Ngày 15/11/2023, Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau:
Mục tiêu đến năm 2030
An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,0%; khu vực dịch vụ khoảng 50,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5,0%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng. Kinh tế số đạt trên 20% GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2050
An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Các đột phá phát triển
a) Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.
b) Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.
c) Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số (trên 03 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng
* Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Tập trung phát triển 03 nhóm sản phẩm chủ lực hiện có gồm: lúa gạo; cá tra; rau màu, cây ăn trái và 02 nhóm sản phẩm mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh gồm: chăn nuôi bò và nấm ăn, nấm dược liệu. Chú trọng, nghiên cứu phát triển giống nông nghiệp, thủy sản và dược liệu.
- Tích tụ ruộng đất, cánh đồng lớn để hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung ở xa khu dân cư; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
- Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác thủy sản gắn với bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản tại địa phương.
- Phát triển lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng.
- Xây dựng trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo, kết nối với các trung tâm đầu mối nông nghiệp, thủy sản khác của vùng.
* Ngành công nghiệp
- Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với vùng nguyên liệu tập trung; phát triển công nghiệp chế tạo phục vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp.
- Tập trung phát triển vững chắc công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Đổi mới, nâng cấp công nghệ cho các ngành chế biến các sản phẩm từ gạo, cá tra. Xây dựng các cụm liên kết công nghiệp chuyên ngành chế biến lương thực, thực phẩm, thúc đẩy tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
* Ngành dịch vụ
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, như logistics, thương mại điện tử, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.
- Về thương mại:
+ Thiết lập môi trường kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại; phát triển thương mại theo hướng công nghệ hóa, số hóa; phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại quan trọng; phát triển đa dạng hình thức tổ chức kinh doanh thương mại; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
+ Gắn kết hoạt động thương mại với các hoạt động sản xuất. Liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để phát triển thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực nhằm phát huy vai trò đầu mối giao thương hàng hóa của vùng với thị trường Campuchia và các nước ASEAN.
+ Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống, đặc sản của tỉnh gắn với xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; gắn việc phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống, đặc sản địa phương với phát triển du lịch.
+ Phát triển các trung tâm hội chợ, triển lãm theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với quy mô phù hợp, từng bước hội nhập quốc tế; đồng thời bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh gồm: 03 vùng kinh tế - xã hội và 03 hành lang kinh tế.
Phát triển 03 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm:
- Vùng trung tâm là vùng kinh tế động lực của tỉnh, bao gồm: Thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn. Trong đó, thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế: thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics; phát triển công nghiệp tập trung tại huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành.
- Vùng kinh tế - xã hội phía Đông bao gồm: Thị xã Tân Châu và các huyện: An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, tập trung sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hàng hóa quy mô lớn của tỉnh; các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, trung chuyển hàng hóa với thị trường Vương quốc Campuchia (qua cửa khẩu Vĩnh Xương và Khánh Bình).
- Vùng kinh tế - xã hội phía Tây bao gồm: Thành phố Châu Đốc là trung tâm và thị xã Tịnh Biên, các huyện Tri Tôn, Châu Phú. Là trung tâm du lịch, văn hóa tâm linh cấp quốc gia, du lịch sông nước, cảnh quan; dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo; trung tâm kinh tế biên giới của tỉnh; đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa với thị trường Vương quốc Campuchia (qua cửa khẩu Tịnh Biên); liên kết chặt chẽ với các đô thị dọc hành lang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các đô thị trên tuyến hành lang kinh tế biên giới.
Các hành lang kinh tế
- Hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên (thuộc hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), nằm dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Là hành lang kết nối Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang với cảng biển Trần Đề và các tỉnh, thành phố trong vùng; phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics tại đô thị Long Xuyên.
- Hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (thuộc hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến tỉnh Kiên Giang): Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; là đầu mối giao thương, hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế của vùng với Vương quốc Campuchia; là động lực phát triển kinh tế, đô thị biên giới phía Tây Bắc của tỉnh.
- Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu: Là không gian nằm theo trục giao thông quốc lộ 91, quốc lộ 80B và tuyến vận tải thủy (tuyến sông Mê Kông) kết nối với hành lang biên giới; là hành lang kinh tế, không gian văn hóa, đa dạng sinh học, cảnh quan sông nước; định hướng phát triển cụm liên kết về sản xuất lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái hai bên bờ sông; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của địa phương.
Phương án phát triển các khu chức năng
a) Phát triển các khu kinh tế
- Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang tại thị xã Tịnh Biên, huyện An Phú và thị xã Tân Châu.
- Nghiên cứu điều chỉnh phạm vi ranh giới, quy mô, tính chất Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của các khu vực cửa khẩu; điều chỉnh không gian phát triển, đề xuất các khu chức năng mới trong khu kinh tế cửa khẩu để kết nối và phát huy hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến hành lang kinh tế biên giới.
- Khi có đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định: nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế đường bộ và mở lối thông quan đường sông; nâng cấp cửa khẩu Bắc Đai lên cửa khẩu chính; nâng cấp khu vực đường mòn lối mở Vĩnh Gia, Vĩnh Nguơn, Khánh An thành cửa khẩu phụ.
b) Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Tiếp tục phát triển, ổn định các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa đặc sản, lúa mùa nổi; vùng chuyên canh rau màu, trái cây, cây dược liệu; vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi tập trung ở các địa bàn, địa phương có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái phù hợp.
c) Phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Hình thành và phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, quy mô lớn, thuận lợi kết nối giao thông thủy bộ. Phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng xã hội và các dịch vụ phục vụ người lao động. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có công nghệ hiện đại; ưu tiên thu hút các ngành chế biến lương thực, thực phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao.
Đến năm 2030, nâng cấp và mở rộng khu công nghiệp Bình Hòa; triển khai xây dựng 03 khu công nghiệp đã được quy hoạch và thành lập mới khu công nghiệp tại huyện Thoại Sơn. Cụm công nghiệp: Mở rộng và nâng cấp 05 cụm công nghiệp đang hoạt động; thành lập mới 30 cụm công nghiệp.
Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch
1. Giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư
2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
3. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
4. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
6. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch
Trần Thị Thúy Hằng
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT