Theo báo cáo của Sở Công Thương, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai tháng 05 và 5 tháng năm 2024 cụ thể, như sau:
Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Trong tháng 5/2024, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước ở cả 03 lĩnh vực: khai khoáng; chế biến chế tạo và đặc biệt là ngành sản xuất phân phối điện (tăng 18,45% so với tháng 4 và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023), ước đạt 3.726,7 tỷ đồng (tăng 4,75% so với tháng 4); lũy kế 5 tháng năm 2024 ước đạt 17.151,7 tỷ đồng, tăng 5,34% so cùng kỳ và bằng 26,1% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị công nghiệp khai thác lũy kế 5 tháng đạt 1.167,8 tỷ đồng, bằng 43,54 % kế hoạch năm; Giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo lũy kế đạt 13.843,6 tỷ đồng, bằng 34,89% kế hoạch năm; Giá trị sản xuất và phân phối điện lũy kế đạt 2.010,8 tỷ đồng, bằng 21,14% kế hoạch năm; Giá trị cung cấp nước, quản lý rác thải 129,6 tỷ đồng, bằng 39,88% kế hoạch năm.
Về thương mại, dịch vụ
Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 5/2024 diễn ra tương đối ổn định. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.572 tỷ đồng, tăng 16,58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt trên 1.734 tỷ đồng, tăng 13,56%. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt gần 469 tỷ đồng, tăng 23,56%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt gần 25 tỷ đồng, giảm 2,34%. Doanh thu từ các dịch vụ khác đạt gần 344 tỷ đồng, tăng 25,47%. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 12.681 tỷ đồng, tăng 25,41% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 8.707 tỷ đồng, chiếm 68,66% tổng mức và tăng 18,39% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ các dịch vụ khác đạt gần 1.595 tỷ đồng, chiếm 12,57% tổng mức và tăng 25,49% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tại Lào Cai, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác, mặc dù ngành du lịch lữ hành có sự giảm sút nhẹ.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 5/2024 ước đạt 329,66 triệu USD tăng 8,87% so với tháng 4/2024, tăng 89,22% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế ước đạt 1.151,14 triệu USD, tăng 53,05% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 25,58% so với kế hoạch. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 210,21 triệu USD tăng 11,99% so với tháng 4/2024, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2023, Lũy kế ước đạt 636,59 triệu USD tăng 93,89% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị nhập khẩu ước đạt 55,7 triệu USD giảm 7,31% so với tháng 4/2024, tăng 66,27% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng ước đạt 252,96 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ, đạt 21,08% so với kế hoạch. Các loại hình tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khác ước đạt 63,75 triệu USD tăng 15,89% so với tháng 4/2024, tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế ước đạt 261,59 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 18,69% so với kế hoạch.
Những tồn tại hạn chế
Tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn của tỉnh Lào Cai trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, đời sống của người lao động được quan tâm, đảm bảo. Song bên cạnh những kết đạt được, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2024 còn gặp không ít khó khăn. Hiện còn nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất, không đủ diện tích đổ thải, hạn chế về công nghệ sản xuất… làm ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, cũng như giá trị nộp ngân sách địa phương. Việc quy hoạch hình thành mới hoặc mở rộng các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng “sạch” thu hút các dự án công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được khởi công do vướng mắc về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Giá trị công nghiệp điện nước giảm so với thời điểm quý trước do bước vào mùa khô, lượng mưa giảm, các nhà máy thuỷ điện bắt đầu bước vào thời điểm thiếu nước để hoạt động tối đa công suất hằng năm. Việc triển khai quy định về cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: tỷ lệ hoàn thiện kết nối thiết bị tại các cửa hàng xăng dầu chưa cao. Hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị) phát triển không đồng đều, chưa thu hút được đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nhất là tại các khu vực nông thôn; công tác đầu tư xây dựng chợ chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động kinh doanh của thương nhân tại các chợ gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Công tác đầu tư siêu thị tại các địa phương còn nhiều hạn chế do liên quan đến hiệu quả đầu tư và nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu đạt thấp so với kế hoạch đặt ra. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay vẫn có sự chênh lệch giữa lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, bên phía Trung Quốc đã và đang định hướng tập trung phát triển rất nhiều cho khu vực tỉnh Quảng Tây (có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam) khiến tỉnh Lào Cai dần mất đi tính cạnh tranh và lợi thế vốn có về "cầu nối" "cửa ngõ" so các tỉnh biên giới về kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng... Chi phí thông quan đối với hàng nhập khẩu phía Hà Khẩu - Lào Cai cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác có chung đường biên giới như: (Bằng Tường - Lạng Sơn), Đông Hưng - Quảng Ninh).
