Hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh An Giang ngày càng có hiệu quả, đổi mới cả về nội dung, hình thức và nâng cao về chất lượng hoạt động đảm bảo theo đúng chương trình và kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng hóa.
1. Một số kết quả đạt được năm 2023
Hoạt động xúc tiến thương mại có sự chủ động, linh hoạt, triển khai đa dạng các phương thức tổ chức, nhất là trong hoạt động xúc tiến thị trường nội địa, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tỉnh đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, bước đầu tạo được hiệu quả tích cực trong việc quảng bá giới thiệu được sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cũng tạo mối liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu thị trường, kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm của tỉnh, tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, đây là kênh quảng bá xúc tiến trong tình hình mới mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Dù đã đạt nhiều kết quả đáng tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, hạn chế như các hoạt động xúc tiến thương mại còn chưa đồng đều, quy mô nhỏ và số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều; Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì nên giá trị sản phẩm chưa cao; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa được điều chỉnh thay đổi phù hợp với tình hình nền kinh tế còn nhiều rủi ro; Việc tiếp cận các thông tin thị trường của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn hạn chế; Các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh An Giang còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa chủ động tham gia và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị mình, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên khó tiếp cận các sàn thương mại điện tử uy tín và chất lượng.
2. Hoạt động trọng tâm năm 2024
Để tiếp nối kết quả đạt được trong năm 2023, năm 2024 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh An Giang, trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua thương mại điện tử, nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận thị trường.
Tỉnh hướng tới đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn theo hướng đa dạng hóa thị trường, chú trọng các mặt hàng chủ lực và tiềm năng, bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống. Khai thác thế mạnh kinh tế biên giới, gia tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu để phát triển các loại hình dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường, chú trọng các mặt hàng chủ lực và tiềm năng, bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống.
Về xuất khẩu, duy trì các thị trường truyền thống cho các ngành hàng của tỉnh; đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Campuchia đối với các mặt hàng gạo cao cấp, thủy sản giá trị gia tăng chất lượng cao, trái cây, rau quả an toàn. Thị trường trong nước, biên giới sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thị trường trọng điểm thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội 11 các mặt hàng: nông sản, thủy sản, sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển thị trường biên giới Campuchia để góp phần đẩy mạnh và tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Chương trình xúc tiến thương mại năm 2024 của tỉnh An Giang tập trung chủ yếu vào 04 hoạt động trọng tâm sau:
Một là, xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, quan tâm duy trì mối quan hệ với thị trường Campuchia bằng việc luân phiên phối hợp tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp lưu thông hàng hóa theo con đường chính ngạch; Tổ chức Hội nghị khai thác và phát triển kinh tế biên mậu Việt Nam - Campuchia. Chủ động tiếp cận mời đoàn vào thuộc các nước truyền thống, thành viên hiệp định CPTPP, EVFTA như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... tìm hiểu môi trường đầu tư - kinh doanh và hợp tác với doanh nghiệp tỉnh; Tiếp tục kết nối với các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam rà soát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, các cam kết về thuế...; Tăng cường các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua các hình thức như thực hiện các phóng sự tuyên truyền, ấn phẩm, phát hành công văn…; Tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành quốc tế gồm các mặt hàng chủ lực lúa gạo, nếp, thủy sản, trái cây tại các nước như: Trung Quốc, Campuchia…; Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hai là, xúc tiến thương mại thị trường trong nước, duy trì tổ chức và nâng chất lượng các hội chợ trên địa bàn tỉnh: sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng tỉnh An Giang, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền… và các hội chợ cấp huyện gắn với sự kiện văn hóa của địa phương: Thoại Sơn, Tri Tôn, Phú Tân…; Tổ chức các phiên chợ, chuyến bán hàng Việt lưu động tại huyện, thị, thành; Tiếp tục hỗ trợ quảng bá, truyền thông các điểm bán hàng OCOP và sản phẩm OCOP trên các kênh truyền thông; Tổ chức các chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh trong việc xúc tiến, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của tỉnh An Giang; Thường xuyên kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản; Đẩy mạnh công tác thông tin kinh tế, thương mại và các sự kiện của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử; Xây dựng các video giới thiệu về gạo An Giang; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển năng lực và kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp, Hợp tác xã và thương nhân trong tỉnh.
Ba là, xúc tiến thương mại biên giới, tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác của doanh nghiệp hai bên Việt Nam - Campuchia trong một số lĩnh vực, ngành hàng và những mặt hàng chủ lực của tỉnh: Tổ chức Đoàn đi khảo sát và làm việc với Sở Thương mại hai tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) để thống nhất địa điểm xây dựng chợ biên giới kiểu mẫu; Tổ chức Đoàn UBND tỉnh đi làm việc với Tòa hành chính tỉnh Kandal hoặc Takeo (Vương quốc Campuchia) để ký biên bản thống nhất xây dựng chợ biên giới kiểu mẫu; Tham gia Đoàn công tác của Bộ Công Thương đi làm việc với các đối tác nước ngoài về logistics (Quốc gia thuộc Châu Á)…; Duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên - An Giang.
Bốn là, xúc tiến thương mại trong thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng website bán hàng và đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước (Voso, Postmart, Alibaba, Lazada, Amazon,...); Triển khai các hoạt động xây dựng, tạo lập các kênh truyền thông quảng bá cho sản phẩm doanh nghiệp tỉnh thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube,…); Xây dựng và triển khai các giải pháp công nghệ số dự báo xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường… và định hướng xúc tiến thương mại kết nối giao thương trực tuyến nhanh chóng, kịp thời giữa doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ toàn cầu; Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo hạ tầng chuyển phát, công nghệ thông tin, Internet, duy trì ổn định chất lượng dịch vụ, an toàn an ninh thông tin, đặc biệt tại các khu vực biên giới, thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện giao dịch thông suốt, an toàn, tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng chủ lực và tiềm năng của tỉnh; Mời gọi các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử,…đầu tư tại khu Công nghệ thông tin tập trung của tỉnh (khi hình thành Khu Công nghệ thông tin tập trung, đề nghị quảng bá giới thiệu xuất khẩu sản phẩm từ Khu Công nghệ thông tin tập trung của tỉnh).
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, tỉnh đề ra một số giải pháp, chủ yếu tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra giám sát. Tạo điều kiện cho đội ngũ viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế, ngoại ngữ. Tăng cường nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại và đóng góp của các doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp giữa hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư. Đề xuất, thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền với nhiều biện pháp và phương tiện khác nhau. Tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành và với địa phương; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp./.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT