NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Tình hình phát triển ​ngành Công Thương 2 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

21/03/2024

Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi nổi. Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định lại sản xuất kinh doanh với không khí lao động, sản xuất khẩn trương, tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2024 đã đề ra.

1. Sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ số công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp bao gồm dầu khí tháng 02 giảm 11,7% so với tháng trước, giảm 13,33% so với cùng kỳ năm trước. IIP trừ dầu khí tháng 02 giảm 7,28% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng đầu năm tăng 16,11%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp

IIP công nghiệp bao gồm dầu khí tháng 02 năm 2024 giảm 13,33% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 19,89%. Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024, IIP công nghiệp bao gồm dầu khí tăng 0,24%, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 11,02%; chế biến, chế tạo tăng 12,67%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,19%; cung cấp nước sinh hoạt quản lý rác thải, nước thải khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 12,57%. IIP 02 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 15,09%; dệt tăng 12,52%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng gấp 9 lần; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng gần 2,5 lần; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,53%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 18,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 33,27%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác 46,53%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 63,49%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Tháng 02 năm 2024, sản lượng dầu thô khai thác ước 645 ngàn tấn, giảm 7,97% so với tháng trước và giảm 2,46% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng đầu năm ước tính 1.366 ngàn tấn, giảm 2,11%. Khí tự nhiên dạng khí ước 342 triệu m3, giảm 18,61% so với tháng trước và giảm 37,42% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng đầu năm ước 763 triệu m3, giảm 21,67%. Một số sản phẩm công nghiệp khác tăng trưởng trong tháng so với cùng kỳ năm trước như: Phân khoáng hoặc phân hoá học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) tăng 59,82%; polyaxetal, polyete khác và nhựa epoxy tăng gấp hơn 4 lần; sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nóng, chiều rộng < 600mm, chưa được dát phủ, mạ hoặc tráng tăng 47,27%; điện thương phẩm tăng 1,54%.

2. Thương mại, dịch vụ, giá cả thị trường

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khả quan vào dịp Tết Nguyên đán. Nguồn hàng dồi dào với nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá phù hợp. Thị trường khách nội địa tiếp tục khẳng định là điểm tựa vững chắc cho du lịch tỉnh nhà.

Bán lẻ

Tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm. Thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, nguồn cung đảm bảo, giá cả các mặt hàng ít biến động (trừ mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau tăng giá trong những ngày giáp Tết), không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá đột biến làm bất ổn thị trường.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính tháng 02 là 7.104 tỷ đồng, tăng 1,81% so với tháng trước tăng so với cùng kỳ 18,99%. Lũy kế 02 tháng đầu năm ước đạt 14.081,4 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nhóm ngành lương thực, thực phẩm tăng 16,09%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,38%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,43%; xăng, dầu các loại tăng 8,72%; hàng hóa khác tăng 8,16%; hàng may mặc tăng 7,78%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,26%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 6,33%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 4,72%; doanh thu dịch vụ sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 2,66%. Nhóm ngành phương tiện đi lại, (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) tăng 2,57%; ô tô các loại tăng 2,48%.

Dịch vụ ăn uống

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cùng với thời tiết thuận lợi nên hoạt động du lịch trên cả nước diễn ra sôi nổi, thu hút lượng đông khách nội địa đi du lịch, tham quan du xuân. Nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn Bà Rịa - Vũng Tàu đón giao thừa, trải nghiệm văn hóa truyền thống, lượng khách tăng cao, báo hiệu một năm Giáp Thìn tràn đầy hy vọng của ngành du lịch tỉnh. Các khách sạn, resort như: Minera Hot Springs Binh Chau, Seava Hồ Tràm, The Grand Ho Tram, Carmelina Beach, Palace Long Hải, Imperial, Hồ Mây Park, Vũng Tàu Intourco… có sân vườn thoáng đãng, hồ bơi, dịch vụ đủ đầy và tổ chức các hoạt động vui xuân như: Múa lân, viết thư pháp, gói bánh chưng, hái lộc, trò chơi dân gian đều đạt công suất lấp đầy và doanh thu tốt. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 02 ước tính 1.355,4 tỷ đồng, tăng 11,58% so với tháng trước và so với cùng kỳ tăng 27,04% do tháng 02 năm trước không trùng vào dịp Tết Nguyên đán. Trong đó: Dịch vụ lưu trú ước 616,5 tỷ đồng, tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 45,33% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước tính 738,9 tỷ đồng, tăng 10,98% so tháng trước3 và tăng 14,96% so cùng kỳ. Lũy kế 02 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.570,2 tỷ đồng, tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cả thị trường

Thị trường trên hàng hóa phong phú, đa dạng, nguồn cung đảm bảo, giá cả các mặt hàng có biến động (nổi bật là mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau tăng giá trong những ngày giáp Tết), không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá đột biến làm bất ổn thị trường. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá trong đó giá thực phẩm tăng 2,18% so với tháng trước; giá xăng dầu được điều chỉnh vào ngày thứ năm hàng tuần theo cơ chế, tác động đến nhóm giao thông tăng 3,6% Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2024 tăng 1,08% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,89%. Chỉ số giá vàng tăng 2,34% và giá đô la Mỹ tăng 0,02% so với tháng trước, giá vàng và đô la biến động theo giá thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tháng 02 năm 2024 tăng 1,08% so với tháng trước; tăng 5,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 02 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 5,44% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá một số nhóm hàng tháng 02 so với tháng trước như sau:

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Tăng 1,39% chủ yếu do giá thực phẩm tháng 02 năm 2024 tăng 2,18%, cụ thể như sau: Thủy sản tươi sống tăng 3,48% do giá các tươi các loại tăng 4,31%, thủy sản chế biến tăng 1,47%, chủ yếu do giá thủy sản khác chế biến tăng 3,76%; thịt chế biến tăng 4,21% chủ yếu là do giá giò, chả vào những ngày Tết tăng giá các loại này tăng từ 10.000 -20.000 đồng/kg quả tùy loại.

May mặc, giày dép và mũ nón: Tăng 1,72% do giá của quần áo cho nữ may sẵn tăng 2,69%, vì thế tác động làm nhóm hàng này tăng.

Giao thông: Tăng 3,6% do giá bình quân tháng 2 mặt hàng dầu diesel tăng 5,51% so với tháng trước do trong tháng được điều chỉnh liên tục vào các ngày thứ năm hàng tuần tác động chỉ số giá nhóm này tăng; mức giá xăng E5 RON92 lên mức 22.568 đồng/lít, giá xăng RON95 không cao hơn 23.719 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 20.969 đồng/lít. Dịch vụ giao thông công cộng tăng 22,49% chủ yếu do giá vé vận tải hành khách bằng đường hàng không và đường sắt tăng.

Các nhóm hàng khác: Tương đối ổn định so với tháng trước.

3. Hoạt động xuất nhập khẩu

Trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt nhịp sản xuất; nhiều đơn hàng được ký kết, tạo động lực cho doanh nghiệp tăng tốc ngay từ đầu Xuân mới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 02 năm 2024 ước đạt 1.264,4 triệu USD, tăng 23,15% so với tháng cùng kỳ, trong đó: Xuất khẩu tăng 19,02%; nhập khẩu tăng 28,57% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế xuất khẩu hàng hoá không dầu khí ước tăng 11,12% so với tháng cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02 năm 2024 ước đạt 693,5 triệu USD, tăng 19,02% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 02 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu ước đạt 1.254 triệu USD, tăng 10,50% so cũng kỳ; trừ dầu ước tăng 11,12% so cùng kỳ. Một số hàng hóa chủ yếu tăng trong 02 tháng đầu năm so cùng kỳ: Hàng thuỷ sản tăng 20,87%; chất dẻo (Plastic) nguyên liệu tăng 258,31%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 176,79%; sản phẩm từ sắt thép tăng 40,12%; giày dép các loại tăng 99,81%... Châu Á vẫn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 64,91% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 570,9 triệu USD, tăng 28,57% với cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu hàng hoá ước đạt 1.048,7 triệu USD, tăng 9,81%. Một số hàng hóa nhập khẩu chủ yếu tăng trong 02 tháng đầu năm so cùng kỳ: Lúa mì tăng 60,84%; khí đốt hóa lỏng tăng 3,86%; phân bón các loại tăng 207,07%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 140,14%; kim loại thường tăng 41,86%... Thị trường nhập khẩu, Châu Á chiếm 50,58% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành cần thực hiện tốt, có hiệu quả trong cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chế độ, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế và các nguồn lực khác; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể triển khai các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và các dự án doanh nghiệp dự kiến triển khai trong năm 2024.

- Tiếp tục duy trì tăng trưởng các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có tăng trưởng cao như sản xuất hóa chất, các sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ than cốc, hóa dầu; chế biến thực phẩm; nhất là duy trì tăng trưởng của ngành sản xuất, phân phối điện; các ngành đang có xu hướng phục hồi như dệt may, sản xuất giường, tủ, bàn ghế, sản xuất máy móc thiết bị, công nghiệp chế biến chế tạo khác. Nghiên cứu những khó khăn của các doanh nghiệp trong các ngành đang kéo giảm tăng trưởng như sản xuất kim loại (luyện sắt, thép); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); ngành sản xuất phương tiện vận tải, kết cấu nổi, đóng tàu; ngành thu gom, xử lý tiêu hủy chất thải, tái chế phế liệu… để có hướng tác động, giúp các ngành này tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, cẩn giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại KCN Mỹ Xuân A2 (Formosa) để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại KCN này yên tâm sản xuất kinh doanh, hoàn thành mục tiêu sản xuất trong năm 2024.

- Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nhiều kế hoạch để phát triển kinh tế trên địa bàn như: Triển khai kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Vũng Tàu về thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ du lịch.

- Tiếp tục lập phương án cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống trên địa bàn; phương án chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ Long Sơn; thực hiện xã hội hóa chợ Vũng Tàu.

- Thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, duy trì và nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn năm 2024: Khảo sát các sản phẩm phục vụ lập kế hoạch hỗ trợ, đánh giá năm 2024./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC