NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phương hướng, nhiệm vụ của ngành Công Thương Bình Định năm 2024

16/01/2024

Năm 2023, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, diễn biến khó lường, cùng với ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ucraina… Ở trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế suy giảm, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động…

Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao, ngành Công Thương tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại với các phương án, biện pháp, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các DN, dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường… Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp - thương mại (CN-TM) trên địa bàn tỉnh năm 2023 vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận.

Về sản xuất công nghiệp

Theo đó, năm 2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh tăng 3,5% so với năm 2022. Trong đó, CN khai khoáng tăng gần 23%; CN chế biến, chế tạo tăng gần 3,8%; CN Sản xuất và phân phối điện tăng 1,35%; CN Cung cấp nước, Quản ly và xử lý rác thải, nước thải tăng trên 15%. Mặc dù chưa đạt tốc độ tăng như kỳ vọng, song SXCN được cải thiện, phục hồi tích cực, trong đó Ngành CN Chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 3,76%,cao hơn mức tăng chung.

Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ thu hút đầu tư theo quy hoạch.

UBND tỉnh Bình Định tập trung đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành các dự án điện năng lượng tái tạo, công nghiệp,... góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng trong thời gian tới.

Đến nay, một số dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào hoạt động như: Nhà máy Thủy điện Đồng Mít; Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao; Nhà máy sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và công nghệ sinh học; đặc biệt, đã khánh thành Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn Kurz…

Đối với hoạt động các cụm công nghiệp, năm 2023, tỉnh đã thu hút 6 doanh nghiệp. Tính đến nay, có 15 doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật 19 cụm công nghiệp với diện tích 652,9 ha.

Về tình hình thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút mới 75 dự án mới (có 6 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 14.808 tỷ đồng. Như vậy, địa phương đã thu hút 75/60 dự án (vượt 25% so với kế hoạch giao đầu năm 2023), thu hút 75/87 dự án (đạt 86,2% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao mới). Cùng với đó, địa phương thực hiện điều chỉnh 64 dự án với vốn tăng thêm hơn 3.478 tỷ đồng.

Về hoạt động thương mại

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 103.103 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt 81.173 tỷ đồng, tăng gần 11%; Dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện 13.744 tỷ đồng, tăng 37%; dịch vụ khác thực hiện 7.522 tỷ đồng, tăng 25,2%. Về xuất nhập khẩu, mặc dù gặp nhiều khó khăn song giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2023 vẫn đạt 1.600 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm.

Đáng lưu ý, năm 2023, ngành Công Thương tỉnh đã tổ chức thẩm định, nghiệm thu 49/49 đề án khuyến công quốc gia và địa phương, hoàn thành 100% kế hoạch kinh phí được giao 7.535 triệu đồng, tăng 30%  so năm 2022. Đặc biệt, Bình Định là địa phương có số sản phẩm đạt danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp  nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” cao nhất (06 sản phẩm) khu vực miền Trung và xếp thứ 04 cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu năm 2023 vẫn còn khó khăn, chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp (IIP) chưa đạt kế hoạch cả năm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, sản phẩm gỗ, hàng thủy sản... sụt giảm so với cùng kỳ; một số hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp xây dựng chưa hoàn chỉnh, tiến độ đầu tư còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư sản xuất ở từng địa phương, từng cụm công nghiệp cụ thể, nhất là các cụm công nghiệp do các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2024

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và có những chuyển biến lớn, khó lường, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, tác động lớn đến sự ổn định của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, các DN trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề vốn, chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm... sẽ ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp - thương mại của tỉnh.

Về phương hướng, mục tiêu năm 2024, ngành Công Thương Bình Định xác định: Phấn đấu đưa Chỉ số SXCN tăng từ 7-7,7% so với năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 114.700 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.650 triệu USD.

Đồng thời, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, ngành Công Thương Bình Định cần quan tâm đến các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển; Phát triển công nghiệp; Phát triển thương mại; Công tác xuất nhập khẩu...

Theo đó, về quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển, ngành sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định của Bộ Công Thương về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Triển khai Quyết định số 4647/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; Tiếp tục thực hiện Quyết định số 3808/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025; Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương trình sau khi được UBND tỉnh phê duyệt...

Về phát triển công nghiệp, ngành Công Thương Bình Định sẽ tập trung triển khai đồng bộ một số nội dung chủ yếu, như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN; theo dõi, đôn đốc các DN đẩy mạnh sản xuất, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện giúp các DN xử lý hàng tồn kho, sớm tiếp cận vốn vay của ngân hàng phục vụ phát triển SXKD.

Chú trọng phát triển Công nghiệp, Thương mại nông thôn, đặc biệt phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo Quy hoạch; chủ động theo dõi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã được UBND tỉnh giao cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ.

Về phát triển thương mại, ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng phát triển thị trường cho các cơ sở, DN; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động thương mại, phân phối, bán buôn và bán lẻ; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các DN trong tỉnh, gia tăng thị phần phân phối hàng hóa và đủ sức cạnh tranh trên thị trường; ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới các siêu thị bán buôn và bán lẻ, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, sàn giao dịch, chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ người tiêu dùng; tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra.

Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, quảng bá du lịch; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để mở rộng địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân hợp tác liên kết phát triển.

 

Về xuất nhập khẩu, ngành sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp biết; phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước nhằm phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chú trọng thị trường các nước là thành viên các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia...

Phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành nghề trong việc chủ động tuyên truyền, phổ biến các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tại các thị trường trọng điểm, chính sách ưu đãi xuất nhập khẩu, dự báo chính xác tình hình cung - cầu, thông tin thị trường... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động ngăn ngừa, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa./.

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

 

BÀI VIẾT KHÁC