NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Kế hoạch về việc phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Cà Mau năm 2024

10/11/2023

Ngày 16/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch Số: 251/KH-UBND về việc phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Cà Mau năm 2024, cụ thể như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

- Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh thông qua ứng dụng thương mại điện tử.

- Hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.

- Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tích cực thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

- Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh tăng hạng và điểm số so với năm 2023.

- 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần của tỉnh được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) có ít nhất 180 thương nhân trên địa bàn tỉnh tham gia; các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 3 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh.

- Tỷ trọng thương mại điện tử giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến (B2C) chiếm 9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

- Có 65% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử.

- Có 70% cơ sở kinh doanh, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp được hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng trực tuyến.

- Tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công, đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

3. Nhiệm vụ trọng tâm

3.1. Xây dựng thị trường và nâng cao nhận thức, lòng tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại

- Tuyên truyền về thương mại điện tử, các quy định, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình talkshow giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh (OCOP) trên kênh truyền hình Cà Mau (sóng CTV) và livestream trên các nền tảng số, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài truyền thanh, Cổng Thông tin điện tử, Sàn giao dịch thương mại điện tử, Trang thông tin điện tử...

- Tổ chức tập huấn đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Tổ chức tập huấn đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh

- Tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích, dịch vụ thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo đến khách hàng về các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng; sử dụng các dịch vụ thanh toán đảm bảo.

3.2. Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử

- Ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics phục vụ thương mại điện tử

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng phát triển các dịch vụ mang tính hỗ trợ, logistics cho thương mại điện tử; khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng Mã địa chỉ gắn với Bản đồ số (Vpostcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics.

- Ứng dụng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động thương mại điện tử và giải quyết thủ tục hành chính

Tiếp tục thực hiện việc định danh điện tử, tích hợp thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân phục vụ việc xác thực điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và giao dịch điện tử.

- Đẩy mạnh ứng dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh, dịch vụ công trực tuyến...); thu học phí, viện phí... tại các trường học, bệnh viện; sử dụng hóa đơn điện tử

Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, khuyến khích các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị phối hợp với các chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh; sử dụng hóa đơn điện tử.

3.3. Ứng dụng thương mại điện tử, các nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tìm kiếm thông tin, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa

- Quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Công Thương phục vụ công tác quản lý nhà nước về công thương trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xuất khẩu thông qua các kênh thương mại điện tử

- Quản lý, vận hành hiệu quả Sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa của tỉnh (đạt ít nhất 180 thương nhân trên địa bàn tỉnh tham gia, các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 3 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh); liên kết Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh với sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh, thành trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện gian hàng tỉnh Cà Mau trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, uy tín trong nước (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki...); phối hợp đơn vị có liên quan ứng dụng các nền tảng hội chợ, triển lãm trên môi trường số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác trên môi trường số.

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp và mặt hàng chủ lực của tỉnh.

3.4. Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

- Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng nhiều giải pháp để sử dụng hóa đơn điện tử

- Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng các công nghệ số

Thông qua các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng các công nghệ số cải tiến máy móc, mô hình sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa hoạt động quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

- Nâng cao nhận thức, hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số cho cán bộ, công chức các cấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân khởi nghiệp. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi số, Marketing Online...

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số, xây dựng hoặc ứng dụng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, giao thông, du lịch...

3.5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử

- Rà soát, tăng cường bố trí vị trí việc làm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về thương mại điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Thực hiện thống kê về thương mại điện tử

Tổ chức khảo sát ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; thu thập số liệu, thống kê về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử của doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, tham mưu công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần của tỉnh Cà Mau, chú trọng các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tổ chức Đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố có chỉ số thương mại điện tử cao./.

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC