Trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những tín hiệu khởi sắc. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xác lập được những đơn hàng mới và có giá trị lớn, góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2023 và kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá trong năm 2024.
Về sản xuất công nghiệp
Theo số liệu từ Cục Thống kê Thái Nguyên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2024 ước tính giảm 2,35% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,11%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 17,27%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,11%. Nguyên nhân là do tháng 02/2024 trùng với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Nhưng so với cùng kỳ năm 2023, IIP tháng 02/2024 ước tính tăng 5,72% trong đó, ngành khai khoáng giảm 17,59%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,06%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 17,49%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 11,3%.
Về sản phẩm sản xuất trong tháng 02/2024, do ngày làm việc ít hơn tháng trước nhiều nên hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ. Cụ thể: than sạch khai thác 91,1 nghìn tấn, giảm 10,6% so với tháng trước và giảm 20,8% so với cùng kỳ; quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 43,4 nghìn tấn, giảm 23,2% so với tháng trước và giảm 6,2% so với cùng kỳ; đá khai thác 144,1 nghìn m3, giảm 23,5% so với tháng trước và giảm 25,7%; sản phẩm may 7,4 triệu cái giảm 19,8% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ; gạch xây dựng bằng gốm sứ 3,5 triệu viên, giảm 19,8% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ; xi măng 155,6 nghìn tấn, giảm 15,7% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ; vonfram và sản phẩm của vonfram 1,1 nghìn tấn, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 27,9% so với cùng kỳ; điện thoại thông minh 7,8 triệu cái, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 13,1% so với cùng kỳ; điện sản xuất 115 triệu kwh, giảm 15,8% so với tháng trước và giảm 15,2% so với cùng kỳ…
Song ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều sản phẩm có sản lượng sản xuất trong tháng 02/2024 tăng cả so với tháng trước và so với cùng kỳ như: Đồng tinh quặng 3,1 nghìn tấn, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ; máy tính bảng 1 triệu cái, tăng 0,04% so với tháng trước và tăng 74,7% so với cùng kỳ; phụ tùng khác của xe có động cơ 7,3 triệu cái, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, IIP của Thái Nguyên ước tính tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,09%; ngành khai khoáng giảm 14,17%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,17%. Năm 2024 là năm có chỉ số IIP tính chung 02 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 05 năm trở lại đây, đó là yếu tố tích cực để các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vững tin hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2024. Với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt sản lượng sản xuất cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung 100 nghìn tấn, tăng 27,7%; sắt thép các loại 283,2 nghìn tấn, tăng 9%; đồng tinh quặng 6,2 nghìn tấn, tăng 33,3%; máy tính bảng 2 triệu cái, tăng 72,9%; mạch điện tử tích hợp 49,7 triệu cái, tăng 12%; camera truyền hình 23,4 triệu cái, tăng 83,8%; phụ tùng khác của xe có động cơ 14,3 triệu cái, tăng 31,6%; thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa 332 triệu cái, tăng 10,2%; điện thương phẩm 1.023,9 triệu kwh, tăng 14,9%; nước máy thương phẩm 6,8 triệu m3, tăng 14,6%. Bên cạnh đó, vẫn còn một số sản phẩm có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại thông minh 15,8 triệu cái, giảm 13,4%; xi măng 340,2 nghìn tấn, giảm 14,2%; sản phẩm may 16,7 triệu cái, giảm 1,8%; vonfram và sản phẩm của vonfram 2,2 nghìn tấn, giảm 20,4%; điện sản xuất 251,6 triệu kwh, giảm 8%...
Về thương mại, dịch vụ và giá tiêu dùng
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 02/2024 ước đạt 6.037,3 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do tháng 02/2024 trùng với dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và dịch vụ tăng cao. Cụ thể chia theo ngành hoạt động như sau:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.403,5 tỷ đồng, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm ngành ước tính có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ như: nhóm lương thực, thực phẩm 1.824,6 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng tăng 28,9% so với cùng kỳ; nhóm đá quý, kim loại quý 60 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 25,4% so với cùng kỳ; nhóm xăng, dầu 596 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 418,8 tỷ đồng, giảm 12,8% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ;...
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 677,4 tỷ đồng, giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 12.194 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 8.888,1 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.904,1 tỷ đồng, tăng 3,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 30 tỷ đồng, giảm 2,3%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.371,8 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa
Bước sang năm 2024 nhờ thị trường xuất khẩu dần khởi sắc, nhất là mặt hàng điện thoại và linh kiện giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 02 tháng đầu năm 2024 đạt được mức tăng trưởng “bứt phá” sau nhiều tháng duy trì tăng trưởng âm trong năm 2023. Ước tính tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên đia bàn tỉnh tháng 02/2024 ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ cụ thể:
Xuất khẩu hàng hóa
Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 02/2024 ước đạt 2.523 triệu USD, giảm 33,5% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Chia theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 53,2 triệu USD, giảm 3,5% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.470 triệu USD, giảm 34% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ (nguyên nhân xuất khẩu giảm sâu so với tháng trước vì trong tháng 01năm 2024 Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên tăng lượng xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện do Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm mới S24 tại thị trường Mỹ vào ngày 18/01/2024 với giá trị xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong tháng 02/2024 là điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác ước đạt 2.309 triệu USD (chiếm 91,5% tổng giá trị xuất khẩu), giảm 35,2% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ; ngoài ra còn có nhóm sản phẩm điện tử khác và phụ tùng ước đạt 1.467,9 triệu USD, giảm 40,9% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ.)
Nhóm các mặt hàng khác có giá trị xuất khẩu trong tháng 02/2024 ước tăng so với cùng kỳ gồm: Giấy và các sản phẩm từ giấy 0,4 triệu USD, tăng 17,1%; tấm tế bào quang điện, tấm mô đun năng lượng mặt trời 96,4 triệu USD, tăng 15,6%; phụ tùng vận tải 0,6 triệu USD, tăng 7,1%. Qua đó, cho thấy hoạt động xuất khẩu có chiều hướng tăng trưởng mạnh với nhóm mặt hàng chủ yếu là những sản phẩm chất lượng của Việt Nam.
Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ và bằng 21,6% kế hoạch. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 108,4 triệu USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,2 tỷ USD (chiếm 98,3% tổng giá trị xuất khẩu), tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu tính chung 02 tháng đầu năm ước đạt cao so với cùng kỳ như: Điện thoại, máy tính bảng và điện tử khác đạt 5,9 tỷ USD, tăng 29,5%; tấm tế bào quang điện, tấm mô đun năng lượng mặt trời đạt 187,8 triệu USD, tăng 18,9%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 0,8 triệu USD, tăng 18,2%.
Song ở chiều ngược lại, còn một số nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm so với cùng kỳ năm 2023 là: phụ tùng vận tải 1,1 triệu USD, giảm 1,5%; sản phẩm may 85,3 triệu USD, giảm 3%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu 42,1 triệu USD, giảm 10,1%; sản phẩm từ sắt thép 4,5 triệu USD, giảm 17,9%; chè các loại 0,1 triệu USD, bằng 43,3% (do Công ty TNHH chè Yijiin chuyển về tỉnh Phú Thọ từ tháng 10/2023).
Nhập khẩu hàng hóa
Trong tháng 02 năm 2024 tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của tỉnh Thái Nguyên ước đạt 1.483,4 triệu USD, giảm 19,9% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm các mặt hàng có giá trị nhập khẩu trong tháng 02/2024 ước tính tăng cao so với cùng kỳ như: vải các loại 14,8 triệu USD, tăng 15,4%; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc 6,1 triệu USD, tăng 13,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 14 triệu USD, tăng 9,9%; nguyên liệu chế tạo pin năng lượng mặt trời 73,9 triệu USD, tăng 6,7%; nguyên liệu và linh kiện điện tử 1,3 tỷ USD, tăng 5,8%; nguyên phụ liệu dệt may 5,7 triệu USD, tăng 1,9%...
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu trong tháng 02/2024 ước tính giảm so với cùng kỳ như: giấy các loại 0,4 triệu USD, giảm 7,1%; sản phẩm từ sắt thép 2,7 triệu USD, giảm 18,8%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu 5,6 triệu USD, giảm 26,9%...
Tính chung trong 02 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Chia theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 96,5 triệu USD, tăng 7,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,2 tỷ USD (chiếm 97,1% tổng giá trị nhập khẩu), tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 02 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng so với cùng kỳ như: Nguyên liệu và linh kiện điện tử 3 tỷ USD, tăng 17,3%; vải các loại 29,2 triệu USD, tăng 12,7%; giấy các loại 0,8 triệu USD, tăng 9,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 26,8 triệu USD, tăng 3,1%; nguyên, phụ liệu dệt may 11,3 triệu USD, tăng 2,3%; nguyên liệu chế tạo pin năng lượng mặt trời 145,9 triệu USD, tăng 2%...
Ở chiều ngược lại, nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu tính chung 02 tháng đầu năm 2024 ước tính giảm so với cùng kỳ như: nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc 12,4 triệu USD, giảm 4,1%; sản phẩm từ sắt thép 5,2 triệu USD, giảm 18,4%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu 11,5 triệu USD, giảm 28,1%... Như vậy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2024 sụt giảm mạnh so với tháng trước nhưng luỹ kế 2 tháng, Thái Nguyên vẫn xuất siêu 3 tỷ USD.
Mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp trong năm 2024
Nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực thu hút các nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh tạo sự chuyển dịch về tăng trưởng giá trị thương mại, dịch vụ. Tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nhằm tạo ra những động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,5% trong đó: Công nghiệp, xây dựng: 58,6%; Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 8,5%; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản: Tăng 3,5%; Giá trị xuất khẩu: tăng 8%, trong đó giá trị xuất khẩu địa phương tăng 9%; GRDP bình quân đầu người: 123 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi còn có những khó khăn, thách thức lớn như ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Trong khi đó, Thái Nguyên là tỉnh có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các ngành sản xuất công nghiệp phải chịu tác động mạnh từ diễn biến quốc tế…
Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện những kế hoạch và giải pháp cụ thể sau:
- Tăng cường đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình quan trọng của ngành; triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành như may mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển Thương mại giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất (đặc biệt là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh).
- Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tại khu vực phía Nam của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư trong năm 2024, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược thuộc lĩnh vực công nghiệp, tạo năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế.
- Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, nâng cao chất lượng đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện mặt trời áp mái.
- Triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như may mặc, cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, khai khoáng,... Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh.
- Chủ động rà soát, bảo trì hệ thống truyền tải lưới điện; thực hiện các phương án đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; đặc biệt không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn cung ứng điện với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn.
- Tăng cường liên kết sản xuất với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô. Triển khai thực hiện hiệu quả Biên bản ghi nhớ các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang, trong đó chú trọng hình thành cụm liên kết sản xuất trong ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chế tạo với tỉnh Bắc Giang.
- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn, tạo động lực phát triển ngành dịch vụ trở thành trụ cột dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
- Phát triển mạnh thị trường tiêu dùng nội địa; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số và các nền tảng thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước và phát triển hoạt động xuất khẩu.
- Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, đầu cơ, thao túng thị trường.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA. Đồng thời, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT