TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

25/04/2024

Ngày 15/02/2024, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 31/KH- UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với những mục tiêu, giải pháp cụ thể như sau:

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Thực hiện triển khai mạnh mẽ có hiệu quả 03 khâu đột phá và 06 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 22 tháng 10 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy đề ra.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường hỗ trợ tổ chức và người dân trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và thích ứng linh hoạt, hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Phấn đấu các chỉ tiêu về cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh đạt kế hoạch đề ra.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tuyên truyền xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả 03 trụ cột “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí thời gian trong xử lý hồ sơ, công việc.

- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp; số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

- Duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS; phấn đấu năm 2024 và những năm tiếp theo Chỉ số PAPI, SIPAS trong tốp 20 của cả nước, Chỉ số PAR INDEX trong tốp 20 của cả nước, Chỉ số PCI trong tốp 20 - 30 của cả nước.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1. Tháo gỡ bất cập về pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư

- Chủ động tháo gỡ các các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tổng hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

- Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên các lĩnh vực, trọng tâm là: thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

2. 2. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh

Tập trung nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2.3. Tiếp tục thúc đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa

- Cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cắt giảm danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về tiêu chuẩn an toàn đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm.

- Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây mất ổn định thị trường.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

+ Tăng cường hỗ trợ hoạt động xác lập quyền quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; tư vấn, hướng dẫn, thực hiện hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; tiếp tục tham mưu triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024.

+ Tăng cường công tác kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa và phương tiện đo lường nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý. Đẩy mạnh tham mưu thực hiện Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ- TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

2.4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh công tác cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng và hiệu quả

- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: rà soát và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí tuân thủ trong mọi lĩnh vực cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục hành chính; kết nối, chia sẻ, mở rộng dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nội dung về cải cách thủ tục hành chính, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; tăng cường hướng dẫn, đổi mới công nghệ thông tin để cải tiến quy trình, thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

+ Tiếp tục nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử.

+ Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng chính quyền của tỉnh.

- Sở Nội vụ:

+ Tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành cơ quan, địa phương, đơn vị; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng quan liêu, chủ quan, lơ là, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

2.5. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

+ Tiếp tục rà soát, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư (loại bỏ các mẫu đơn, tờ khai không cần thiết, không hợp lý, cắt giảm các khâu, các bước trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về kinh doanh, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính).

+ Nâng cao tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để kịp thời xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

+ Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

+ Khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết để hình thành các chuỗi giá trị.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân và nhà đầu tư nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tổ chức công bố và từng bước triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 làm cơ sở để thu hút đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án trên địa bàn; triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

+ Thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu về môi trường đầu tư của tỉnh, tìm kiếm địa điểm đầu tư, quy trình trình tự thủ tục, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; chú trọng tập trung thu hút các dự án lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa mạnh để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

- Sở Công Thương:

+ Xây dựng kế hoạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024; thúc đẩy áp dụng thương mại điện tử, phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, bạn hàng mới, sản phẩm xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường, một số ít sản phẩm xuất khẩu.

+ Tham mưu, tổ chức các hội nghị về hỗ trợ thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm 2024 nhằm tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết đến cộng đồng doanh nghiệp.

- Ngân hàng Nhà nước tỉnh đẩy mạnh khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nhất là vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan:

+ Thực hiện tốt các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động.

+ Tăng cường hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm cũng như tổ chức các phiên giao dịch việc làm; khảo sát, rà soát nhu cầu tìm việc làm của người lao động và nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị để tiếp tục thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho việc kết nối cung cầu lao động bằng hình thức kết nối online với nhà tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm việc làm.

+ Khảo sát đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp theo ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, từ đó xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp và liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực và giải quyết việc làm; định hướng, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý.

2. 6. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững

- Các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa... Tăng cường công tác khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, đồng thời chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nội dung và ý nghĩa của phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thông tin truyền thông với công nghệ hiện đại, độ phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên 3 trụ cột “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”.

- Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở chiến lược kinh doanh phù hợp, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường tiềm lực của doanh nghiệp và phát triển các liên kết trong và ngoài nước. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử và tham gia các sàn thương mại điện tử./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

TIN KHÁC