NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

28/11/2023

Ngày 22 tháng 11 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1456/ QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu như sau:

Mục tiêu phát triển đến năm 2030

Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm. Trong đó: tốc độ tăng trưởng của khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4 - 5%/năm; tốc độ tăng trưởng của khu vực Công nghiệp đạt 8,25 - 9,25%/năm; tốc độ tăng trưởng của khu vực Dịch vụ đạt 10,0 - 11,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD.  Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 15 - 16%; Công nghiệp - Xây dựng khoảng 36,5 - 37,5%; Dịch vụ khoảng 35,5 - 36,5%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: khoảng 10 - 11%.  Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 410.000 tỷ đồng. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 - 2030 là 6,5 - 7,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050

Quảng Ngãi phấn đấu duy trì là một tỉnh phát triển khá của cả nước, là địa phương phát triển xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải miền Trung. Hình thành và phát huy được sức lan tỏa của mạng lưới hệ thống phát triển khoa học và các cộng đồng nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh. Chú trọng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh

Thứ nhất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển (ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông; thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số).

Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ khoa học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.

Thứ tư, phát triển đô thị là trụ cột gắn với công nghiệp và kinh tế biển tạo động lực phát triển trong thời kỳ Quy hoạch.

Phát triển các ngành quan trọng của tỉnh

1) Ngành công nghiệp: Tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn. Trong đó:

+ Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với quy mô hợp lý, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ.

+ Phát triển công nghiệp sản xuất điện thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

2) Ngành nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp chất lượng, giá trị, bền vững theo hướng tập trung hoá, hiện đại hoá, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, tổ chức tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng của lâm nghiệp và thủy sản. Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, trang trại trồng trọt, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên canh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên lợi thế các vùng, địa phương trong tỉnh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.

3) Ngành thương mại - dịch vụ:  Phấn đấu phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo, núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, tâm linh theo hướng bền vững, chất lượng cao, đẳng cấp, có giá trị gia tăng lớn; thúc đẩy du lịch thông minh gắn với định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch và trong các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.

- Phát triển thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo, số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh; thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ tổng hợp, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ tại các vùng đô thị và ven biển có khu du lịch phát triển; tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các hình thức bán buôn và bán lẻ phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng địa phương.

Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo 6 vùng không gian kinh tế động lực và 4 hành lang kinh tế chiến lược

1) Phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo 06 vùng không gian kinh tế động lực với định hướng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội theo đặc trưng cho từng vùng để đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, cụ thể:

- Vùng kinh tế động lực Cụm đô thị và Trung tâm dịch vụ, bao gồm: thành phố Quảng Ngãi và một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành; trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị, trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho toàn tỉnh.

- Vùng động lực công nghiệp của tỉnh, bao gồm: huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh; đây là khu vực trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp lọc hoá dầu, luyện thép, chế tạo sau thép, năng lượng tái tạo, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến gỗ, các ngành công nghiệp hỗ trợ... và dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển gắn với cảng nước sâu Dung Quất, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển, giao thương hàng hóa quốc tế.

- Vùng kinh tế sinh thái biển, bao gồm: thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức; phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi, với trung tâm là thị xã Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hình thành chuỗi giá trị ngành hàng, trung tâm xúc tiến, trung tâm hỗ trợ công nghệ đánh bắt và nuôi trồng xa bờ, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao hướng tới khai thác bền vững.

- Vùng kinh tế rừng xanh, bao gồm các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ; hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, vùng trồng dược liệu, trồng chè, trồng rừng cây gỗ lớn, phát triển rừng trồng sản xuất, cây lâm sản ngoài gỗ, các trung tâm chế biến lâm sản, phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch - văn hoá địa phương, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi.

- Vùng kinh tế nông nghiệp, bao gồm: các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ; giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn, các vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các vùng chuyên canh sản xuất nông - lâm sản.

- Vùng kinh tế biển đảo, bao gồm: Đảo Lý Sơn “Ngọc lớn - Ngọc bé” của Biển Đông, với định hướng vai trò là tiền phương của ngành du lịch biển đảo, khu vực này sẽ phát triển trở thành một đô thị du lịch cao cấp gắn với các hoạt động tham quan nghỉ dưỡng biển, du lịch trải nghiệm các lễ hội truyền thống, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương (hành, tỏi...), bảo tồn và phát huy các làng chài.

 2) 4 hành lang kinh tế chiến lược bao gồm:

- Hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh): là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh với chức năng liên kết các trung tâm kinh tế đô thị và dịch vụ hành chính, gắn kết các huyện đồng bằng ven biển; xây dựng phương án, bố trí không gian phát triển các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics gắn với hành lang này.

- Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang): là hành lang liên kết quốc tế, đối ngoại kết nối Khu kinh tế Dung Quất với các huyện phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan, tiềm năng trở thành một hành lang kinh tế vận chuyển, giao thương hàng hóa quốc tế, tập trung phát triển du lịch văn hóa, sinh thái và nông lâm nghiệp.

- Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y): từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong - Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi; là hành lang cửa ngõ kinh tế biển, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông lâm nghiệp và khai thác thủy sản.

- Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng): là hành lang kinh tế xanh kết nối với hai hành lang Đông Tây của tỉnh để hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng kết nối.

Phát triển các khu chức năng, cụm công nghiệp

1) Khu kinh tế Dung Quất: Phát triển Khu kinh tế Dung Quất tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi, quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Triển khai hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

2) Khu công nghiệp: Phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 KCN, gồm 06 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung Quất (trong đó, có 4 khu hiện có là KCN phía Tây, KCN Đông Dung Quất, KCN Bình Hòa - Bình Phước, KCN Tịnh Phong; dự kiến thành lập mới 02 khu là KCN Dung Quất II, KCN Bình Thanh) và 04 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất (trong đó, có 02 khu hiện có là KCN Phổ Phong, KCN Quảng Phú; dự kiến thành lập mới 02 khu là KCN Bình Long và KCN An Phú). Tổng diện tích đất tính toán theo nhu cầu phát triển cho 10 KCN này là 6.648 ha, trong đó diện tích đất KCN đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ là 3.157 ha; phần diện tích còn lại chênh lệch giữa nhu cầu với chỉ tiêu đã được phân bổ là 3.491 ha, sẽ thực hiện khi được điều chỉnh, bổ sung.

Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả kinh tế của KCN Quảng Phú tại thành phố Quảng Ngãi. Phát triển, mở rộng 05 KCN hiện có (04 khu nằm trong Khu kinh tế Dung Quất và 01 khu nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất) tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Dự kiến thành lập mới 04 KCN khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp.

3) Cụm công nghiệp: Phát triển hệ thống các cụm công nghiệp (CCN) hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện di dời 03 CCN gồm 02 cụm ở thành phố Quảng Ngãi (CCN Tịnh Ấn Tây, CCN phường Trương Quang Trọng) và 01 cụm ở huyện Ba Tơ (CCN thị trấn Ba Tơ). Tiếp tục duy trì, mở rộng 17 CCN hiện có; đề xuất thành lập mới 19 CCN. Nghiên cứu, thành lập mới các cụm công nghiệp khác tại các vị trí có tiềm năng khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định./.

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC