TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Sản xuất Công nghiệp, Thương mại tỉnh Bắc Giang 6 tháng năm 2024

10/07/2024

6 tháng năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tiếp tục dẫn đầu cả nước. Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tốt; các ngành dịch vụ phục hồi; giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá.

Về sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hoạt động của ngành Công  Thương  trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục xu thế phục hồi tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý II ước đạt 14,31%, quý I đạt 13,96%, đưa tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm tỉnh Bắc Giang tăng 14,14%. Ngành công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế trọng điểm, với vai trò là động lực chính cho phát triển kinh tế của tỉnh có đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Dự tính giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) tháng 6/2024 đạt 67.132 tỷ đồng, tăng 10,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 108,85% so với tháng trước và tăng 13,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có ngành khai khoáng tăng 17,03%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,14%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,49%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,44%.

Lũy kế, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (tăng trưởng) 6 tháng ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ. Phân theo địa bàn, sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có tăng trưởng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như: Việt Yên 27,23%, Yên Dũng 18,36%, Hiệp Hòa 17,27%, thành phố Bắc Giang tăng 16,3%,… Trong đó, ngành khai khoáng tăng 10,67%; ngành chế biến, chế tạo tăng 26,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,78%.

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 37,8%; sản xuất trang phục tăng 18,53; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 21,13%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 47,47%.... với một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2023: than đá các loại ước đạt 514,1 nghìn tấn, tăng 10,67%; mạch tích hợp điện tử ước đạt 208,3 triệu chiếc, tăng 21,4%; đồng hồ thông minh có giá từ 3-6 triệu ước đạt 3.082,5 nghìn cái, tăng 200%; đồng hồ thông minh có giá từ 6 - 10 triệu ước đạt 3.119,2 nghìn cái, tăng 86,8%; tai nghe có nối với micro ước đạt 4,12 triệu cái, tăng 47,4%; máy thu, đổi và truyền hoặc tái tạo âm thanh hình ảnh ước đạt 41,5 triệu cái, tăng 13,92%.

Song ở chiều ngược lại, vẫn còn một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất đồ uống giảm 43,62%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 18,92%; sản xuất thiết bị điện giảm 9,74%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,2%. Tuy nhiên những ngành này đa phần có quy mô nhỏ (trừ ngành sản xuất thiết bị điện có quy mô khoảng gần 10%) nên tác động không lớn đến mức tăng chung của chỉ số. Cùng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức suy giảm so với cùng kỳ năm 2023: ure ước đạt 165,9 nghìn tấn, giảm 11,8%; mạch in khác ước đạt 299,7 triệu chiếc, giảm 12,57%; pin khác ước đạt 8,8 triệu viên, giảm 80,2%; phụ tùng khác của xe có động cơ ước đạt 6,6 triệu cái, giảm 8,2%.

Về hoạt động thương mại

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6 năm 2024 ước đạt 3.938 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ, do kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo.

Lũy kế 6 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.328,3 tỷ đổng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có doanh thu một số nhóm hàng chính như sau: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm: Doanh thu ước đạt 1.309,1 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước, tăng 27,1% so với cùng tháng năm trước; doanh thu 6 tháng ước đạt 7.804,7 tỷ đồng, tăng 27,1% so cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng may mặc: Doanh thu tháng 6/2024 ước đạt 171,6 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước và tăng 16,8% so cùng tháng năm trước; doanh thu 6 tháng ước đạt 1.066,2 tỷ đồng, tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu nhóm gỗ và VLXD tháng 6/2024 ước đạt 740,7 tỷ đồng, tăng 3% so tháng trước và tăng 13,4% so cùng tháng năm trước; doanh thu 6 tháng ước đạt 4.242,9 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước. Nhóm xăng dầu các loại: Doanh thu trong tháng ước đạt 595,5 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước, tăng 18,8% so cùng kỳ; doanh thu 6 tháng ước đạt 3.757,4 tỷ đồng, tăng 25,5% so cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2024 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 23,9 tỷ USD, tăng 21,3%, đạt 39,8% kế hoạch, trong đó xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 6/2024 ước đạt 2.351,2 triệu USD, tăng 4,3% so với tháng trước; ước thực hiện 06 tháng đầu năm đạt 12.570 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha và một số nước khác. Các sản phẩm xuất khẩu: Hàng dệt may, da giày; máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện các loại; thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo... Đặc biệt đến hết ngày 24/6/2024, tổng sản lượng vải tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt gần 86 nghìn tấn (vải sớm gần 48 nghìn tấn; vải chính vụ 38 nghìn tấn). Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, thị trường trong nước gần 61 nghìn tấn qua các kênh: Hệ thống chợ đầu mối, các chợ dân sinh, siêu thị, các sàn thương mại điện tử, vải tươi chế biến sấy khô và hệ thống bán buôn, bán lẻ khác; xuất khẩu gần 25 nghìn tấn sang các thị trường chủ yếu là Trung Quốc (hơn 24,5 nghìn tấn) và một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn, các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn… Giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp 2-3 lần so với năm 2023, bình quân dao động từ 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 6/2024 ước đạt 2.248,1 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước; ước thực hiện 06 tháng đầu năm đạt 11.299,6 triệu USD, tăng 22,0% so với cùng kỳ. Thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước khác. Các sản phẩm nhập khẩu: Nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu (Nguyên phụ liệu may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, máy móc thiết bị...).

Nhiệm vụ và giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2024

Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu… Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tỉnh Bắc Giang cần nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, thị trường gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ động có phương án, tham mưu đề xuất báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm ổn định thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tập trung rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ, giải quyết những đề xuất, kiến nghị nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.

- Thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu,...; để đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, đánh giá tổng thể hệ thống các Kho xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh; đối chiếu với các Quy định về kinh doanh xăng dầu, Quy chuẩn về cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đề xuất các địa điểm xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu, làm cơ sở cho UBND huyện, thị xã, thành phố điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan của cấp huyện, theo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 149/TB-UBND ngày 11/4/2024.

- Tiếp tục hướng dẫn các xã trên địa bàn tỉnh hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024. Tổng hợp đề xuất Danh mục các dự án thương mại dịch vụ (Trung tâm thương mại, Siêu thị, trung tâm Logistics…) của các huyện, thị xã, thành phố; hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc, thu hút các nhà đầu tư lớn về dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tham gia ý kiến thẩm định đối với các dự án đầu tư liên quan đến ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh theo chức năng; đảm bảo chất lượng và trả kết quả đúng thời gian quy định. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về thẩm định, đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh, bán hàng đa cấp… theo quy định.

- Tập trung cao, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm đưa vào hoạt động, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và thời gian tiếp theo. Tiếp tục thực hiện tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.

- Tiếp tục bám sát tiến độ các dự án lưới điện truyền tải, phân phối điện trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đảm bảo dự án hoàn thành đóng điện đúng tiến độ; đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các huyện tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án điện đảm bảo tiến độ đề ra. Tiếp tục thực hiện Kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo Kế hoạch số 50/KH-BCĐ ngày 13/5/2024 của Ban Chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh.

- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện đề án với các đơn vị thụ hưởng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024, ngay sau khi được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, Cục Công Thương địa phương giao nhiệm vụ; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện các nội dung của đề án khuyến công quốc gia, khuyến công tỉnh. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án thuộc Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Bắc Giang năm 2024. Phối hợp tổ chức chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2024. Phối hợp tổ chức các khoá tập huấn về xúc tiến thương mại. Tham dự Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt nam ở nước ngoài tháng 6. Tham dự các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại: Hội chợ Thương mại và sản phẩm ocop Hậu Giang; Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 8 và Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 18. Tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt hiện nay, nhất là trong cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi./.

                                              Đinh Thị Bích Liên

                                         Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC