NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

23/01/2024

Ngày 31 tháng 12 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1756/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

2. Chỉ tiêu cụ thể:

Đến năm 2030, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người: Đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18 - 17%, công nghiệp - xây dựng khoảng 33 - 35% và dịch vụ khoảng 43 - 45%. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội: giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 118.000 tỷ đồng và 2026 - 2030 đạt trên 155.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng trên 45%. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 52%. Trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới,  trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, trong đó có 10% số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu đạt trên 64%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thành các thủ tục về môi trường đạt 100 %. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100 %.

3. Tầm nhìn đến năm 2050: 

Tỉnh Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Phát triển “Ổn định, bển vững và công bằng”; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cùng những đột phá phát triển sau:

1. Các nhiệm vụ trọng tâm

- Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối trung tâm vùng, trọng điểm; phát triển các kho tàng, bến bãi, bến Thủy nhằm gia tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hóa và dịch vụ.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch Măng Đen, các khu công nghiệp, cũng công nghiệp, các khu chức năng lớn, chuyên ngành của công nghiệp, du lịch, đô thị…

- Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu (trong đó ưu tiên phát triển dược liệu). Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái rừng, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đổi mới công nghệ vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo ra sự bức phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

- Tăng cường kiểm soát việc cần bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên.
2. Đột phá phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế

- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

- Phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng “ ba quốc gia, một điểm đến”, sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác. Tập trung phát triển hạ tầng khu du lịch sinh thái Măng đen đạt được tiêu chí của khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.

- Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

- Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng, bao gồm: Chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm sản chủ lực gắn với chế biến; chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng.

- Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội

3 . Xu hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng

+ Đối với ngành công nghiệp

Mục tiêu phát triển: Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng, tiêu dùng và xuất khẩu. Điều tiết tăng trưởng bền vững, duy trì sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công đơn đoạn sang sản xuất tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp.

Phương hướng phát triển: Công nghiệp chế biến nông, Lâm, thủy sản và dược liệu: Tập trung vào các ngành hàng có tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu chế biến như cà phê, cao su, cây ăn quả, được liệu đặc biệt là sâm Ngọc linh, rau, hoa xứ lạnh, thủy sản nước ngọt… Gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn của tỉnh và của vùng. Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ để thúc đẩy nông nghiệp như chuỗi sản xuất và chế biến phân bón hữu cơ - sinh hóa phẩm an toàn trồng trọt; chế biến thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp - bán công nghiệp hiện đại.

- Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng: Đảm bảo hiệu quả, bền vững, cân bằng các lợi ích kiểm soát được các biến dạng do khai thác như: xói mòn, sạt lởn, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước ngầm và nước mặt. Phát triển khai khoáng kết hợp chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho kinh tế tuần hoànl Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu;…

- Công nghiệp năng lượng tái tạo: Triển khai thực hiện các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo trên cơ sở phù hợp với quy hoạch và kế hoạch điện lực quốc gia. Nghiên cứu, phát triển một số dự án thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời có tiềm năng, ít ảnh hưởng đến môi trường. Tận dụng các nguồn nguyên liệu, vật liệu và chế phẩm sinh học để phát triển năng lượng sinh khối.

+ Đối với ngành thương mại dịch vụ

- Phát triển thương mại trên cơ sở tăng cường liên kết kinh tế chặt chẽ với các tỉnh vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và các vùng kinh tế trọng điểm. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng thị trường, từng ngành hàng, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu.

- Đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại; thu hút đầu tư các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, hỗ trợ sản xuất. Ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Khai thác lợi thế Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các tuyến đường nối với Lào, Campuchia, cảng Đà Nẵng; Thu hút các luồng hàng hóa thông qua cửa khẩu biên giới. Quy hoạch hai trung tâm logistics kiêm kho, bãi tại cực phát triển thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi.

- Phát triển thương mại điện tử, thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

+ Đối với Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo:

Triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển, đổi mới công nghệ. Tập trung đào tạo cán bộ khoa học kĩ thuật có trình độ cao; liên kết hợp tác đào tạo với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước. Tăng cường cơ sở vật chất kĩ thuật cho tổ chức khoa học và công nghệ.

4 . Phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội.

Tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội trong quy hoạch tỉnh Kon Tum được tổ chức theo mô hình không gian phát triển” ba vùng kinh tế, bốn cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển“, Trong đó:

a) 03 khu kinh tế:

- Vùng phía Nam tỉnh, gồm thành phố Kon Tum và 04 huyện: Sa thầy, Ia H’Drai, Đăk Tô, Đắk Hà, trong đó thành phố Kon Tum là trung tâm. Đây là vùng động lực chủ đạo của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đô thị và nông thôn.

- Vùng phía Đông tỉnh gồm 02 huyện: Kon PLông, Kon Rẫy trong đó thị trấn Măng Đen là hạt nhân. Phát triển theo hướng đô thị sinh thái, cảnh quan, giàu bản sắc đặc thù, phục vụ cao cho du lịch, dịch vụ. Phát triển du lịch với việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phát triển xây dựng khu du lịch quốc gia Măng Đen và các khu điểm du lịch khác có quy mô thích hợp trong vùng.

- Vùng phía Bắc tỉnh gồm 03 huyện: Đắk Glei, Tu Mơ Rông Và Ngọc Hồi trong đó khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là trọng tâm. Phát triển chủ đạo về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên nền tảng đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; phát triển dịch vụ hạ tầng vận tải, kho bãi, dịch vụ logistics.

b) 04 cực tăng trưởng:

- Vùng đô thị trung tâm với thành phố Kon Tum là hạt nhân. Đây là cực có vị thế chủ đạo, có giá trị đặc biệt về kinh tế - chính trị đối với khu vực, đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh - Trung tâm đô thị Măng Đen và khu du lịch sinh thái Măng đen điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong nước và quốc tế;

- Trung tâm đô thị Ngọc Hồi là hạt nhân của vùng đô thị phía Bắc, nơi có vị trí chiến lược là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch đến năm 2030 trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Kon Tum.

- Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành động lực, trung tâm trong tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương, với việc phát triển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, với định hướng phát triển 03 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực ;à nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - du lịch.

- Trung tâm đô thị Đắc Glei  là đầu mối giao thông quan trọng là cửa ngõ phía Bắc tỉnh và là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang thương mại Quốc tế Đông – Tây(EWEC). Định hướng phát triển 03 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực ;à nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - du lịch với các chuỗi sản phẩm chủ lực như cao su, cà phê, sắn ... đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

c) 06 hành lang phát triển:

Hành lang dọc theo đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam, kết nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai… và liên kết với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Hành lang dọc theo quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, kết nối tỉnh Kon Tum với khu vực tỉnh Quảng Ngãi; là trục giao thông và hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra quan hệ hỗ trợ, kích thích phát triển giữa các huyện trong tỉnh.

Hành lang dọc theo quốc lộ 40, quốc lộ 40B, liên kết phát triển với huyện Ia Grai, Tỉnh Gia Lai, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các huyện Ngọc hồi, Sa thầy, Ia H” Drai.

Hành lang dọc theo Quốc lộ 24D đường tỉnh 674, kết nối các huyện Sa Thầy, Đắk Hà, Tu Mơ Rông với tỉnh Quảng Ngãi; có vị trí quan trọng và ảnh hưởng lớn về kinh tế, du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hành lang dọc theo đường tỉnh 672, đường tỉnh 676, kết nối với các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắk GLei với tỉnh Gia Lai; Phát triển du lịch và nông nghiệp đặc thù như sâm Ngọc Linh, chăn nuôi các loại gia súc lớn, bảo tồn các loại gien, giống quý và đa dạng sinh học của tỉnh; có đóng góp lớn về kinh tế nông nghiệp và du lịch cho tỉnh.

Khu vực hạn chế phát triển gồm 05 khu vực: khu vực biên giới có 292,9km đường biên giới và 13 xã biên giới; khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu vực vùng lõi, vùng đệm các khu di tích lịch sử, di sản văn hóa; hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kĩ thuật; các khu vực đặt thu khác thuộc quyền quản lý an ninh quốc phòng hoặc quy định đặc biệt thuộc danh mục bảo vệ bí mật của Nhà nước.
Khu vực khuyến khích phát triển: các khu vực khuyến khích phát triển là những khu vực còn lại ngoài 05 khu vực hạn chế phát triển trên, trong đó đặc biệt khuyến khích phát triển 02 vùng: vùng phía Nam và phía Đông tỉnh là những vùng liên huyện mang tính động lực chủ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

III. Các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch

Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh và sớm hiện thực hóa các mục tiêu, ý tưởng thành hành động cụ thể, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Quy hoạch đưa ra 07 nhóm giải pháp: (1) Giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút vốn đầu tư; (2) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; (3) Giải pháp về môi trường; (4) Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; (5) Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; (6)  Giải pháp để đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội; (7) Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch./.                                                                      

Đinh Thị Bích Liên

                                                   Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

 

 

BÀI VIẾT KHÁC