NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Vioit) là một trong những đơn vị liên danh tư vấn Quy hoạch tỉnh thái nguyên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 đạt giải Bạc Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023

09/11/2023

Tháng 10/2023 vừa qua, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Ban tổ chức Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023 tại Singapore chọn là một trong những quy hoạch xuất sắc đạt giải Bạc.

Giải thưởng "SIP Planning Awards 2023" là giải thưởng danh giá quốc tế về quy hoạch do tổ chức "Singapore institute of planners" có uy tín trên thế giới chủ trì đánh giá và xét chọn trao giải. Giải thưởng nhằm tôn vinh giá trị, chất lượng, ý tưởng và tầm nhìn của các đồ án quy hoạch.

Cuộc thi năm nay có gần 100 đồ án quy hoạch của các quốc gia trên thế giới tham dự, trong đó Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xuất sắc đạt điểm cao và được Ban Tổ chức lựa chọn trao giải Bạc. Điều này cho thấy, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt, đã thể hiện được tư duy tầm nhìn chiến lược về địa chính trị, địa kinh tếvà có giá trị thực tiễn mang tầm quốc tế.

Thái Nguyên là tỉnh thứ 05 trong toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 222 ngày 14 tháng 3 năm 2023, về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 là: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Riêng với ngành công nghiệp, đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các nhóm ngành sản phẩm điện tử; cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp); sản xuất các sản phẩm kim loại và chế biến thực phẩm, đồ uống).

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Cũng theo quy hoạch,trong giai đoạn tớiThái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung và ưu tiên thu hút đầu tư khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam của tỉnh, gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích là 4.245ha và 41 cụm công nghiệp, với diện tích 2.067ha.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, tỉnh đang nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về dư địa đất công nghiệp và sức cạnh tranh về giá thuê đất công nghiệp, đây chính là một trong những lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển và nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Thái Nguyên tiếp tục tăng cao trong các năm tới.

Cùng với việc tích cực và quyết liệt triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ đến năm 2030, chắc chắn Tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá phát triển và đạt được khát vọng, mục tiêu quy hoạch đã đề ra. 

Lê Nguyên Thành

Phòng Nghiên cứu công nghiệp và năng lượng - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC