Ngày 19/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1639/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030
Theo đó, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.
Về mục tiêu kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 62,7%; dịch vụ chiếm 24,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,1%; Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582 nghìn tỷ đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Quy hoạch tỉnh cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
* Các nhiệm vụ trọng tâm
- Giải quyết hợp lý, hài hòa các mâu thuẫn, xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển và tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tổng thể vào các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh; lấy kinh tế số là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho các ngành kỹ thuật cơ khí, điện tử, logistics, y tế, giáo dục…; chú trọng hoạt động của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động.
- Ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
- Huy động nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng mang tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng nhanh, thuận lợi và hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
- Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và hướng tới cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
*Các đột phá phát triển
- Tập trung phát triển năm trụ cột chính bao gồm: (i) Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; (ii) Dịch vụ chất lượng cao; (iii) Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; (iv) Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; (v) Bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ: (i) Văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (ii) Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; (iii) Kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
- Hình thành bốn trục phát triển không gian: (i) Trục phát triển Bắc - Nam; (ii) Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; (iii) Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; (iv) Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
Đối với phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Quy hoạch tỉnh Hải Dương xác định 03 ngành quan trọng, gồm: Công nghiệp; Dịch vụ; Nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: (i) Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; (ii) Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; (iii) Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; (iv) Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.
- Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực:
+ Ngành cơ khí chế tạo: đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao như: kim loại chất lượng cao, kim loại màu phục vụ công nghiệp, sản xuất động cơ, sản phẩm cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, các loại máy xây dựng, máy móc công nghiệp, điện tử, tiến tới sản xuất ô tô điện, các máy móc công nghệ cao và robot…
+ Ngành điện, điện tử: đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong ngành thiết bị gia dụng, thiết bị điện tử thông minh, tiến tới sản xuất các sản phẩm cảm biến và sản xuất vi mạch điện tử (chip) quy mô lớn.
+ Ngành chế biến nông, lâm, thủy sản: gia tăng, mở rộng chuỗi giá trị sản xuất, đẩy mạnh kết nối vùng nguyên liệu sản xuất rau, trái cây trong khu vực; phát triển các hoạt động chế biến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.
+ Ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao: tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, trong đó ưu tiên ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử để tận dụng tiềm năng liên kết vùng hiện có và năng lực cung ứng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong tỉnh. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất bán thành phẩm, phụ tùng, linh kiện, cụm linh kiện cao cấp, lắp ráp phụ trong ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc công nghiệp, điện tử, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngoại vi, bo mạch, màn hình, thiết bị chuyên dụng cho ngành thiết bị điện tử, gia dụng.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án hiện có trong lĩnh vực dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, nước; công nghiệp môi trường, xử lý rác thải, nước thải.
- Phát triển công nghiệp theo 3 vùng: (i) Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; (ii) Vùng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng; (iii) Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.
Về phát triển ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Chú trọng phát triển ngành thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cụ thể như sau:
- Phát triển hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đại. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hình ảnh của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Phát triển các dịch vụ chất lượng cao, gắn liền với phát triển đô thị và các khu công nghiệp; phát triển dịch vụ logistics để phát huy lợi thế kết nối trong vùng đồng bằng sông Hồng.
- Phát triển du lịch chuyên nghiệp hiện đại, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn trong đó chú trọng du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các khu, điểm du lịch khác để hình thành các tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Phấn đấu đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các trụ cột chiến lược như sau:
- Trồng trọt: phát triển chuỗi giá trị trồng trọt, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Các sản phẩm chủ lực như lúa, rau màu, cây ăn quả...
- Chăn nuôi: phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
- Thủy sản: phát triển các loài thủy sản chủ lực, các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và dịch vụ hậu cần, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển nông nghiệp theo 6 vùng: (i) Vùng canh tác rau vụ đông tại huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn; (ii) Vùng cây ăn quả chủ lực tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; (iii) Vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tại huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Gia Lộc; (iv) Vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao tại huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang; (v) Vùng chăn nuôi chủ lực tại huyện Cẩm Giàng, huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và thành phố Chí Linh; (vi) Vùng nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang, huyện Kim Thành, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh.
Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tỉnh Hải Dương đưa ra 06 nhóm giải pháp. Cụ thể, một là, giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tổng hợp các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hai là, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước, với ba ưu tiên hàng đầu bao gồm: nâng cao kỹ năng nghề của người lao động; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ và nông nghiệp; thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp.
Ba là, giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, trong đó, về môi trường, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, nhất là: đầu tư xử lý chất thải, nước thải, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Về khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Về giải pháp về chuyển đổi số, tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan chủ trì các nhiệm vụ chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới các cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.
Bốn là, giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Năm là, giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, kiểm soát không gian phát triển đô thị, bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Quy hoạch đầu tư xây dựng các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn mới theo các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất) với quy mô phù hợp theo định hướng, nhu cầu phát triển nhà ở của địa phương, gắn với quá trình phát triển đô thị, tiệm cận với các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị, làm động lực và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh.
Sáu là, giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa, lồng ghép các nội dung quy hoạch thành các chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hằng năm./.
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT