Ngày 26 tháng 12 năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1686/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
Mục tiêu tổng quát:
Hà Nam là tỉnh giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để Hà Nam phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng và cả nước; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 11,2%/năm; Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 21.000 tỷ đồng; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đạt 11%/năm; Kinh tế số chiếm 25-30% GRDP; Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đạt 30%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%; 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu có 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 100% dân số tỉnh Hà Nam được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. 100% rác thải ở thành thị được thu gom và xử lý, 98% rác thải nông thôn được thu gom (95-98% được xử lý). 100% các khu, cụm công nghiệp mở rộng và thành lập mới có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý trước khi thải ra môi trường đạt trên 60% tại các đô thị loại II trở lên, trên 40% tại các đô thị loại III, IV, trên 30% tại các đô thị loại V. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,5%.
2. Tầm nhìn đến năm 2050
Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hà Nam phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, bền vững với các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, thể dục thể thao. Môi trường xã hội tỉnh Hà Nam văn minh, hiện đại, dân chủ, con người Hà Nam phát triển toàn diện. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
3. Các đột phá phát triển và nhiệm vụ trọng tâm
a) Các đột phá phát triển của tỉnh
- Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nhất là về hạ tầng giao thông và hạ tầng số.
- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số và phát triển xã hội số, kinh tế số.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy bản sắc văn hoá, con người Hà Nam.
b) Các nhiệm vụ trọng tâm
- Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch để phát triển tỉnh toàn diện, đồng bộ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu Đại học Nam Cao để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng.
- Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng, hiệu quả hoạt động và dịch vụ hỗ trợ của các khu, cụm công nghiệp.
- Đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ, bền vững.
- Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Xây dựng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng và Quần thể văn hóa, thiên nhiên Tam Chúc trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
- Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, kết hợp các hoạt động xúc tiến thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn FDI, ODA theo hướng chọn lọc; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ hiện đại, tiên tiến, giá trị gia tăng cao, các dự án có sức lan tỏa, dẫn dắt, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
4. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng
Theo Quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nam phát triển công nghiệp - công nghệ cao - đô thị - dịch vụ du lịch thương mại.
Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam phát triển đô thị - công nghiệp - công nghệ cao - dịch vụ du lịch thương mại.
Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô… Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp đã lấp đầy trên 95% (Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Hoà Mạc, Châu Sơn, Thanh Liêm, Thái Hà giai đoạn I), đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy 02 khu công nghiệp đã có chủ trương đầu tư (Đồng Văn I mở rộng về phía đông đường cao tốc và Thái Hà giai đoạn II). Xây dựng và thành lập mới 04 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch (Kim Bảng I, Châu Giang I, Đồng Văn V, Đồng Văn VI). Sáp nhập Cụm công nghiệp Châu Giang vào Khu công nghiệp Châu Giang I và Cụm công nghiệp Lê Hồ vào Khu công nghiệp Kim Bảng I khi có đủ các điều kiện theo quy định. Đến năm 2030, ưu tiên thành lập mới, mở rộng phát triển các khu công nghiệp có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gồm: Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I (Thanh Bình IA, Thanh Bình IB, Thanh Bình IC), Thanh Bình II, Bình Lục, Thái Hà III. Việc thành lập, mở rộng các khu công nghiệp phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ và quy định pháp luật có liên quan. Các Khu công nghiệp Châu Giang II, Thái Hà II, Đạo Lý sẽ được thành lập mới tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Phát triển các cụm công nghiệp có tính chất đa ngành, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng địa phương. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã thành lập. Trong đó: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 05 cụm công nghiệp theo hiện trạng và giữ nguyên diện tích gồm các cụm công nghiệp: Nam Châu Sơn, Thanh Hải, Cầu Giát, Nhật Tân và Bình Lục. Điều chỉnh, mở rộng 03 cụm công nghiệp hiện có: Kim Bình, Thi Sơn và Trung Lương. Thành lập mới 14 cụm công nghiệp gồm: Yên Lệnh, Trác Văn, làng nghề Nha Xá, làng nghề Tiên Sơn, Đồng Hóa, Lê Hồ, Thi Sơn I, Đức Lý, Tiến Thắng, Thái Hà, Thanh Liêm I, Thanh Liêm II, Trung Lương 2 và La Sơn. Dự kiến sáp nhập Cụm công nghiệp Châu Giang vào Khu công nghiệp Châu Giang I và Cụm công nghiệp Lê Hồ vào Khu công nghiệp Kim Bảng I khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Phát triển nguồn điện: Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào lưới điện quốc gia); các dự án điện sinh khối; phát triển các dự án điện rác, công trình điện khí Biogas.
Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân, Khu Đại học Nam Cao tại thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.
Phát triển thương mại dịch vụ
Đẩy mạnh phát triển ngành thương mại dịch vụ cùng với công nghiệp - công nghệ cao là động lực chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế của tỉnh; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp FDI, tập đoàn phân phối lớn liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng, phát triển hệ thống phân phối hiện đại và mở rộng thị trường. Phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại phù hợp với từng địa bàn đô thị và nông thôn, tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng chỉ rõ cần khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao, đưa Hà Nam trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm thương mại để phục vụ nhu cầu của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Xây dựng mới trung tâm thương mại cấp Vùng Thủ đô Hà Nội tại thành phố Phủ Lý. Duy trì hệ thống kho dự trữ, cung ứng xăng dầu, trạm nạp LPG vào xe bồn và trạm nạp LPG. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
5. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tỉnh Hà Nam đưa ra 08 nhóm giải pháp cụ thể:
Một là, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Hai là, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước, với ba ưu tiên hàng đầu bao gồm: nâng cao kỹ năng nghề của người lao động; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ và nông nghiệp; thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp.
Ba là, giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hỗ trợ tạo lập và phát triển quyền sở hữu công nghiệp. Thực hiện phân công, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các cấp, ngành, các địa phương; đầu tư nâng cao năng lực giám sát môi trường; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu xử lý chất thải, nước thải tập trung.
Bốn là, giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Năm là, giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn kiểm soát chặt chẽ quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ che phủ rừng, cân bằng và chuyển mục đích sử dụng một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất xây dựng theo đúng quy định pháp luật để đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị và nhu cầu tăng trưởng kinh tế cho xã hội; đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo hướng chuyển đổi số; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất.
Sáu là, giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin, hoạt động quản lý, điều hành trên môi trường mạng. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quyết liệt thực hiện các biện pháp cải thiện các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh (PAPI) và các bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động khác.
Bảy là, giải pháp thực hiện công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội thực hiện đồng bộ, chặt chẽ quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện gắn với quy hoạch lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất với địa phương; kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ tỉnh.
Tám là, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch trong kế hoạch 5 năm và hàng năm. Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT