Ngành Công Thương Hà Giang đã vượt qua không ít khó khăn thách thức, luôn duy trì, phát triển ổn định và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giai đoạn vừa qua.
Về công nghiệp: Đã thành lập 01 khu công nghiệp và 05 cụm công nghiệp trên địa bàn tinh theo quy hoạch, thu hút được các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng như xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, ... với công nghệ tiên tiến và quy mô hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới sản xuất các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao như chế biến như kim loại Antimon, Mangan; viên gỗ nén, ván ép, bột giấy, nước ép hoa quả..... Thu hút đầu tư được 40 nhà máy thuỷ điện, phát điện vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 752Mw. Giai đoạn 2016-2020 chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 9,1%; Giai đoạn 2021 - 2023, tăng bình quân 12,83%/năm.
Về thương mại: Hạ tầng thương mại được quan tâm phát triển đã góp phần lưu thông phân phối hàng hóa trong tỉnh một cách thông suốt hơn, phục vụ đầy đủ và kịp thời đời sống và sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu đã đóng góp tích cực vào phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thông qua các chỉ tiêu về kim ngạch, tốc độ tăng, phương thức xuất khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng cũng phát triển được mạng lưới hạ tầng thương mại hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và hạ tầng phục vụ xúc tiến thương mại như các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Giai đoạn 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 10.83,4 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2023 đạt 15.791,8 tỷ đồng.
Để ngành Công Thương Hà Giang phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh, ngày 2/1/2024, UBND đã ban hành Quyết định số 03/QĐ - UBND kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Hà Giang giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển khá trong khu vực Đông Bắc bộ.
Mục tiêu cụ thể của ngành: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt bình quân trên 7%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10 - 12,0%/năm; Tổng giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đến năm 2030 đạt 800 triệu USD.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Nhiệm vụ trong tâm của kế hoạch là tái cơ cấu ngành công nghiệp, năng lượng, lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Tái cơ cấu ngành công nghiệp:
a) Phát triển cụm công nghiệp: Trên cơ sở định hướng phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan và định hướng phát triển của các địa phương, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư hạ tầng các KCN, CCN.
Điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, phù hợp với quy hoạch tỉnh, lợi thế của từng địa phương, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% các KCN, CCN; đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
b) Ngành năng lượng: Phát triển các dự án năng lượng theo tiềm năng của địa phương; thu hút đầu tư các dự án thủy điện, năng lượng tái tạo phù hợp điều kiện thực tế, nhu cầu của Tