NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phê duyệt quy hoạch Tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

27/02/2024

Ngày 31 tháng 12 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế  thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

2. Chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 - 11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm; Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5 - 7%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 33 - 35%; dịch vụ chiếm khoảng 54 - 56%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; Đóng góp vào GRDP một số lĩnh vực kinh tế quan trọng: Kinh tế số khoảng 30%, kinh tế biển khoảng 35 - 40%; mức đóng góp năng suất của các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 50%; Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 10%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7 - 8%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%; Thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI); Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% (trong đó phấn đấu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).  Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 57% và nâng cao chất lượng rừng;  Tỷ lệ cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đạt 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt gần 100%; Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt trên 60% tại các khu đô thị tập trung và trên 50% tại các địa phương;  Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%.

3. Tầm nhìn đến năm 2050: 

Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển

1. Các nhiệm vụ trọng tâm

- Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và cả nước về văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

- Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo sự hài hoà giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế.

- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu công nghiệp Phong Điền.

- Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Các khâu đột phá phát triển

- Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 04 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.

- Phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh (LNG, năng lượng tái tạo,...); ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản Cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hoá, lịch sử, thiên nhiên thành động lực tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững.

3 . Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng

+ Ngành dịch vụ: Tập trung phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; xứng tầm là trung tâm du lịch chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; tâm linh; hội nghị hội thảo; trong đó du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững.

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số như: Du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triển lãm và hội nghị quốc tế,... Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài. Phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây trở thành trung tâm logistics Xanh của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Phát triển dịch vụ đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế và ASEAN. Phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử tự động. Khuyến khích phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng; cơ sở thương mại truyền thống theo hướng hiện đại.

+ Ngành công nghiệp: Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm dệt may khu vực miền Trung - Tây Nguyên; công nghiệp chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu cát, thạch anh, m đá vôi, đt sét, than bùn.

Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động theo giải pháp thông minh, điều khiển từ xa; công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô; công nghiệp luyện kim; công nghiệp chế tác du thuyền, các phương tiện bay, phương tiện giao thông đa dụng, sử dụng năng lượng tái tạo; sản xuất đồ dùng thể thao; năng lượng sạch, năng lượng tái tạocông nghiệp dược liệu, chế phẩm sinh học, mỹ phẩm, sản xuất thuốc, vắc-xin, thiết b, sn phm y tế; chế biến thực phẩm, chế biến nông, thủy sản. Phát triển các ngành công nghiệp có liên quan đến di sản, văn hóa, festival, du lịch, các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, thiết bị, vật tư phục vụ bảo tồn di tích, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất hàng hóa xa xỉ phẩm, vật dụng, đồ lưu niệm, hàng hóa tiêu dùng khác.

Ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uốngcông nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.

+ Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Phát triển ngành nông lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Phát triển bền vững kinh tế rừng, biển, đầm phá, ngập nướcphát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, trồng cây dược liệu.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tập trung công tác dồn điền đổi thửa đối với diện tích đã trồng lúa, trồng màu để hình thành cánh đồng chuyên canh liền thửa, liền vùng.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, các loại rau hoa, cây ăn quả đặc sản của địa phương phục vụ xuất khẩu và du lịch. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ trồng rừng bền vững; trồng cây bản địa, cây dược liệu, các loại cây gỗ quý có thể khai thác gỗ nguyên liệu sử dụng cho việc bảo tồn và trùng tu các công trình di tích, di sản thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, trong tỉnh và toàn quốc kết hợp với bảo vệ rừng đầu nguồn và hình thành các lâm viên, công viên quốc gia; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa.

+ Phát triển kinh tế biển và đầm phá: Xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá; phát triển kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là đặc sản nổi trội Vùng đầm phá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới,… phát triển hệ đầm phá Tam Giang Cầu Hai trở thành Công viên đầm phá Quốc gia’’. Xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài trở thành Trung tâm Logistics của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Phát triển loại hình du lịch biển, đầm phá kết hợp với vườn Quốc gia Bạch Mã, hệ thống di sản văn hóa, lễ hội, làng nghề; xây dựng khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến hấp dẫn, hàng đầu khu vực miền Trung mang tầm quốc tế, tạo thương hiệu du lịch biển Việt Nam. Phát triển các đô thị biển hiện đại tại khu vực hành lang ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Liên kết với các địa phương thuộc vùng để phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

+ Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu; là trung tâm của các điểm đến triển lãm quốc gia, quốc tế về khoa học y sinh học, dược học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khoa học bảo vệ môi trường, vật liệu mới,...

Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ y dược; Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin theo hướng dịch chuyển thành công nghiệp công nghệ số; công nghệ số và dữ liệu số thúc đẩy phát triển kinh tế số, kiến tạo mô hình kinh doanh mới. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện; ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong thu thập và xử lý thông tin, sản xuất chương trình; tăng cường quản lý truyền thông trên nền tảng số.

III. Các nhóm giải pháp chủ yếu:

Để khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh và sớm hiện thực hóa các mục tiêu, ý tưởng thành hành động cụ thể, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Quy hoạch tỉnh đưa ra 07 nhóm giải pháp: 

Một là, giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư:  Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; cơ cấu lại chi đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy kinh tế xã hội.

Hai là, giải pháp phát triển nguồn lực đất đai: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất;  Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; Tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ba là, giải pháp phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Gắn phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới xây dựng nền kinh tế số.

Bốn là, giải pháp về môi trường; khoa học và công nghệ: Phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên,... đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Bảo vệ môi trường biển và ven biển, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học; có cơ chế quản lý hiệu quả các loại chất thải.

Năm là, giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển: Rà soát, nghiên cứu đề xuất ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động tối đa nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển. Tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; xác định mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng bền vững để từng bước thực hiện, đạt được các mục tiêu đề ra.

Sáu là, giải pháp về quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn: Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị trực thuộc trung ương; xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trung tâm trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị.

Bảy là, giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong triển khai thực hiện./.

Đinh Thị Bích Liên

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC