NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Kinh tế Đà Nẵng năm 2023 tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng nhẹ

01/02/2024

Đà Nẵng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phát triển. Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế Đà Nẵng năm 2023 tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng nhẹ trên nền tăng trưởng bứt phá của năm 2022 (13,2%). Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 2,58% so với năm 2022, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 (giá hiện hành) ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng, quy mô tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước giảm 2,05%; khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 1,19%.

Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 20.598 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 85,6% so với cùng kỳ năm 2022, Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 17.088 tỷ đồng, bằng 100,4% dự toán HĐND thành phố giao.

Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp khôi phục phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Đến nay đã khôi phục được 19 đường bay quốc tế thường kỳ, 15 đường bay quốc tế thuê chuyến và 8 đường bay nội địa, đón 18 chuyến tàu biển với hơn 11.000 lượt khách.

Nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công. Đặc biệt, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 thu hút hơn 942 ngàn lượt khách, tăng 29% so với lễ hội pháo hoa năm 2019. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành năm 2023 ước đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với năm  2019.

Tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông năm 2023 ước đạt 17.598 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 147,8 triệu USD, tăng 12%. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đã hình thành và từng bước phát triển.

Về thu hút đầu tư, Đà Nẵng thực hiện cấp mới và điều chỉnh cho 40 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 46.698,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 là 11.722,9 tỷ đồng), gấp hơn 4 lần về số vốn so với cùng kỳ và 181,006 triệu USD vốn đầu tư FDI (cùng kỳ 2022 thu hút 133,4 triệu USD).

Ước cả năm 2023, tổng vốn đầu tư trong nước đạt khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, thu hút FDI đạt hơn 200 triệu USD. Trong đó, thành phố đã tích cực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư cũ với tổng số vốn tăng thêm trên 47.500 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm tiếp tục tháo gỡ cho các dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo; đến cuối năm 2023, có 30/38 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, 19/27 dự án khởi công mới theo cam kết, phấn đấu đến 31/01/2024, giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công.

Bên cạnh kết quả đạt được của năm 2023, kinh tế Đà Nẵng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đối mặt với nhiều thách thức khi đơn hàng giảm, chi phí đầu vào tăng cao. Các yếu tố khó khăn khiến chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố cả năm ước giảm 2,5%, trong đó, lĩnh vực công nghiệp trụ cột là công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 3,8%; giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 0,33% so với cùng kỳ 2022.

Công nghiệp hỗ trợ - một trong ba lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của Đà Nẵng đã có những kết quả tích cực trong năm 2023. Thành phố đã tổ chức thành công hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo kết hợp hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, giao thương cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Về phát triển các cụm công nghiệp, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã tham mưu thành phố nhiều chủ trương, chính sách, quyết định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa các cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Về khuyến công, trong năm 2023, TP. Đà Nẵng đã dành 4,5 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến công địa phương và phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp được thụ hưởng 450 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia. Bình chọn 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố năm 2023.

Về thương mại, Sở Công Thương thành phố đã tổ chức hàng chục hội chợ, phiên chợ, chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng ; tổ chức cho các doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức 2 đợt phát động tháng khuyến mại kích cầu mua sắm với sự tham gia của gần 10.000 lượt doanh nghiệp và 6.000 sản phẩm dịch vụ. Kết thúc năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt 68.394 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2022.

Tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế thế giới, nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm dẫn tới tình trạng thu hẹp quy mô trong hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo. Hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn, áp lực cạnh tranh từ các nước khu vực, Châu Á tăng. Xuất nhập khẩu Đà Nẵng đã không hoàn thành mục tiêu đặt ra. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Đà Nẵng năm 2023 ước đạt 1,864 tỷ USD, giảm 11,6% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,151 tỷ USD, giảm 22,7%.

Năm 2024, Thành phố xác đinh là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Thành phố đặt mục tiêu năm 2024 GRDP tăng 8 - 8,5%; thu ngân sách tăng 5 - 7% so với ước đạt của năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5-6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8-9% so với năm 2023.

Để phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, TP sẽ tập trung khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với các dự án quy mô lớn đang có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm. Ngoài ra sẽ tập trung vào việc giải quyết các dự án thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đối với ngành Công Thương, năm 2024, ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tập trung triển khai thực hiện các định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng, xăng dầu - khí đốt đã được tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đề án, kế hoạch của ngành, trong đó: xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung đề xuất thuộc ngành Công Thương tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được phê duyệt theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ); kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng trên các lĩnh vực của Ngành; mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics. tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án như: Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”; đề án “Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đề án “Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Đề án “Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung, Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan du thuyền” sau khi được UBND thành phố phê duyệt; Hoàn thành các thủ tục đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động…

2. Nghiên cứu, tham gia đề xuất xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, như đề xuất thí điểm thành lập Khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ nằm ngoài khu kinh tế (gắn với Khu đô thị Sườn đồi) kết nối sân bay, cảng biển Liên Chiểu, các khu công nghiệp công nghệ cao thành phố với một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực, tạo bước phát triển đột phá cho kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng; đề xuất cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: trung tâm, khu hậu cần dịch vụ logistics,… (khu vực thực hiện các hoạt động kho bãi, vận tải, các dịch vụ logistics chuyên sâu như gia công, đóng gói, phân loại, kiểm dịch, phân phối hàng hóa nội địa, quốc tế...) vào danh mục dự án thu hồi đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

3. Nghiên cứu, rà soát, tham mưu bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương như: chính sách hỗ trợ Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, Chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, phát động các chương trình khuyến mãi, các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân. Đề xuất hình thành Trung tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng của thành phố Đà Nẵng…

4. Tiếp tục thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp

5. Tăng cường tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp theo lĩnh vực thuộc ngành công thương hoặc nhóm doanh nghiệp để thường xuyên lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách kịp thời

6. Thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm ngành Công Thương; Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra năm 2024 tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Sở Công Thương theo quy định; kịp thời xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để xảy ra vụ việc tồn đọng, kéo dài, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các ngành, địa phương trong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý, găm hàng, đầu cơ… và xử lý các hành vi vi phạm làm bất ổn thị trường.

Năm 2023, là một năm với khó khăn lớn, với những biến động phức tạp, khó lường, song toàn ngành đã nỗ lực, phấn đấu để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được giao. Bước sang năm mới 2024, những yếu tố trong và ngoài nước tiếp tục mang đến những thách thức và cả những cơ hội mới, với phương châm tiếp tục thúc đẩy đầu tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm mục tiêu, ngành Công Thương thành phố quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố./.

Trần Thị Thúy Hằng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC