Về sản xuất công nghiệp
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của suy thoái, lạm phát ... nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 8 năm 2023 vẫn có những chuyển biến tích cực, các khó khăn, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ. Đáng chý ý sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu tăng so với tháng trước, góp phần cải thiện kết quả chung của 8 tháng đầu năm 2023 cụ thể:
Tháng 8 năm 2023, tình hình sản xuất ngành công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, song mức độ hồi phục chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022 bao gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tương ứng tăng 10,1%; sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 5,2%; riêng ngành khai khoáng giảm 0,6% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có các sản phẩm có chỉ số tăng so tháng trước như: Thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 5,3%; nước chấm các loại tăng 1,5%; sợi các loại tăng 8,4%; giày thể thao tăng 6,6%; gỗ dán tăng 8,4%; bao bì giấy các loại tăng 4,4%; thuốc viên tăng 6,9%; bê tông tươi tăng 3,1%; nước uống tăng 1,8%, thiết bị bán dẫn tăng 4,4%.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương ước tính tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành khai khoáng gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, hàng hóa không tiêu thụ được trên thị trường, nên ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành bằng 99,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%). Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 .
Ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là ngành giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, song những tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh diễn ra trong bối cảnh lạm pháp ở nhiều nước trên thế giới tăng cao và kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng mạnh; tình hình xung đột vẫn chưa chấm dứt; nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục nhưng không ổn định… dẫn đến chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm cuối tháng 8 năm 2023 tăng 8,3% so với tháng 7 năm 2023. Trong đó, một số ngành sản xuất chủ lực của tỉnh vẫn đang giảm mạnh, không chỉ gặp khó về đơn hàng mà các doanh nghiệp còn phải đối mặt nhiều khó khăn trong cùng một thời điểm. Các ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm như:
+ Ngành sản xuất trang phục giảm 2,1%, ngành may mặc vẫn đối mặt nhiều khó khăn với sự thiếu hụt về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao; các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi.
+ Ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh bị giảm mạnh, tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong gian khó, cộng đồng các doanh nghiệp đã vận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm đối tác, khai thác các thị trường mới, nâng cao chất lượng và đổi mới sản phẩm do đó, ngành chế biến gỗ 8 tháng năm 2023 tăng 1,8% so với cùng kỳ.
+ Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 11,2% so với cùng kỳ, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm từ 25-35% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 8 tháng qua vẫn có một số ngành tăng trưởng dương, góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,4% so với cùng kỳ 2022, đó là: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,8%; đồ uống tăng 22,3%; thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14%; sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 13,1%; xe có động cơ tăng 7,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 10,7%. Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tăng 3,1%; trong đó: khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,7%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Về hoạt động của các khu, cụm công nghiệp
Trên địa bàn tỉnh có 33 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp, chỉ tính riêng các khu công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích gần 15.000 ha. Trong 29 khu công nghiệp đã thành lập, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 11.000 ha, và 2 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.700 ha. Hiện Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất cả nước, đạt trên 90%. Đây cũng là địa phương có tổng diện tích đất khu công nghiệp lớn nhất cả nước chiếm 25% tổng diện tích đất khu công nghiệp của miền Nam và 13% tổng diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững sức hút đối với nhà đầu tư, thời gian tới, Bình Dương sẽ nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên xanh hơn, thông minh hơn, đồng thời quy hoạch các KCN mới hướng đến hiện đại, sinh thái phù hợp với xu hướng công nghiệp xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững.
Về thương mại dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 năm 2023 ước đạt 25.596,3 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 18.087,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 200.415 tỷ đồng tăng 12,9% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 08 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 200.415,5 tỷ đồng, tăng 12,9% (Kinh tế Nhà nước tăng 11,5%; kinh tế cá thể tăng 13,5%; kinh tế tư nhân tăng 13%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,7%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 đạt 138.393,8 tỷ đồng, chiếm 69,1% tổng số, tăng 14,8%; Doanh thu từ các dịch vụ khác đạt 42.774,8 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng số, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2022.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 06 Trung tâm thương mại, 14 Siêu thị, 98 chợ và 293 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cùng với hàng nghìn cơ sở bán lẻ đang hoạt động đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh thông qua thu hút các doanh nghiệp đầu tư đã hình thành hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ như: Bách hóa xanh, Co.op Food, GS25, Family Mart, WinMart+.v.v.. Hầu hết các cửa hàng này phân bố ở nhiều địa phương trên khắp cả tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các trung tâm huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và nhiều kênh phân phối, bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích khác; hay một số trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị còn kết hợp dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, như: GO!, Aeon mall canary, Co.op Mart .v.v… Đến với các siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi, người dân không chỉ mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi và lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm định nghiêm ngặt và theo đó các TTTM, siêu thị thường tạo ra các hình thức mua sắm mới lạ nhằm thu hút, giữ chân khách hàng.
Ngoài hệ thống TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hiện nay hệ thống chợ truyền thống cũng được đầu tư, phát triển theo hướng xã hội hóa, theo đó tỉnh có 76 chợ do doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã đầu tư và quản lý khai thác, sắp xếp tiểu thương vào chợ kinh doanh ổn định, công tác quản lý hoạt động kinh doanh chợ đi vào nề nếp. Ngoài ra, có những chợ tuy đã được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng không có điều kiện mở rộng mặt bằng, nên quy mô chợ chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại của tiểu thương đã đăng ký thuê quầy sạp trước đây.
Nhìn chung, so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu thương mại, dịch vụ 8 tháng năm 2023 tiếp tục có mức tăng khá; công tác bình ổn thị trường phát huy được hiệu quả, mạng lưới ngày càng được mở rộng, giá cả duy trì ổn định; các hệ thống phân phối hiện đại tăng cả lượng và chất. Ngoài ra, sự phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tác động mạnh đến khu vực trong nước, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cải thiện sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu
Về xuất khẩu
Chỉ tính riêng tháng 8 năm 2023, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương ước đạt hơn 3.070,7 triệu USD, tăng 19% so tháng trước, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 581,9 triệu USD, tương ứng tăng 18,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.488,75 triệu USD, tăng 19,1%.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20.418,2 triệu USD, giảm 15,3% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực kinh tế trong nước 3.833,9 triệu USD, giảm 16%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 16.584,2 triệu USD, giảm 15,9%. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh Bình Dương với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm 34,4% kim ngạch xuất khẩu; thị trường EU ước đạt hơn 2,53 tỷ USD, tương ứng chiếm 14,2%; thị trường Nhật Bản ước đạt hơn 1,47 tỷ USD, Trung Quốc 633 triệu USD, Hàn Quốc 535 triệu USD, Thái Lan 353 triệu USD.
Về nhập khẩu
Trị giá kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2023 ước đạt 2.083,9 triệu USD, tăng 19,4% so tháng trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14.309,8 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế trong nước 2.077,6 triệu USD, giảm 16,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 12.232,2 triệu USD, giảm 15,3%. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh, với kim ngạch đạt 5.626,1 triệu USD, chiếm 39,3% kim ngạch nhập khẩu, Nhật Bản đạt 1.797,3 triệu USD; tương ứng chiếm 12,6%; Đài Loan đạt 1.161,8 triệu USD, chiếm 8,1%; Hàn Quốc đạt 1.125,4 triệu USD, chiếm 7,9%; thị trường EU đạt 886 triệu USD, chiếm 6,2% ; Thái Lan đạt 723,6 triệu USD, chiếm 5,1%.
Như vậy, trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trên địa bàn tỉnh Bình Dướng đạt hơn 6,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 1,8 tỷ USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 4,3 tỷ USD. Để Bình Dương trở thành điểm sáng về xuất siêu, là một trong những tỉnh, thành phố có sự điều tiết về ngân sách Trung ương là kết quả cấu thành của các yếu tố: Sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại được ký kết, sự hỗ trợ linh hoạt của chính quyền địa phương. Trong đó, biện pháp ứng phó kịp thời chính là mấu chốt giúp địa phương này duy trì và phát triển trong khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế tỉnh Bình Dương vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng: Sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu của tỉnh nên tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ,… bị thu hẹp thị trường, đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải, giảm giờ làm, giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, khách hàng, đối tác. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu 8 tháng giảm mạnh; các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường lớn, thị trường truyền thống suy giảm hoặc tăng thấp.
Một số phương hướng, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm 2023
Để công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực, giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bình Dương cần tiếp tục tái cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Các cấp, các ngành của Bình Dương phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, phát huy các động lực tăng trưởng mới để tạo bứt phá trong phát triển.
- Tiếp tục hoàn thành trình, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tập trung rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và hội chợ công thương vùng Đông Nam bộ; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hoàn thiện chính sách hỗ trợ cấp doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
- Ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Đổi mới và phát triển đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khoa học công nghệ cao đảm bảo theo yêu cầu phát triển của tỉnh. Đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Nghiên cứu phương án dịch chuyển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lên phía Bắc. Đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch như: khu công nghiệp Bầu Bàng mở rộng, khu công nghiệp Vship III, khu công nghiệp Cây Trường…
- Phát huy hiệu quả mô hình KCN sinh thái, thời gian tới cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi cho các KCN sinh thái, Doanh nghiệp sinh thái… để khuyến khích DN và địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, hưởng ứng việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.
⁃ Tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường; cập nhật các chính sách trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và triển khai đến doanh nghiệp chính sách thương mại để doanh nghiệp chủ động có kế hoạch, định hướng phát triển thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của tỉnh ở những thị trường nước ngoài trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
- Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Nâng cao hiệu quả kinh tế của các ngành sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạ dần hàng rào bảo hộ để các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược đầu tư theo lộ trình giảm thuế, tăng cường đổi mới thiết bị, công nghệ, tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
- Tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hội chợ trực tuyến cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để giúp các DN nắm bắt kịp thời, cập nhật những quy định mới, tận dụng được hiệu quả từ các cơ hội do FTA thế hệ mới mang lại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng và đạt các chứng chỉ về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu. Đảm bảo an sinh và công bằng xã hội trong hoạt động xuất nhập khẩu; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
- Tiếp tục rà soát, giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Lồng ghép các nghiệp vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ đề án thành phố thông minh Bình Dương gắn với xây dựng vùng đổi mới sáng tạo tỉnh.
- Tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng của ngành Công Thương như: TTTM, siêu thị, chợ, cửa hàng lớn... và mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn, tạo điều kiện cho thương mại phát triển một cách hài hòa, hợp lý./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT