TIN TỨC

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Tin tức

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 4 tháng năm 2024

30/05/2024

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2024, cụ thể như sau:

Về sản xuất công nghiệp

Tháng 4/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) dự ước giảm 21,22% so với tháng trước và giảm 20,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 1,39% so với tháng trước nhưng lại tăng 13,07%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 32,33%; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính tăng 44,77%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 16,46% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) dự ước giảm là do từ đầu tháng 4, máy móc của xưởng cán nóng Công ty TNHH Giang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phải đại tu sửa chữa nên dừng toàn bộ dây chuyền cán thép, đến ngày 15/4, dây chuyền bắt đầu hoạt động lại. Sản lượng thép thành phẩm dự ước sản xuất trong tháng 4 giảm 38,4% so với tháng trước và giảm 46,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân kéo chỉ số sản xuất ngành chế biến - chế tạo 4 tháng đầu năm 2024 ở Hà Tĩnh giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Còn lại chỉ số 3 ngành công nghiệp cấp 1 khác đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: ngành khai khoáng tăng 12,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 38,6%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 2,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 12,23%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9,03%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 38,62%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 18,19%. Các doanh nghiệp công nghiệp lớn tại Hà Tĩnh tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I - một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngành công nghiệp, tiếp tục là động lực tăng trưởng của tỉnh, với việc vận hành ổn định song song 2 tổ máy theo thị trường mua bán điện của EVN (cùng kỳ năm trước Tổ máy số 1 gặp sự cố), sản lượng điện ước đạt 3.798 triệu Kwh tăng 40,45% so với cùng kỳ năm trước,  trong thời gian tới, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 được kỳ vọng là một trong những trung tâm sản xuất điện quy mô lớn của Hà Tĩnh được triển khai và đi vào hoạt động sẽ là một “cú hích” cho ngành công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế tỉnh nói chung; Sản xuất bia tăng trưởng khá, 2 nhà máy sản xuất bia đóng lon trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì ổn định sản xuất (sản lượng ước đạt 23,77 triệu lít tăng 38,31%);  Một bước phát triển mới của ngành công nghiệp Hà Tĩnh là Nhà máy Sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động thương mại từ tháng 8/2023. Lần đầu tiên, trong danh sách những sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có tên “ắc quy bằng ion lithium”. Không chỉ đa dạng sản phẩm, nhà máy đi vào sản xuất đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp. (Sản lượng Ắc quy bằng ion lithi 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 88.000 Kwh);  Kể từ tháng 12/2023, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh mở rộng mặt bằng khai thác, mỏ mới được cấp phép nên sản lượng quặng khai thác tăng cao so cùng kỳ. Với sản lượng sản xuất ổn định và nâng công suất không chỉ tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn góp phần phát triển chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do chịu tác động từ sự suy giảm sản lượng thép do yếu tố thị trường cũng như đại tu sữa chữa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Vì vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh 4 tháng đầu năm 2024 đã không đạt như kỳ vọng.

Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 12 nhóm sản phẩm cộng dồn 4 tháng đầu năm 2024  với một số sản phẩm công nghiệp tăng cao bao gồm: Quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 147,21%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 71,4%; bia đóng lon tăng 38,31%; điện sản xuất tăng 40,45%; nước không uống được tăng 19,54%; ...

Song ở chiều ngược, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn có một số sản phẩm công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Mực đông lạnh giảm 87,29%, nguyên ngân do khách hàng Nhật Bản ngừng đơn hàng, hiện tại doanh nghiệp chưa tìm kiếm được khách hàng mới, do đó lượng sản xuất đang giảm mạnh so với cùng kỳ; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 45,51%, nguyên nhân do một số doanh nghiệp đang tạm ngừng để đầu tư lại máy móc, đồng thời nhu cầu tiêu thụ những tháng đầu năm thấp nên chủ yếu là bán khối lượng tồn kho, sản lượng sản xuất gạch 4 tháng đầu năm giảm mạnh; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 16,15%, do từ đầu tháng 4, máy móc của xưởng cán nóng phải đại tu sửa chữa nên dừng toàn bộ dây chuyền cán thép; chè (trà) nguyên chất (như: chè (trà) xanh, chè (trà) đen giảm 14,03%, nguyên nhân do 2 tháng đầu năm chè chưa vào vụ thu hoạch, chưa có nguyên liệu sản xuất.

Tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 21 Cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, với tổng diện tích hơn 542 ha. Các CCN thu hút 282 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 5.901 tỷ đồng. Trong đó, 10 CCN do doanh nghiệp đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 291 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 206 ha. 11 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch gần 250 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 168 ha. Có 19/21 CCN đã được đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư (theo dự án phê duyệt) khoảng 2.272 tỷ đồng, gồm: 10 CCN được giao cho doanh nghiệp đầu tư với 1.589 tỷ đồng và 9 CCN đầu tư từ ngân sách Nhà nước với 683 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 19 CCN đã đi vào hoạt động, với 328 dự án/cơ sở sản xuất thứ cấp đăng ký; trong đó, có 253 dự án đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình gần 47,27%, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động…

Việc quy hoạch, thu hút đầu tư vào các CCN đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hà Tĩnh. Các CCN góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, dự án lớn mà tỉnh đã và đang thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Về thương mại, dịch vụ

Doanh thu bán lẻ hàng hóa: Tháng 4/2024 ước đạt 5.644,89 tỷ đồng, tăng 2,37% so với tháng trước và tăng 21,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết chuyển sang mùa nắng tác động đến các nhóm hàng hóa thực phẩm, đồ uống, điện lạnh, vật liệu xây dựng, hàng may mặc; Thứ hai, do căng thẳng chính trị đã và đang là một nhân tố gây bất ổn cho kinh tế, chính trị thế giới trong những năm gần đây, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự leo thang của cuộc xung đột Israel-Hamas đang khiến người dân và doanh nghiệp ở mọi nơi trên thế giới trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu và đầu tư; Thứ ba, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 22.858,72 tỷ đồng, tăng 21,87% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các nhóm hàng có doanh thu lớn và tăng mạnh như nhóm lương thực, thực phẩm tăng 26,88%; hàng may mặc tăng 54,08%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 55,86%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,10%; xăng dầu các loại tăng 1,72%; nhiên liệu khác tăng 17,23%; đá quý, kim loại quý các loại tăng 61,82% thì một số nhóm hàng dù 4 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng nhưng chưa đạt mức năm trước, cụ thể: nhóm ô tô con giảm 33,97%; phương tiện đi lại giảm 30,03%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 6,36%. Doanh thu kinh doanh dịch vụ khác tháng 4 năm 2024 ước tính đạt 379,45 tỷ đồng, tăng 2,73% so với tháng trước và tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.521,56 tỷ đồng, tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất nhập khẩu hàng hóa

Tiếp tục đà chững lại từ tháng trước, tình hình xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4 năm 2024 trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra khá ảm đạm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 476,3 triệu USD, giảm 14,93% so với tháng trước và giảm 25,15% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.129,01 triệu USD tăng nhẹ 2,54% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu ở các tháng trước do nhập khẩu hàng hoá phục vụ dịp Tết.

- Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 4/2024 ước đạt 175,8 triệu USD, giảm 4,14% so với tháng trước và so với cùng kỳ giảm đến 25,39%. Nguyên nhân chủ yếu ở việc giảm mặt hàng Xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 153,5 triệu USD, giảm 7,32% so với tháng trước và giảm đến 30,14% so với cùng kỳ nguyên nhân khách quan do giảm sức mua giảm chung của thị trường thế giới, bên cạnh đó giá thép đang ở mức khá thấp và được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Bên cạnh mặt hàng thép thì ở các mặt hàng khác mặc dù thị trường dăm gỗ, xơ sợi và hàng dệt, may mặc đã có dấu hiệu tích cực khi thời tiết chuyển mùa lượng hàng xuất khẩu tăng so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ vẫn đang ở mức giảm khá sâu, cụ thể: Dăm gỗ giảm 9,26% (giảm 0,51 triệu USD); hàng dệt và may mặc giảm 67,74% (giảm gần 1,5 triệu USD); xơ, sợi giảm 58,68% (giảm 0,71 triệu USD).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 810,01 triệu USD, giảm 9,93% so với cùng kỳ. Trong đó: Xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 725,52 triệu USD (chiếm 89,57% tổng kim ngạch) giảm 12,84% so với cùng kỳ, các nhóm hàng xuất khẩu khác cũng giảm khá sâu. Bên cạnh các nhóm hàng giảm mạnh chỉ có duy nhất nhóm ngành Chè có tăng trưởng trong xuất khẩu, giá trị xuất khẩu 4 tháng ước đạt 1,16 triệu USD tăng 27,47% so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 300,5 triệu USD, giảm 20,19% so với tháng trước và giảm 25,01% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do việc Formosa hạn chế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất một phần do bảo trì, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, bên cạnh đó là tâm lý chờ giá nguyên liệu thấp nhập vào lượng lớn. Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.319 triệu USD, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025. Với nhiều chính sách hấp dẫn như: hỗ trợ phương tiện vận tải biển bằng container qua cảng Vũng Áng; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, các đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát tìm hiểu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng gian hàng hóa để quảng bá, xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cho quý II và những tháng cuối năm 2024

Đphát triển công nghiệp theo hướng bền vững, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng tập trung vào công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, tỉnh Hà Tĩnh đưa ra mục tiêu: GRDP đạt 8-8,5%; thu ngân sách đạt 17.500 tỷ đồng trong đó, thu nội địa 8100 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 9400 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 48.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng/năm; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt trên 10%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD; thành lập mới 1.100 DN…

Để  hoàn thành mục tiêu trên, trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần tập trung giải quyết một số nội dung chủ yếu sau đây:

- Tiếp tục triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp; theo dõi sát hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp đầu kéo; đẩy nhanh tiến độ các công trình để sớm vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới; thu hút dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp.

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án công nghiệp lớn, trọng điểm; tạo mọi điều kiện để Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II vận hành thử vào cuối năm; nhà máy Pin Lithium hoàn thành và đi vào sản xuất; các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ thủ tục; tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu.

- Tập trung thực hiện các chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nghị quyết 96/2022/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Triển khai các nội dung Quy hoạch, Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Chủ động kế hoạch, phương án phát triển của khu vực chịu ảnh hưởng khi Trung Ương có quyết định chính thức về dự án Mỏ Sắt Thạch Khê. Xem xét, bố trí ngân sách tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng xử lý chất thải của các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục về đất đai để đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN; thường xuyên rà soát, đánh giá những bất cập, đề xuất điều chỉnh đối với các CCN chưa phù hợp… Cần tích cực trong hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát đầu tư các dự án lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh đang ưu tiên, đó là công nghiệp hậu thép, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; năng lượng tái tạo; chế biến nông sản; dệt may...

- Thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển theo nghị quyết số 11-NQ/TU 26/5 năm 2022 của ban thường vụ tỉnh ủy và nghị quyết kỳ họp thứ 17 của hội đồng nhân dân tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử; Thực hiện Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025.

- Chú trọng nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, thương mại, dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh

- Tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh; chú trọng hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế./.

Đinh Thị Bích Liên

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

TIN KHÁC