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng còn lại năm 2024
Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu trong tháng 6 năm 2024 Lào Cai đã đưa ra như: Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 ước đạt 3.913,1 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng năm 2024 ước đạt 21.064,8 tỷ đồng đạt 40,4% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 6 ước đạt 3.700 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 21.258,7 tỷ đồng đạt 54,5% kế hoạch giao. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tháng 6 ước đạt 300 triệu USD; lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.451,1 tr.USD đạt 32,2% kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu này, Lào Cai tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II năm 2024 như sau:
- Tiếp tục chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện và những vấn đề phát sinh liên quan; tập trung vào các đơn vị có thể nâng được năng lực sản xuất để bù vào giá trị cho các đơn vị dừng sản xuất, giảm sản lượng do thị trường. Ưu tiên kêu gọi nguồn lực đầu tư hạ tầng KCCN tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp đang triển khai, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ do lỗi chủ quan của nhà đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng định hướng phát triển ổn định lâu dài; đẩy mạnh sản xuất TTCN tại địa phương.
- Tổng hợp, rà soát và báo cáo UBND tỉnh (định kỳ hàng tuần) các vướng mắc trong thực hiện dự án đối với khoáng sản apatit, sắt, đồng, graphit, tập trung làm rõ khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bãi thải... . Tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển CCN của các địa phương: Bát Xát, Bảo Yên, TP. Lào Cai.
- Phối hợp rà soát, điều chỉnh bổ sung Bản đồ Quy hoạch tỉnh. Thống nhất vị trí bản đồ Quy hoạch tỉnh (phát triển CCN, cảng cạn ICD, các trung tâm Logistics; Nhà máy điện sinh khối; khoáng sản; các nhà máy chế biến, tuyển quặng).
- Triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện lĩnh vực ngành (03 nội dung): tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao theo đề nghị của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp rà soát tổng thể tài nguyên, trữ lượng các loại quặng Apatit.
- Duy trì việc tập trung đôn đốc và nắm bắt thông tin về hoạt động tái cơ cấu, công tác sửa chữa và chuẩn bị điều kiện để nhà máy Gang thép Lào Cai hoạt động. Tăng cường giám sát tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh (như: Dự án dây cáp đồng của Công ty TNHH Nexus Technologies & Cable; Dự án Cụm công nghiệp Bát Xát; Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại (Tằng Lỏng); dự án Dược liệu Bát Xát; Dự án nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất axit thực phẩm, axit điện tử và muối phốt phát...).
- Quyết liệt đổi mới công tác XTTM, gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa; bảo đảm bình ổn thị trường các hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại. Chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành TW trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm duy trì liên tục, thông suốt hoạt động XNK; xây dựng chính sách nhằm ưu tiên thu hút đầu tư, hình thành một số doanh nghiệp logistics đầu tàu trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024. Đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình Điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam năm 2025.
- Xây dựng Kế hoạch tham gia Chương trình kết nối giao thương (B2B) giữa các nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại tỉnh Quảng Trị. Mời các đơn vị tham gia Đoàn Xúc tiến Đầu tư, Thương mại tại Nhật Bản.
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và tình hình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Tình hình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện tích cực tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo tham mưu Dự thảo của UBND tỉnh Báo cáo kết quả thực hiện năm 2023 và kế hoạch năm 2025 thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, toàn tỉnh Lào Cai sẽ phấn đấu mỗi năm tối thiểu tiết kiệm được 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn. Cùng với đó là thực hiện giảm công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện trên địa bàn tỉnh ít nhất 3% đến năm 2025 thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.
- Tiếp tục thực hiện văn bản của UBND về dự thảo phương án phát triển cụm công nghiệp; Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện giải ngân nguồn vốn khuyến công năm 2024.
- Báo cáo rà soát, đánh giá tổng thể tài nguyên, trữ lượng các loại quặng apatit tại các khai trường đang khai thác, đã đóng cửa mỏ và các khu vực được giao cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động XTTM đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 12/3/2024. Chỉnh sửa, hoàn thiện, xuất bản Cuốn tài liệu XTTM tỉnh Lào Cai năm 2024.
- Phối hợp tăng cường quản lý hoạt động mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tuyên truyền “Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử” tại TX. Sa Pa.
- Tham mưu các công hàm trao đổi với phía cơ quan quản lý của tỉnh Vân Nam – Trung Quốc cùng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu, trong đó tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng vải tươi.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tạo điều kiện cho hoạt động thông quan xuất khẩu mặt hàng quả vải tươi qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. - Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về các FTA năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT