Ngày 28 tháng 4 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số: 282/KH-UBND về thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể như sau:
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 6,14%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 là 5,8%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu: hàng nông sản, ván MDF, alumin, hàng hóa khác.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 5,25%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 là 4,9%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu: nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng,...
I. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Định hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu
- Nhóm nông sản là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Định hướng chung cho nhóm mặt hàng này là khai thác lợi thế để gia tăng sản lượng; chuyển dịch theo hướng chế biến sâu; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất; thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
- Nhóm công nghiệp chế biến: Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục phát triển nhũng sản phẩm hiện tại đã xuất khẩu, đẩy mạnh rà soát các mặt hàng chưa xuất khẩu nhưng có tiền năng như các loại nông sản, trái cây đã qua chế biến...từ đó có các chính sách khuyến khích phát triển tạo ra sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030.
- Nhóm khoáng sản: Mặt hàng xuất khẩu hiện tại là alumin được chế biến từ quặng bô xít. Định hướng của tỉnh trong thời gian tới nâng cao giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng này thông qua việc phát triển công nghiệp điện phân nhôm và các sản phẩm từ nhôm.
2. Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu
- Tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh cà phê, hạt điều, tiêu sang các thị trường Philipine, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và dần mở rộng sang các thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu.
- Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất những sản phẩm tỉnh có lợi thế cạnh tranh; nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất của tỉnh và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường.
II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu
1.1. Sản xuất công nghiệp
- Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, sớm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp; trong đó tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: Công nghiệp Bô xít-Alumin-Nhôm; công nghiệp chế biến nông-lâm sản.
- Rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ. Đồng thời, kịp thời có cơ chế chính sách linh hoạt trong thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ cao su, cà phê, hồ tiêu, ưu tiên cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ trong công nghiệp chế biến hàng nông sản xuất khẩu thông qua chương trình khuyến công địa phương và quốc gia, nhằm giảm thiểu xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm qua sơ chế, tăng sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm chứa hàm lượng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
- Duy trì phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh, phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm góp phần tiêu thụ nông sản. Chuyển một số ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp, nhằm gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án sản xuất xuất khẩu nhằm gia tăng nguồn lực cho xuất khẩu.
- Tuyên truyền, thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm điện, nước, vật tư, tiết kiệm và tận dụng nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt an toàn sản xuất công nghiệp. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu áp dụng các quy trình và phương pháp sản xuất thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng các biện pháp để cải thiện và xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp.
1.2. Sản xuất nông nghiệp
- Triển khai hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển vùng ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của tỉnh và nhu cầu của thị trường.
- Tập trung phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, tiềm năng, có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, đặc trưng của tỉnh.
- Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
- Tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản. Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh.
2. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm, bảo đảm tăng trưởng bền vững
2.1. Đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các loại hình xúc tiến xuất khẩu
- Tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin diễn biến của thị trường thế giới và phân tích tác động tới ngành hàng, doanh nghiệp của tỉnh. Nâng cao công tác thu thập, phân tích, dự báo tình hình thị trường hàng hóa và cung cấp thông tin pháp luật, chính sách, nhu cầu, tập quán kinh doanh của từng thị trường trong và ngoài nước kịp thời.
- Xây dựng, củng cố và nâng cấp cơ sở dữ liệu về thị trường, ngành hàng trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cung cấp, xử lý các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại về xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nước.
- Đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá tiếp thị, xúc tiến thương mại; khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, khu vực và quốc tế cho từng mặt hàng, nhóm hàng cụ thể.
- Đẩy mạnh phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gặp gỡ, kết nối cung cầu xuất khẩu nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp địa phương.
- Tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, các mặt hàng có lợi thế, các sản phẩm OCOP của tỉnh...
- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu. Thực hiện Kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản đến năm 2030.
- Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp của tỉnh tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường nước ngoài.
2.2. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuận lợi cho doanh nghiệp
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; thường xuyên đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và dịch vụ công; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án.
- Cân đối vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ cho phát triển xuất khẩu.
- Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh thời gian qua và định hướng trong thời gian tới để xây dựng giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng, hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
- Thu hút các dự án đầu tư phát triển chế biến hàng xuất khẩu, nhất là chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng nhằm đáp ứng yêu cầu trước khi xuất khẩu theo quy định của một số thị trường.
- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ nhằm tạo môi trường lành mạnh cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện, đơn giản và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
- Hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất, cân đối và phân bổ quỹ đất phù hợp với nhu cầu đầu tư hạ tầng để phục vụ phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu.
2.3. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình dạy nghề, đào tạo nghề gắn với việc đánh giá nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích nghi với môi trường làm việc quốc tế; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao của các công ty, tập đoàn đầu tư nước ngoài.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực trong các doanh nghiệp giỏi về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ và am hiểu pháp luật quốc tế đê đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe với các quy định hiện tại trên thế giới.
2.4. Hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm lợi thế; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng và bảo hộ thương hiệu
- Tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến.
- Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của tỉnh ở những thị trường nước ngoài trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
2.5. Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu
- Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh Đắk Nông, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư.
- Hình thành 01 Trung tâm logistics hạng II tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp có quy mô tối thiểu từ 10 ha đến năm 2020 và trên 20 ha đến năm 2030; kết nối với các cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ). Tích hợp dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác; thu hút nguồn hàng từ Campuchia qua cửa khẩu chính Đắk Peur vào Việt Nam và ngược lại.
- Nâng cấp cửa khẩu Đắk Peur lên cửa khẩu quốc tế và tăng cường đầu tư, nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hệ thống đường biên giới, đường từ khu vực cửa khẩu vào nội địa nhằm mở rộng hoạt động giao thương. Nâng cao chất lượng phục vụ trong khâu thông quan hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
- Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng logistics nhằm phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, bến bãi tại các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng logistics có tính đa dạng kết hợp bốc xếp, kho bãi, vận chuyển, đóng gói và hỗ trợ, đa dạng hóa các dịch vụ đi kèm.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT