Là một tỉnh ở miền núi phía Bắc, được bao quanh bởi các địa phương, Bắc Kạn có “3 không”: không có đường sắt, không có đường hàng không và cũng không có đường thủy, duy chỉ có đường bộ. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn có một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, từ khi có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo sát sao, quan tâm đến sản xuất ra các sản phẩm OCOP theo đúng tiêu chuẩn tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm OCOP từ ba sao đến năm sao. Trong đó, có 1 sản phẩm năm sao đã được xuất khẩu thường xuyên đi Cộng hòa Séc là miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì); 18 sản phẩm OCOP bốn sao; 199 sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích.
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có 48 sản phẩm mới được công nhận 3 sao trở lên, vượt 240% kế hoạch đề ra; 76 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, 17 chủ thể tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP, 28 sản phẩm mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu...
Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời mỗi năm ban hành một Kế hoạch cụ thể. Đóng góp trong đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp như sử dụng những nguồn vốn phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất lao động và sản xuất được các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn.
Đồng thời, ngành Công Thương đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường tiêu thụ sản phẩm theo hai phương thức. Thứ nhất, theo phương thức truyền thống là đăng ký tham gia đưa các doanh nghiệp, hợp tác xã mang sản phẩm đi giới thiệu tại các tỉnh bạn và các thành phố lớn. Thứ hai, theo kênh thương mại điện tử. Báo cáo của các doanh nghiệp, hợp tác xã cho thấy, sản phẩm tiêu thụ trực tiếp giờ đã không còn đóng góp nhiều trong kết quả sản xuất kinh doanh, chủ yếu là sản phẩm bán qua thương mại điện tử. Các đơn hàng online đã đi đến mọi miền Tổ quốc, thậm chí đến tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn cũng còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ triển khai, thực hiện Đề án các cấp đã có kinh nghiệm triển khai chương trình nhưng hoạt động kiêm nhiệm nên chưa quan tâm dành nhiều thời gian cho đề xuất phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương; một số chủ thể trình độ, năng lực còn hạn chế dẫn đến điều hành hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn; Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP tại Quyết định 148/QĐ- TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, một số tiêu chí chấm điểm chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong công tác hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình; Hoạt động triển khai đề án áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ- TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều vướng mắc...
Chính vì vậy, ngày 22 tháng 3 năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 180/KH-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2024, cụ thể như sau:
I. Chỉ tiêu cụ thể:
Phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới (bình quân 2-3 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt 3 sao trở lên; củng cố, phát triển 8 chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận để mở rộng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...; phấn đấu hỗ trợ 8 chủ thể mới có sản phẩm tham gia năm 2024 (bình quân 1 chủ thể/huyện, thành phố).
Củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận: Có truy xuất nguồn gốc (20 sản phẩm); chủ thể tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (25 chủ thể); quản lý chất lượng tiên tiến (37 sản phẩm).
Có ít nhất 2 tin, bài, phóng sự/tháng tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương.
II. Nội dung:
1. Kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến huyện, xã:
Thường xuyên rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy thực hiện Chương trình OCOP các cấp, khi có thay đổi nhân sự đảm bảo đủ thành phần, năng lực triển khai Chương trình OCOP hiệu quả tại địa phương; Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các phòng ban chuyên môn các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; quy trình triển khai Chu trình OCOP thường niên; sản phẩm OCOP…; công tác quản lý, triển khai Chương trình; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm và hướng dẫn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hằng năm.
Đơn vị thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Thời gian: Trong quý I - III năm 2024.
2. Triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố
Cấp tỉnh: Trên cơ sở Kế hoạch này, các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị; Các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương và giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; Thời gian: Quý I năm 2024
3. Triển khai Chu trình OCOP thường niên
a. Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình.
- Nội dung: Tuyên truyền sự cần thiết, nguyên tắc triển khai nội dung của Chương trình, cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế cộng đồng; các mô hình, sản phẩm tiêu biểu, định hướng phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn mới, các sự kiện quan trọng nổi bật trong quá trình triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn cách thức phát triển, đề xuất ý tưởng các sản phẩm từ cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP dựa vào thế mạnh địa phương để khởi nghiệp.
- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Liên minh Hợp tác xã tỉnh... lồng ghép hoạt động chuyên môn của ngành để thực hiện tuyên truyền về Chương trình OCOP; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền hằng tuần, tháng về các sản phẩm OCOP tiêu biểu; các hoạt động, nội dung triển khai Chương trình; UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chuyên môn cấp huyện; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tại địa phương.
- Thời gian: Trong năm 2024.
b. Tổ chức đăng ký ý tưởng sản phẩm
- Nội dung: Đối với sản phẩm đăng ký mới: Tổ chức hội nghị cấp huyện, thành phố hoặc đến trực tiếp hướng dẫn các chủ thế kinh tế, các hộ kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm về: Nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; lực lượng lao động có tay nghề; khả năng phát triển sản phẩm OCOP theo yêu cầu của Chương trình (các huyện, thành phố lưu ý phát triển các sản phẩm đã đăng ký năm 2023 nhưng không tham gia đánh giá phân hạng để tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình năm 2024). Tổ chức triển khai thường xuyên trong năm, trọng tâm tháng 3 - 4 năm 2024.
Đối với sản phẩm nâng hạng sao: UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu… đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận hướng dẫn chủ thể đề xuất nâng hạng sao đối với các sản phẩm có tiềm năng. Tổ chức triển khai thường xuyên trong năm, trọng tâm tháng 3 – 4/2024.
- Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, các sở, ngành liên quan.
c. Tổ chức lựa chọn ý tưởng sản phẩm
- Cấp huyện: Cơ quan thường trực Chương trình cấp huyện, thành phố tiếp nhận phiếu đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình năm 2024 của các tổ chức, cá nhân; xem xét hướng dẫn hoàn thiện phiếu đăng ký; tổ chức đánh giá, lựa chọn và phê duyệt danh sách sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP gửi Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh. Tổ chức triển khai thường xuyên trong năm, trọng tâm tháng 3-4 năm 2024.
- Cấp tỉnh: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổng hợp danh sách sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình để làm căn cứ xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Chương trình OCOP năm 2024. Tổ chức triển khai thường xuyên trong năm, trọng tâm tháng 3 - 4/2024.
d. Tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP
- Đối với chủ thể cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP: Nội dung tập huấn: Kỹ năng phát triển kinh tế cộng đồng (phương pháp phát triển, cải tiến sản phẩm; phương pháp quản lý, vận hành các loại hình tổ chức kinh tế: Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ nhóm). Các điều kiện nâng hạng sao đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận; sử dụng nhãn hiệu sản phẩm OCOP và các nội dung khác có liên quan; Thời gian: Tháng 3 - 4/2024.
- Đối với chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP năm 2024: Nội dung tập huấn: Xây dựng, triển khai phương án kinh doanh; kiến thức về thị trường, makerting sản phẩm hàng hóa và sản phẩm OCOP. Kiến thức về bao bì, nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm. Kỹ năng hoàn thiện hồ sơ minh chứng tham gia đánh giá sản phẩm OCOP; Thời gian: Tháng 5 – 6/2024
e. Tư vấn phát triển sản phẩm
- Nội dung: Chuẩn hóa quy quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường theo nội dung của Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Tư vấn hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới: Rà soát sản phẩm tiềm năng ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống, lợi thế của địa phương gắn với cộng đồng, hướng dẫn chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình; tư vấn xây dựng quy trình sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, bộ máy hoạt động; thiết kế mẫu mã sản phẩm: Bao bì sản phẩm, thông tin ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ; xây dựng hồ sơ sản phẩm: Câu chuyện sản phẩm, tài liệu minh chứng về thị trường, hoạt động quản bá, nguồn nguyên liệu, bảo vệ môi trường… đảm bảo đủ điều kiện tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tư vấn nâng cấp sản phẩm đã được công nhận: Hỗ trợ chủ thể thiết kế bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ; sử dụng nhãn hiệu OCOP; chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO... hoặc mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất; quy trình sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO:22000; HACCP; GMP… đối với sản phẩm sản xuất trên quy mô lớn.
Xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP: Hướng dẫn các chủ thể xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; công bố chất lượng sản phẩm theo quy định, xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Triển khai hỗ trợ 08 chủ thể có tiềm năng đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực về các hoạt động hoàn thiện nâng cao hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực.
- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; UBND các huyện, thành phố; đơn vị tư vấn.
- Thời gian: Tổ chức triển khai thường xuyên trong năm, trọng tâm tháng 4 - 8/2024.
f. Tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm
Tổ chức đánh giá sản phẩm cấp huyện
Tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm cấp tỉnh
g. Xúc tiến thương mại
Xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá sản phẩm (xây dựng các điểm, trung tâm…) bán hàng OCOP trên địa bàn toàn tỉnh
Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm
4. Rà soát đánh giá cấp đổi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đã hết hạn
Nội dung: Đánh giá thực trạng chủ thể OCOP được cấp giấy chứng nhận hết hạn trong năm; hỗ trợ chủ thể hoàn hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận OCOP đối với các chủ thể đang duy trì, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương. Thời gian: Quý III - IV năm 2024.
Đơn vị thực hiện: UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh hỗ trợ.
5. Thực hiện chủ đề trọng tâm năm 2024, triển khai các dự án thành phần tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh
Thực hiện chủ đề trọng tâm năm 2024 “Bám sát bộ tiêu chí OCOP tập trung củng cố nâng cấp sản phẩm, đạt từ 4 sao OCOP trở lên”
Triển khai các dự án thành phần tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ
6. Kiểm tra thực hiện quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Nội dung: Kiểm tra chất lượng sản phẩm; thông tin ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP theo quy chế quản lý ban hành tại Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 25/8/2022 của UBND tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đối với các chủ thể không thực hiện đúng theo quy định.
Đơn vị thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện.
Ngô Mai Hương
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT