Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn khó khăn, nhưng với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của Thành phố Hà Nội, kinh tế thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý I năm 2024. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,77%; khu vực dịch vụ tăng 5,84%.
Về sản xuất công nghiệp
Theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2024 còn gặp khó khăn, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực sản xuất và xuất khẩu giảm. Ước tính quý I/2024, sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 17,4% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,6% và tăng 3,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,6% và tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 0,8% và tăng 5,3%; ngành khai khoáng tăng 1,6% và giảm 5%. Ước tính quý I/2024, chỉ số IIP tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,6%; khai khoáng giảm 12,6%.
Trong quý I năm 2024, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%; sản xuất thuốc lá tăng 9,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,7%, sản xuất trang phục tăng 5,8%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 5,7%. Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 6%; dệt giảm 4,9%; in, sao chụp bản ghi giảm 4,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,3%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm 21,7%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 tăng 39,7% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính quý I/2024, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Dệt tăng 39,6%; in, sao chép bản ghi tăng 20,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 39,4%; sản xuất kim loại giảm 27,3%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 14,4%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 10,6%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm 31/3/2024 tăng 1,3% so với cuối tháng trước và giảm 5,5% so với cuối quý I/2023. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 68,9%; dệt giảm 42,3%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 41,2%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 23,3%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 86,9%; sản xuất đồ uống tăng 71,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 54,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 63,3%; sản xuất kim loại tăng 45,9%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 3/2024 tăng 0,7% so với cuối tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước. Ước tính quý I/2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,4% so với quý I/2023, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,4%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 2,2%; khu vực Nhà nước tăng 1,6%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 2,9% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị giảm 29,5%; dệt giảm 9,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 8,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 6,3%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 5,9%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,3%; ngành khai khoáng tăng 49,7%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong quý I/2024, Thành phố thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 65,4 nghìn tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 42,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,6% và tăng 10,4%; khách sạn, nhà hàng đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 10,4%; du lịch lữ hành đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 54,2%; dịch vụ khác đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% và tăng 1,3%.
Ước tính quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 199,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 129,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (Đá quý, kim loại quý tăng 19,5%; lương thực, thực phẩm tăng 11,5%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 8,8%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 8,7%; xăng dầu tăng 7,5%; hàng may mặc tăng 7,5%; hàng hóa khác tăng 13,3%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 24,9 nghìn tỷ đồng chiếm 12,5% tổng mức và tăng 12,7% (dịch vụ lưu trú đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%; dịch vụ ăn uống đạt 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% và tăng 47,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 39,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,7% và tăng 1,6% (giáo dục và đào tạo tăng 11,5%; y tế tăng 9,6%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 9,4%; kinh doanh bất động sản tăng 7,5%).
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 3,7%; nhập khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 ước tính đạt 1.254 triệu USD, tăng 8,2% so với tháng trước và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 751 triệu USD, tăng 8% và giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 503 triệu USD, tăng 8,4% và giảm 20%. Trong tháng, các nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 168 triệu USD, giảm 19,5%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 145 triệu USD, giảm 17,4%; xăng dầu đạt 131 triệu USD, giảm 0,9%; hàng dệt, may đạt 121 triệu USD, giảm 20,5%; hàng nông sản đạt 104 triệu USD, giảm 1,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 36 triệu USD, giảm 51,3%; hàng hóa khác đạt 341 triệu USD, giảm 12,7%; riêng nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 159 triệu USD, tăng 21,4%.
Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.331 triệu USD, tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.605 triệu USD, giảm 6,6%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 484 triệu USD, tăng 4,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 474 triệu USD, tăng 33,2%; xăng dầu đạt 402 triệu USD, tăng 18,7%; hàng nông sản đạt 320 triệu USD, tăng 49,8%; hàng hóa khác đạt 987 triệu USD, tăng 2,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu quý I giảm so với cùng kỳ: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 526 triệu USD, giảm 8,3%; hàng dệt, may đạt 418 triệu USD, giảm 7,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 149 triệu USD, giảm 16,6%; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 73 triệu USD, giảm 32%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước tính đạt 2.754 triệu USD, tăng 11% so với tháng trước và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.327 triệu USD, tăng 13,4% và giảm 14,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 427 triệu USD, giảm 0,2% và giảm 26,9%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 376 triệu USD, giảm 32,2%; sắt thép đạt 159 triệu USD, giảm 7,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 145 triệu USD, giảm 30,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 142 triệu USD, giảm 30,1%; ngô đạt 82 triệu USD, giảm 8,2%; kim loại khác đạt 79 triệu USD, giảm 9,4%; chất dẻo đạt 77 triệu USD, giảm 32,5%. Riêng nhóm hàng xăng dầu đạt 400 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7.255 triệu USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.381 triệu USD, giảm 12,4%. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong quý I năm nay như: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1.269 triệu USD, giảm 0,3%; xăng dầu đạt 1.188 triệu USD, giảm 10,8%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 490 triệu USD, giảm 10,3%; sắt thép đạt 480 triệu USD, tăng 27,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 430 triệu USD, giảm 12%; chất dẻo đạt 264 triệu USD, giảm 11,4%; hàng hóa khác đạt 3.152 triệu USD, tăng 10,1%
Tóm lại, kinh tế thủ đô trong quý I năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng; thu NSNN trên địa bàn đạt 36% dự toán năm, tăng 3,9%. Thực hiện đầu tư từ NSNN do địa phương quản lý tăng 22,4%; thu hút gần 950 triệu USD vốn FDI. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,3%; khách du lịch đến Hà Nội tăng 46,5%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế Thành phố quý I cũng gặp nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng chậm so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt thấp; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng cao so với cùng kỳ; số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn lớn.
Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nước và Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu phát triển kinh tế thủ đô năm 2024, GRDP tăng 6,5-7,0%; GRDP/người 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp khoảng 7,0 - 7,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10 - 11%; Chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tăng dưới 4%...
Để hoàn thành mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai, thực hiện các Văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024. Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; xử lý hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Hai là, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.
Ba là, theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường; tăng cường công tác quản lý, điểu hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Chủ động dự báo, xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành giá và phương án, lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bốn là, tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Năm là, Nâng cao thương hiệu, sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm đặc sản vùng miền, làng nghề có sự tham gia đông đảo của cộng đồng.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT