TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030

23/11/2023

Nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai thác các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển. Tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu. Tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, để tỉnh Bình Dương phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch và thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức. đồng thời, tham gia hiệu quả, tăng quy mô thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương tại các hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2030.

Ngày 04 tháng 10 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số: 5094/KH-UBND về việc: Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030. Trong đó, Chiến lược đã nêu bật những mục tiêu và đề ra định hướng xuất nhập khẩu hàng hóa cùng những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát.

Phát triển xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai thác các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Từng bước gia tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài; chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8 - 9%/năm1 trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9 - 10%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 7 - 8%/năm2 trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.

- Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt, mở rộng thị trường các nước có ký kết các Hiệp định thương mại song phương, đa phương.

- Phấn đấu đến năm 2030, một số hàng hóa xuất khẩu của Tỉnh có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển cụ thể sau:

II. NỘI DUNG ĐỊNH HƯỚNG

1. Định hướng chung.

- Phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng nội địa hóa của các sản phẩm xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các FTA đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống và các thị trường mục tiêu.

- Xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với các mạng phân phối nước ngoài trên các kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững.

2. Định hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu.

- Phát triển sản phẩm xuất khẩu đến năm 2030 gồm: Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm: Giày dép; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng; hàng dệt, may; sản phẩm gỗ; thủ công mỹ nghệ, cơ khí, phương tiện vận tải và phụ tùng; xơ, sợi dệt các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo;...

- Nhóm nông lâm sản là mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm này gồm: Cà phê; hạt điều; cao su; hạt tiêu, thực phẩm nông sản - thủy sản chế biến, thực phẩm Halal,... Định hướng chung cho các mặt hàng này là khai thác lợi thế để gia tăng sản lượng nông, lâm, thủy sản; chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.

- Hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, các sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh tham gia xuất khẩu. Rà soát một số mặt hàng hiện tại chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch xuất khẩu thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao, từ đó có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo ra bước đột phá trong phát triển xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, nhất là giai đoạn 2026 - 2030.

- Phát triển mô hình ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường nước ngoài.

- Củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; phát triển số lượng, thành phần doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI;

- Tăng cường kết nối hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và các doanh nghiệp FDI; Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, trang trại và người nông dân kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trong nước và nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất, chế biến đến phân phối, xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản.

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistics nhằm tạo động lực thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh tạo sản phẩm mới để thúc đẩy xuất khẩu.

3. Định hướng phát triển thị trường.

Đổi mới tư duy phát triển thị trường xuất khẩu; tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để vượt qua rào cản thương mại; đa dạng hóa, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các FTAs đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống và các thị trường mục tiêu, cụ thể:

- Thị trường các nước ASEAN: Vận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) để đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh.

- Thị trường nói tiếng Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…): Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào thị trường nói tiếng Trung Quốc theo hướng duy trì thặng dư thương mại đa phương, song phương trên cơ sở khai thác hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do: ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand với các mặt hàng mà tỉnh có lợi thế...

- Thị trường Đông Á, Nam Trung Á, Tây Á: Vận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và các thị trường có tiềm năng cao Ấn Độ, các nước Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ,... Tập trung thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm Halal.

- Thị trường Châu Âu: Đây là khu vực thị trường tiềm năng và có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp với ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, UKVFTA,...). Tập trung xuất khẩu vào thị trường này, nhất là các nước Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Nga...

- Thị trường Châu Mỹ: Tiếp tục tập trung chiến lược xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ, dệt may, nông sản... sang thị trường Hoa Kỳ. Tập trung mở rộng thị trường các nước thành viên Hiệp định thương mại đã ký kết, đặc biệt là hiệp định CPTPP.

- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

- Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU ĐẾN NĂM 2030

1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

1.1. Phát triển sản xuất công nghiệp

- Cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

- Tiếp tục duy trì các sản phẩm xuất khẩu lợi thế cạnh tranh, nâng dần tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu qua chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao gắn với các loại hình dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như logistic, tài chính, ngân hàng... Đồng thời, tạo điều kiện, mở rộng thị trường xuất khẩu một số sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ có thương hiệu của tỉnh.

- Triển khai có hiệu quả các quy hoạch phát triển Tỉnh, phương án phát triển ngành, lĩnh vực; các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa công nghiệp, nông nghiệp và thương mại nhằm phát triển chuỗi cung ứng nguồn từ sản xuất đến tiêu dùng. Hình thành các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cấp vùng, đủ khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, ổn định.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, lĩnh vực chế biến chế tạo, xử lý nước thải, rác thải, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,...).

- Thực hiện hiệu quả phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh gắn với tiến độ thực hiện đề án Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án4 chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương.

1.2. Phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Triển khai hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững gắn với phát triển du lịch và ẩm thực.

- Có chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho từng cấp sản phẩm chủ lực: (i) Sản phẩm quốc gia; (ii) Sản phẩm địa phương; (iii) Sản phẩm OCOP; chính sách xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến cho chế biến hàng nông sản xuất khẩu.

- Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

- Phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

- Tập trung phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực có tính cạnh tranh cao nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao và đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản xuất khẩu.

- Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử để phát triển đa dạng loại hình kinh doanh nông nghiệp, đáp ứng sự phát triển của công nghệ số phục vụ trong nông nghiệp.

2. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin diễn biến cung cầu của thị trường thế giới và phân tích tác động tới ngành hàng, doanh nghiệp của Tỉnh. Nâng cao năng lực dự báo của cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường và ngành hàng xuất khẩu trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cung cấp, xử lý các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại về xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường tại các thị trường xuất khẩu.

- Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến hài hòa cán cân thương mại song phương bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN...Đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh..., hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường hoạt động truyền thông nhằm quảng bá về tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Đổi mới nội dung, hình thức thực hiện các Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, chú trọng các hoạt động xúc tiến có trọng điểm, dài hạn, hướng đến mặt hàng, thị trường xuất khẩu trọng điểm. Tăng cường phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gặp gỡ, kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp của Tỉnh. Tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm OCOP của tỉnh,...

- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Bình Dương và các sàn giao dịch thương mại quốc tế có uy tín. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu kết nối, tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu

a) Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp:

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; thường xuyên đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và dịch vụ công; thực hiện và vận dụng có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước để xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù của tỉnh, đảm bảo sự ổn định nhất quán trong các chính sách nhất là chính sách về thuế, giao đất và cho thuê đất...

b) Khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp: Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần phát triển xuất khẩu bền vững, cụ thể:

- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện hoạt động quản lý hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, logistics...

- Đối với sản xuất nông nghiệp: Nâng cao trình độ sản xuất và chế biến nông nghiệp của tỉnh; hỗ trợ thay thế dần các phương thức sản xuất cũ, có mức tiêu hao năng lượng và nguyên liệu lớn, hiệu quả thấp... bằng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, hiệu quả, chất lượng, thân thiện với môi trường trong việc sản xuất chế biến hàng nông, lâm, thủy sản.

- Đối với sản xuất công nghiệp: Tiếp tục áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm điện, nước, vật tư, nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu, quản lý tốt tỷ lệ an toàn trong công nghiệp nhất là các ngành khai thác và chế biến khoáng sản. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác khuyến công nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

c) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp xuất khẩu:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình dạy nghề, đào tạo nghề gắn với việc đánh giá nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu; thường xuyên đánh giá việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để tránh việc vi phạm tiêu chuẩn điều kiện về lao động đặt ra từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

- Xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực trong các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu giỏi về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ và am hiểu pháp luật quốc tế để đáp ứng yêu cầu càng khắt khe với các quy định hiện tại trên thế giới.

d) Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực năng lực cung ứng, phát triển thương hiệu cho thị trường nước ngoài:

- Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng chủ lực của tỉnh... phù hợp với yêu cầu chung của quốc tế và thị trường cụ thể để từng bước tạo hình ảnh và thị phần của hàng hóa tỉnh Bình Dương tại thị trường thế giới. Hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, chuyên nghiệp của tỉnh theo từng nhóm ngành hàng.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm lợi thế của tỉnh xây dựng bộ nhận diện, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý vùng nguyên phụ liệu. Từ đó, nâng cao năng lực sản xuất, tăng lợi thế khả năng cạnh tranh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên.

- Phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài hướng dẫn về quy trình lựa chọn sản phẩm, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của các mạng phân phối nước ngoài. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng quy trình để đạt các chứng nhận nước ngoài (Halal, USFDA...) để đa dạng hóa thị trường.

- Phối hợp với các Cơ quan Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về ngành hàng và doanh nghiệp phân phối nước ngoài đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác phân tích thị trường, kết nối doanh nghiệp.

4. Tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài.

- Tăng cường thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế, tổ chức các hoạt động kết nối giao thương với các mạng lưới phân phối nước ngoài.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức đưa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đi khảo sát thị trường các nước nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường và giao dịch với các nhà phân phối.

- Tổ chức cho các tập đoàn phân phối nước ngoài tham quan, tìm hiểu tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

- Tổ chức các hoạt động kết nối với mạng lưới phân phối do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ; các hoạt động quảng bá, tiếp thị hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

5. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới đặc biệt với những ngành hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, nội thất.

- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hệ thống phân phối dựa trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam và nước ngoài. Phối hợp với các tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới trong và ngoài nước từng bước nâng cao khả năng chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng bán hàng (bao gồm cả marketing, dịch vụ khách hàng, dịch vụ sau bán hàng...) trên môi trường số, tiến tới xây dựng và củng cố thương hiệu Việt Nam, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu hướng tới phát triển thị trường một cách bền vững.

6. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics

- Hình thành các hạ tầng trung tâm logistics cấp vùng, cấp tỉnh và các trung tâm dịch vụ hỗ trợ các ngành công nghiệp - thương mại - dịch vụ khác. Phát triển đồng bộ với quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin và truyền thông, thu hút các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ cũng như phục vụ người sử dụng dịch vụ logistics.

- Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng, phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong dịch vụ logistics.

- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại trong lĩnh vực dịch vụ logistics thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, hội chợ, triển lãm; tổ chức các đoàn nghiên cứu học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài có dịch vụ logistics phát triển để trao đổi, hợp tác tìm cơ hội và mời gọi đầu tư để phát triển các loại hình dịch vụ logistics.

7. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý

a) Công tác rà soát, hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách

- Rà soát, đề xuất các ngành, các cấp liên quan sửa đổi bổ sung chính sách trong thông quan hàng hóa xuất khẩu nhằm tránh chồng chéo, cắt giảm thủ tục hành chính và thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, cải tạo nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

- Hạn chế xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, khuyến khích chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu thông qua các biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về xuất nhập khẩu nhằm quản lý và hỗ trợ kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

b) Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý nhà nước lĩnh vực xuất nhập khẩu: Tăng cường, phối hợp các đơn vị liên quan đào tạo chuyên sâu cho cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện về các lĩnh vực: thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường, đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng các quy định, từ đó đảm bảo việc tận dụng và thực thi các hiệp định đầy đủ và hiệu quả.

c) Tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu:

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan, giám định chất lượng, kiểm dịch động thực vật, khử trùng... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đối thoại với Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nhóm ngành hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh.

8. Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn

- Phát triển doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.

- Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển.

- Phát huy vai trò Hiệp hội ngành hàng là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế./.

                            Đinh Thị Bích Liên

                           Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC