệp Đông Phú 2 để nhà đầu tư kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Giải phóng mặt bằng 100% diện tích còn lại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và khu công nghiệp Sông Hậu, đồng thời kêu gọi lấp đầy diện tích đã giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược.

- Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành hành chính, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số; chú trọng khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Tăng cường công tác thông tin, định hướng doanh nghiệp, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch, bền vững. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, tăng cường xử lý hoạt động tín dụng đen. Công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá cả dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý...

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển biến nhận thức và tạo hình ảnh mới về phong cách phục vụ doanh nghiệp, thông qua các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhanh chóng kịp thời, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư bằng những cam kết cụ thể của chính quyền địa phương, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hậu Giang.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030. Tăng cường kêu gọi xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại. Thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2024, giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án tạo nguồn lực phát phát triển, các dự án kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa./.

                                        Đinh Thị Bích Liên

                      Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC