I. Dự ước tình hình thực hiện kế hoạch năm 2023:
1. Về sản xuất công nghiệp:
Theo báo cáo số 131 ngày 7/7/2023 của Sở Công Thương Phú Yên, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu do thiếu đơn hàng sản xuất (hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp do cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, lạm phát còn ở mức cao ở nhiều nước, nhất là Mỹ, EU…). Tuy vậy, các doanh nghiệp đã tập trung vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất nên vẫn có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Do đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 9% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện 22.667 tỷ đồng, vượt 3,4% kế hoạch năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ; trong đó:
- Công nghiệp khai khoáng: Ước thực hiện 538,4 tỷ đồng, vượt 25,2% kế hoạch năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp tập trung khai thác và chế biến đá phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn, nhất là đường cao tốc Bắc Nam nên sản lượng đá xây dựng thông thường đạt 900 ngàn m3 , đạt 100% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
- Công nghiệp chế biến: Ước thực hiện 18.326,8 tỷ đồng, vượt 1,3% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ.
+ Chế biến thủy sản: Các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đơn hàng sản xuất thấp; tuy nhiên, các doanh nghiệp tập trung khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất và giữ chân lao động nên sản lượng chế biến ước đạt 18.700 tấn, vượt 1,1% kế hoạch năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
+ Chế biến mía đường: Nhìn chung các nhà máy hoạt động tương đối ổn định, phát huy được công suất thiết kế và đảm bảo tiêu thụ hết nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, niên vụ 2022-2023 thời tiết thuận lợi nên năng suất và sản lượng mía tăng cao; do đó, dự kiến sản xuất được 157.835 tấn đường, vượt 57,8% kế hoạch năm, tăng 62% so với cùng kỳ.
+ Chế biến tinh bột sắn: Các nhà máy đã tập trung sản xuất, đảm bảo thu mua hết nguyên liệu sắn trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, trong những tháng đầu năm các nhà máy thiếu nguyên liệu để sản xuất nên phải nghỉ vụ sớm; nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy chế biến tinh bột sắn ngoài tỉnh đến mua nguyên liệu sắn trong tỉnh dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu. Do đó, dự kiến sản xuất được 110.000 tấn tinh bột, đạt 91,7% kế hoạch năm, tăng 20,9% so với cùng kỳ.
+ Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu: Tình hình xuất khẩu nhân hạt điều gặp rất nhiều khó khăn tình hình lạm phát vẫn ở mức cao ở nhiều nước, nhất là Mỹ, EU... dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các doanh nghiệp đã tập trung khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất hoặc chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp lớn ở ngoài tỉnh để giữ chân người lao động; do đó, sản lượng nhân hạt điều sản xuất ước được 18.500 tấn, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
+ Sản xuất bia các loại: Hoạt động du lịch và dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi và phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất bia tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách và người dân nhất là các dịp lễ, Tết và mùa nắng nóng nên dự kiến sản xuất được 48 triệu lít bia, vượt 2,1% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
+ May mặc xuất khẩu: Mặc dù có sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực may xuất khẩu và ảnh hưởng lớn bởi tình hình kinh tế thế giới, song các doanh nghiệp cũng đã tích cực tìm kiếm khách hàng mới nên dự kiến sản xuất 18,5 triệu sản phẩm, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
+ Sản xuất thuốc chữa bệnh: Các nhà máy sản xuất ổn định và phục vụ tốt nhu cầu thị trường nên dự kiến sản xuất được 2.200 triệu viên, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 1,4% so với cùng kỳ.
+ Sản xuất linh kiện điện tử: Công ty TNHH CCIPY Việt Nam tập trung sản xuất ổn định theo các đơn hàng đã ký kết nên dự kiến sản xuất được 900 triệu sản phẩm, vượt 5,9% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
- Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, rác thải: Thời tiết thuận lợi nên đảm bảo nước cho các nhà máy thủy điện hoạt động và các nhà máy điện mặt trời vẫn duy trì sản xuất. Do vậy, giá trị sản xuất ước thực hiện 3.801,8 tỷ đồng, vượt 11,8% kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ; điện sản xuất đạt 2.450 triệu kWh, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 2,1%; điện thương phẩm đạt 1.100 triệu kWh, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 6,9%; nước thương phẩm đạt 14,6 triệu m3 , vượt 0,7% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
2. Về kinh doanh thương mại:
2.1. Tình hình thị trường hàng hóa nội địa:
Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 48.574,7 tỷ đồng, vượt 5,5% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ; trong đó: bán lẻ hàng hóa đạt 38.916,7 tỷ đồng, vượt 2,4% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ.
2.2. Về hoạt động xuất, nhập khẩu:
-Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 240 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Quần áo may sẵn đạt 24 triệu USD, tăng 9,1%; Hải sản các loại đạt 132 triệu USD, tăng 7,3%; Sản phẩm gỗ đạt 18 triệu USD, tăng 5,9%; Linh kiện điện tử đạt 30 triệu USD, tăng 3,4%; Kính đạt 11 triệu USD, xấp xỉ so với cùng kỳ. Mặt hàng giảm so với cùng kỳ: Nhân hạt điều đạt 16 triệu USD, giảm 28,9%.
-Tổng kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 164 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 25 triệu USD, tăng 19%; Hóa chất đạt 32 triệu USD, tăng 18,5%; Vải và phụ liệu may mặc đạt 25 triệu USD, tăng 4,2%. Mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Hạt điều thô đạt 1 triệu USD, giảm 16,7%.
II. Kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2024:
1. Mục tiêu:
- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,5% so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 24.600 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2023.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 51.252 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2023 (trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa 40.900 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2023).
- Kim ngạch xuất khẩu 295 triệu USD, tăng 22,9% so với năm 2023.
- Kim ngạch nhập khẩu 190 triệu USD, tăng 15,9% so với năm 2023.
2. Nhiệm vụ phát triển ngành công thương:
2.1. Lĩnh vực công nghiệp:
- Tích cực hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ hiện đại; tạo sản phẩm có lợi thế, khả năng cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng công nghiệp tỉnh.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số… để đáp ứng sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như chế biến nông lâm thủy sản, năng lượng sinh khối, năng lượng tái tạo; tích cực phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.
- Chú trọng công tác khuyến công, tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm lưu niệm, đặc sản và các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh.
- Tăng cường nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
2.2. Lĩnh vực thương mại:
- Tăng cường liên kết thương mại, dịch vụ với các tỉnh, thành phố trong vùng, cả nước; đảm bảo tính liên kết của hệ thống phân phối với nhiều kênh phân phối, nhiều phương thức kinh doanh, nhiều thành phần tham gia và ít khâu trung gian, tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hoá được mở rộng và gắn kết với các tỉnh, thành trong vùng, trong cả nước với thị trường khu vực và thế giới.
- Thu hút đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả. Từng bước phát triển các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu theo ngành hàng và thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
2.3. Lĩnh vực năng lượng:
- Tập trung phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối theo quy hoạch nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
- Từng bước phát triển hệ thống lưới điện thông minh, đảm bảo cung cấp điện an toàn, giảm thiểu tổn thất điện năng, kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng.
3. Các giải pháp chủ yếu:
- Tăng cường thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời phối hợp, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án công nghiệp, thương mại đang triển khai sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động và phát huy tốt năng lực sản xuất.
- Tăng cường thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo mặt bằng phục vụ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm chi phí trên từng công đoạn của quá trình sản xuất và lưu thông, bảo đảm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến trong công tác quản lý sản xuất kinh doanh, nhất là các bộ tiêu chuẩn quản lý quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thực hiện công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế… Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
- Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu: Triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế và khả năng cạnh tranh của tỉnh như: thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhân hạt điều, may mặc, linh kiện điện tử... Thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công Thương một cách đồng bộ và hiệu quả; phối hợp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu chất lượng.
- Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ rộng khắp trên địa bàn tỉnh thông qua mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn và các cửa hàng bán lẻ hàng hoá. Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chương trình, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh./.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT