TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại Tỉnh Bắc Giang quý I năm 2024

19/04/2024

Trong quý I năm 2024, Bắc Giang tiếp tục là một trong những tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng đứng đầu cả nước với (GRDP) ước đạt 14,18%, vượt kịch bản dự tính (kịch bản dự tính quý I/2024 là 11,79%). Tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng nhanh là do tốc độ tăng trưởng công nghiệp, kéo theo các ngành thương mại dịch vụ khác phát triển theo, cụ thể như sau:

Về sản xuất công nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2024 ước tăng 23,89% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành khai khoáng ước tăng 24,95%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 24,03% và ngành sản xuất, ngành phân phối điện ước tăng 15,65%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải ước tăng 7,03%. Dự tính giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) cộng dồn 03 tháng đầu năm 2024 ước đạt 153.513 tỷ đồng; tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 23,1% so với Kế hoạch năm. Trong đó, tháng 3/2024 ước đạt 52.716 tỷ đồng, tăng 21,4% so với tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng cao, chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất và hoạt động ổn định từ cuối quý III/2023 đến nay. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2022 tăng 23,63%, năm 2023 tăng 10,45%), đã phản ánh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phục hồi hoàn toàn.

* Phân theo loại hình kinh tế: Khu vực kinh tế Nhà nước tháng 3 ước đạt 941 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước; tăng 11,4% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tháng 3 ước đạt 5.277 tỷ đồng, tăng 10,9% so với tháng trước; tăng 10,6% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tháng 3 ước đạt 46.498 tỷ đồng, tăng 23,1% so với tháng trước; tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.

* Phân theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai thác tháng 3 ước đạt 272 tỷ đồng, tăng 94,3% so với tháng trước; tăng 26,1% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến tháng 3 ước đạt 52.133 tỷ đồng, tăng 21,2% so với tháng trước; tăng 25,0% so với cùng kỳ; Sản xuất điện, điện, khí đốt, nước tháng 3 ước đạt 257 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước; tăng 16,6% so với cùng kỳ;  Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tháng 3 ước đạt 54 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng trước; tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có một số ngành có mức tăng trưởng cao như: Khai thác than cứng và than non tăng 24,95%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 44,25%; các sản phẩm điện tử, thiết bị điện, máy vi tính và thiết bị quang học tiếp tục là nhân tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh (chiếm tỷ trọng trên 33% trong GRDP) tăng 41,13% nhờ sự tăng trưởng mạnh của các công ty lớn trong ngành này như Công ty Luxshare ICT, Công ty Fukang, Công ty Hana Micon với ; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 19,02%. Với các sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng mạnh như bộ comple, quần áo đạt 52,7 triệu cái tăng 12,1%; thức ăn chăn nuôi đạt 23,2 nghìn tấn tăng 44,2% ; đồng hồ thông minh ước đạt hơn 3,3 triệu cái, tăng gấp 2 lần; tai nghe ước đạt hơn 18,5 triệu cái, tăng hơn 52%; thiết bị ngoại vi đạt 57,6 triệu cái tăng 53,5%; mạch điện tử tích hợp đạt 91,8 triệu cái tăng 3,7%; Urê đạt 103;6 nghìn tấn tăng 16,4%; điện thương phẩm đạt 1375 triệu KWh tăng 13%... so với cùng kỳ năm trước. Với các sản phẩm chủ lực có mức tăng mạnh như đồng hồ thông minh ước đạt hơn 3,3 triệu cái, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái; tai nghe ước đạt hơn 18,5 triệu cái, tăng hơn 52% so cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, Bắc Giang còn là tỉnh có sự phát triển mạnh về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện nên địa phương này tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong quý I/2024, Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu công nghiệp, luỹ kế hiện nay toàn tỉnh đã có 10 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích quy hoạch là 2.252,3 ha. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong thời gian tới và hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tính đến giữ tháng 3 năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 624,3 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 66,5% cùng kỳ; trong đó cấp mới 9 dự án trong nước, vốn đăng ký 7.668,4 tỷ đồng (gấp 25,8 lần cùng kỳ) và cấp mới cho 15 dự án FDI, vốn đăng ký 104,5 triệu USD (bằng 13,2 % cùng kỳ); điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án DDI với số vốn bổ sung đạt 1.153,4 tỷ đồng (gấp 3,8 lần) và 11 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 162,26 triệu USD (gấp 4,3 lần). Các dự án triển khai thực hiện thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương, góp phần xây dựng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng trưởng và bền vững.

Song ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn có một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn với mức tăng trưởng âm như: Sản xuất đồ uống giảm 47,59%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 17,01%; sản xuất hóa dược liệu giảm 12,31%; sản xuất thiết bị điện giảm 10,52%.

Về hoạt động thương mại dịch vụ

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 3/2024 tiếp tục diễn ra sôi động. Doanh thu các ngành trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhìn chung tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2024 ước đạt 5.210 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước; tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 3.819,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so tháng trước tăng 0,72% và tăng 18,9% so với tháng cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ tháng 3 ước đạt 1.391 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước; tăng 6,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 11.624,2 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa:

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 3/2024 ước đạt 1.822,5 triệu USD, tăng 8,9% so với tháng trước; tăng 19,7% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha và một số nước khác. Các sản phẩm xuất khẩu: Hàng dệt may, da giày; máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện các loại; thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo...

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 3/2024 ước đạt 1.447,2 triệu USD, tăng 8,3% so với tháng trước; tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước khác. Các sản phẩm nhập khẩu: Nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu (Nguyên phụ liệu may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, máy móc thiết bị...).

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2024 của tỉnh Bắc Giang vẫn còn những khó khăn, hạn chế trên một số lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là tình hình đơn hàng của một số doanh nghiệp lớn sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời (là một trong những ngành sản xuất chủ lực của tỉnh) giảm sút. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử là vendor của tập đoàn Samsung chưa có thêm đơn hàng mới do mức tiêu thụ của một số thị trường còn chưa cao sau đại dịch. Các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất còn rất hạn chế. Số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động tăng cao hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được tập trung cao đạt nhiều kết quả tích cực, song nhìn chung vẫn gặp khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư các dự án.

Mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm

Năm 2024, Bắc Giang đặt ra một số mục tiêu quan trọng về kinh tế là giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) năm 2024 sẽ đạt khoảng 665,76 nghìn tỷ đồng, tăng 23%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 64 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4%; kim ngạch nhập khẩu  đạt 27 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2023.

Để giữ được tốc độ phát triển, tăng trưởng, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:

- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư, các ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ công việc, tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành công việc theo kế hoạch đề ra, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tăng cường đầu tư hạ tầng; đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung; ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

- Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi hoặc ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển, nhất là cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư lớn, phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

- Rà soát, hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp với các quy định rõ ràng, chi tiết, bảo đảm tính công khai, minh bạch, để lựa chọn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong tỉnh. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước.

- Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến các nội dung về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế; phối hợp với cơ quan trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu.

- Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ngành hàng, thị trường, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước và các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế khác. Thực hiện hỗ trợ miễn phí các thông tin này cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ động có phương án, tham mưu đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả; đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng cho người dân ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi. Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,...; để đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời Phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm thị trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh.

- Tiếp tục hướng dẫn các xã trên địa bàn tỉnh hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024; Tham mưu thẩm định mức độ đạt các tiêu chí xã nông thôn mới thuộc ngành Công Thương theo đề nghị của các huyện, thành phố.

- Thực hiện tham gia ý kiến thẩm định đối với các dự án đầu tư liên quan đến ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh theo chức năng; đảm bảo chất lượng và trả kết quả đúng thời gian quy định. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về thẩm định, đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh, bán hàng đa cấp… theo quy định.

- Thực hiện tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư CCN đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

- Tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư có tài sản đẩy nhanh tiến độ điều chuyển công trình, hạng mục công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đủ điều kiện điều chuyển cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý theo quy định tại Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý

- Tiếp tục bám sát tiến độ các dự án lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đảm bảo dự án hoàn thành đóng điện đúng tiến độ; chủ động đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các huyện tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án các điện đảm bảo tiến độ đề ra; phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giá bán điện, an toàn điện, việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý; Tổ chức 01 lớp tập huấn tuyên truyển phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý; xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm năm 2024.

- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện đề án với các đơn vị thụ hưởng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024, ngay sau khi được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, Cục Công Thương địa phương giao nhiệm vụ; triển khai thực hiện các đề án khuyến công tỉnh, Kế hoạch xúc tiến thương mại và các đề án thuộc Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Bắc Giang năm 2024 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong chỉ đạo điều hành; tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng.

- Tiếp tục duy trì thực hiện tốt Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 02/6/2024 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ./.

                                                           Đinh Thị Bích Liên

                                              Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC