Ngày 17/10/2023, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 68/KH - SCT về chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với mục tiêu xác định nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm làm cơ sở đổi mới công tác quản lý, điều hành, vận hành quản lý nhà nước về lĩnh vực Công thương, góp phần xây dựng và phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nâng cao chất lượng đời sống xã hội của người dân theo chủ trương, lộ trình Chuyển đổi số của tỉnh, mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về Chuyển đối số được UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh giao năm 2024. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, đặt trọng tâm vào Chuyển đổi số trong toàn ngành Công Thương.
Theo đó, kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể
Về phát triển chính quyền số: 100% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Tỷ lệ hồ sơ công việc của Sở được xử lý trên môi trường mạng trên 95%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt trên 90%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC đạt trên 60%; trên 30% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt trên 40%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100 %.
Về phục vụ người dân và doanh nghiệp: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên Cổng dịch vụ công của tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% tỷ lệ dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu về phát triển hạ tầng CNTT và an toàn thông tin: 100% tỷ lệ giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử. Thực hiện kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước. Cán bộ chuyên trách CNTT của Sở được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Nhiệm vụ
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số: Chỉ đạo quản lý, điều hành trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thành công “cơ quan số” ngành Công Thương; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số, cũng như hiệu quả của chuyển đổi số mang lại cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân... thông qua các hình thức đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo; trên phương tiện thông đại chúng: Báo Bắc Giang, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương, Chuyên trang Thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; qua mạng xã hội: zalo, facebook, Tiktok...
Triển khai tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh nâng cao kiến thức pháp luật về chuyển đổi số, thương mại điện tử, phòng chống gian lận trong thương mại điện tử.
Phối hợp tổ chức hoạt động Ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang: Tuyên truyền, thông tin ngày chuyển đổ số quốc gia 10/10 trên Chuyên trang TMĐT tỉnh Bắc Giang và Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương.
Thứ hai, phát triển kinh tế số: Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, các Sàn thương mại điện tử trong nước, các Ngân hàng thương mại…kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử trong nước như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, FeLix.vn, Postmart…và sàn TMĐT nước ngoài như Alibaba.com… nhằm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, tiêu biểu, tiềm năng của tỉnh.
Tham gia tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến đa dạng như: hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trên môi trường thực tế ảo; các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; các chương trình xúc tiến thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước.
Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới; hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử dành cho hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, dữ liệu số: Tiếp tục duy trì và thực hiện cập nhật các cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch, hạ tầng công nghiệp và thương mại trên nền GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang. Xây dựng CSDL hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh và cập nhật thông tin lớp CSDL quản lý lưới điện trên nền tảng GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực số: Đẩy mạnh công tác tự học tập, tuyên truyền, chủ động nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương các kiến thức về CNTT, ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thực thi công vụ.
Bố trí, cử cán bộ công chức, viên chức tham dự đầy đủ các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về CNTT, chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ tổ chức.
Bố trí 01 cán bộ chuyên trách CNTT đảm bảo triển khai các ứng dụng CNTT và thực thi nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Công Thương đạt hiệu quả.
Thứ năm, đảm bảo an toàn thông tin mạng: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTG ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Thường xuyên phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn, an ninh mạng tới cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan Sở.
Cử cán bộ chuyên trách tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin mạng.
Thứ sáu, phát triển chính quyền số: Đưa các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo phương châm “4 không, 1 có”: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu.
Xác định những nhiệm vụ cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, bảo đảm khai thác triệt để hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung của tỉnh; đồng thời bảo đảm sự kết nối giữa các hệ thống thông tin của Sở, ngành địa phương với các hệ thống thông tin của tỉnh, bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với CSDL của các bộ, ngành Trung ương theo yêu cầu của Chính phủ.
2. Giải pháp
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tuyên truyền về thương mại điện tử và kinh tế số.
- Tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện Nghị quyết số 111- NQ/TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung cho chuyển đổi số đối với lĩnh vực Công Thương..
- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, duy trì gian hàng trên sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế. Tổ chức tập huấn kỹ năng xây dựng gian hàng và bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.
- Triển khai kế hoạch đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; duy trì việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hành chính nhà nước, giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Cập nhật, niêm yết công khai, minh bạch TTHC của Sở theo quy định.
- Tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu chuyển đổ số cơ quan; cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về CNTT, chuyển đổi số.
- Tăng cường các giải pháp để bảo đảm an toàn về an ninh thông tin cho hệ thống mạng và máy tính cơ quan.
- Triển khai phát triển các nền tảng, hệ thống cho phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo kế hoạch của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT