Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, năm 2023 trong bối cảnh cực kỳ nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có với những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu; ngành than gặp nhiều khó khăn; giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã kiên trì, nỗ lực, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư công nên Quảng Ninh đã hoàn thành và vượt 12/12 chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 cụ thể:
Về sản xuất công nghiệp
Năm 2023 khép lại, Quảng Ninh trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế khi tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên 11% (gấp đôi bình quân chung của cả nước), đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 - 2023) đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020, cao nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020; lĩnh vực công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 46,6% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và đóng góp 4,86 điểm % trong tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 3 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, bình quân đạt 19,68% và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Quảng Ninh chủ yếu tập trung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp được định hướng cụ thể theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng, từng bước cải thiện về giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp trong GRDP và tốc độ tăng trưởng của ngành đang dần bắt kịp với sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, công nghiệp sản xuất điện của Quảng Ninh cũng luôn duy trì tốc độ phát triển khá ổn định. Dù sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm bình quân 1,01%/năm từ năm 2020 đến nay nhưng Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao. Ngoài ra, sản lượng than sạch sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt cao hơn so với kế hoạch sản xuất đầu năm 1,3% đây là kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của ngành than trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước
Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước ước đạt 5 tỷ USD, trong đó: Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch; Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 03 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, đang thuộc TOP dẫn đầu cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 174 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13,94 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) là đối tác dẫn đầu tổng vốn đầu tư đăng ký (chiếm 38,4%), tiếp theo là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 51,73%), tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, dịch vụ... Sự thành công của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư FDI không chỉ dừng lại ở những con số về tổng vốn đầu tư, mà quan trọng hơn đó là lĩnh vực, sản phẩm và dự án thu hút đều đảm bảo phân bố theo đúng không gian quy hoạch, định hướng phát triển, góp phần hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng…
Về xúc tiến thương mại
Nhằm quảng bá sản phẩm hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa phù hợp với sự phát triển cũng như nhu cầu của thị trường. Thời gian qua, Quảng Ninh đã chủ động, tích cực đẩy mạnh và làm mới các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với tình hình mới. Qua đó, đã góp phần tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh mở rộng sản xuất, liên kết vùng miền, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Không chỉ vậy, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) còn được thực hiện dưới nhiều hình thức và đổi mới về phương thức xúc tiến. Điển hình là việc đổi mới trong hoạt động thông tin và thương mại điện tử (TMĐT). Với việc triển khai và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023 đề án nâng cấp tính năng Sàn Giao dịch TMĐT cũ (http://teqni.gov.vn) thành sàn TMĐT http://ocopquangninh.com.vn với nhiều tính năng mới, tiện ích mới, như: Tích hợp thanh toán trực tuyến, công nghệ bảo mật tốt, dễ sử dụng, dễ nhìn, đăng ký bằng nhiều hình thức zalo, facebook... đã giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng hơn và tận dụng được hết lợi ích tối đa trong việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm qua sàn.
Tới thời điểm hiện tại, hoạt động XTTM qua sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ, phù hợp với nhu cầu thị trường và dòng chảy chuyển đổi số hiện nay. Trên địa bàn tỉnh có 161 website đã đăng ký, thông báo bán hàng với Bộ Công Thương. Trong đó, có 127 website của 102 doanh nghiệp, 30 website của 29 cá nhân. Có 334 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh đều đã được đưa lên các sàn TMĐT, cùng với đó, hoạt động XTTM qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, tuần xúc tiến, sự kiện chuyên đề về sản phẩm OCOP cũng được tỉnh tổ chức thành công với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các hội chợ thường niên; đăng ký các đoàn doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tham gia các sự kiện hội chợ cấp quốc gia về XTTM được tổ chức tại các tỉnh/thành phố trọng điểm: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên và Hà Nội...; tham gia các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương đầu mối kinh tế vùng như: Bắc Ninh, Hải Phòng...; tham dự Hội chợ thương mại Trung Quốc - Asean; hội chợ quốc tế Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Về thương mại dịch vụ - xuất nhập khẩu
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 174.330 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% cùng kỳ; Ngành bán buôn, bán lẻ ước tăng 13,35%, chiếm tỷ trọng 9,7% trong GRDP, đóng góp 1,27 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt 3,142 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch, chỉ tiêu được giao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: thiết bị điện tử, tấm silicon, xơ, sợ bông, quần áo các loại, dầu thực vật, nến, dăm gỗ, đất hiếm; Về kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp ước đạt 3,270 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Xơ, sợi; Máy móc thiết bị và các loại linh kiện; Lúa mỳ…
Nhìn chung, tình hình tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được cải thiện, nguồn cung hàng hóa dồi dào, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trình độ quản lý thương mại được nâng cao rõ rệt góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh Quảng Ninh văn minh, hiện đại. Đặc biệt luôn sẵn sàng, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa, bình ổn thị trường phục vụ người dân đặc biệt trong các dịp lễ tết và thời điểm quan trọng trong năm. Phía Trung Quốc gỡ bỏ, nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19; cửa khẩu Móng Cái chính thức trở thành cửa khẩu nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu phục hồi trở lại. Ngoài ra, một số mặt hàng trên địa bàn đã tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp ngành điện, than, xăng dầu được UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn qua đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Những tồn tại hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những thành quả quan trọng, nổi bật trong năm 2023 với những chỉ tiêu và minh chứng thực tiễn, có thể khẳng định Quảng Ninh đã tận dụng tốt cơ hội, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, giữ vững sự ổn định, đổi mới và phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả hơn, tuy nhiên hoạt động sản xuất, thương mại trên địa bàn tỉnh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen: Lĩnh vực khai khoáng, trọng tâm là ngành than còn gặp vướng mắc về quy hoạch, cấp phép. Quy mô nền kinh tế rất lớn nên có sự thiếu hụt dân số, lao động có kỹ năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm lực khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cùng với những khó khăn chung của ngành than về quy hoạch, đất đai, hạ tầng khu công nghiệp, mặt bằng sạch, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và có nhà đầu tư thứ cấp còn Cụm công nghiệp Kim Sen tại TX. Đông Triều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tồn tại tình trạng đầu tư hạ tầng điện còn chậm so với nhu cầu thực tế; trên địa bàn có 05 chợ hạng 1 và 16 chợ hạng 3, lại nằm trong khu đông dân cư, hạ tầng chật hẹp, xuống cấp, quy chuẩn chưa phù hợp với yêu cầu phòng cháy chữa cháy, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn... Phát triển một số ngành kinh tế biển và thu hút đầu tư vào một số khu kinh tế, khu công nghiệp chưa có đột phá mới. Việc triển khai một số dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ ngưng trệ; thu hút các dự án mới, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới chưa có sự bứt phá; Nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, có kỹ thuật còn thiếu hụt. Công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và thi công một số dự án còn chậm; Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu là do: Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thị trường bất động sản trầm lắng; một số địa phương gặp khó khăn trong bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư công. Công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp trong giải quyết, xử lý công việc ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, thiếu tính chủ động...
Các mục tiêu cụ thể năm 2024
Năm 2024, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Tỉnh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen như mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số trong khi quy mô nền kinh tế rất lớn, sự thiếu hụt dân số, lao động có kỹ năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm lực khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cùng với những khó khăn chung của ngành than về quy hoạch, đất đai, hạ tầng khu công nghiệp, mặt bằng sạch, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng... sẽ tác động trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ năm 2024. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn đề ra các mục tiêu cụ thể sau:
Tăng trưởng GRDP bền vững trên 10% đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 khi quy mô nền kinh tế hết năm 2023 đã ở mức rất cao (trên 310.000 tỷ đồng), chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng ở phía Bắc. Trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất đạt 3 tỷ USD; Than sạch sản xuất đạt 44,330 triệu tấn; Sản xuất điện đạt 38,000 tỷ kWh; Công nghiệp chế biến chế tạo; Dầu thực vật đạt 300 nghìn tấn; Bột mỳ đạt 500 nghìn tấn; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 15,4%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.488 triệu USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024
Để hoàn thành toàn diện các mục tiêu nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần phải chủ động khắc phục khó khăn, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy; thu hút đầu tư các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ như: Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng, Hải Hà. Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm.
Triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ đạo đã có của Tỉnh liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện sẵn sàng thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại khu vực, diện tích đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế. Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thi công các dự án hạ tầng KCN, tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành (Quy Năng lượng, Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch hệ thống hạ tầng xăng dầu và khí đốt) và các kế hoạch triển khai quy hoạch đã được thủ tướng phê duyệt.
Tập trung, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành điện, than, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thúc đẩy đầu tư, khai thác tối đa năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.
Tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng tâm là khu kinh tế Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong... Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để tổ chức, phối hợp thực hiện tổ chức các chương trình XTTM quy mô hơn, đổi mới hơn bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường tiềm năng trong, ngoài nước. Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp trong tỉnh thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm của tỉnh. Chú trọng và xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội chợ OCOP thường niên cấp tỉnh, Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tỉnh Quảng Ninh gắn với hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa - du lịch. Tổ chức đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ lớn năm 2024 tại các địa phương trọng điểm kinh tế Vùng của cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Tiếp tục vận hành Sàn TMĐT tỉnh đạt hiệu quả; hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp tích cực tổ chức các hoạt động giao dịch, quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống sàn; thúc đẩy việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại các điểm, cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tích cực XTTM với việc tham gia các hội chợ ở nước ngoài, như: Hội chợ thương mại Việt - Lào, Hội chợ Việt Nam - Campuchia, Hội chợ Trung Quốc - Asean; Hội chợ thương mại và du lịch biên giới Trung - Việt...
Tập trung phát triển dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy; phát huy lợi thế biển, khai thác và phát triển nghề nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, bảo đảm tốc độ gia tăng dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), chú trọng phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ… nâng cao chất lượng dịch vụ./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT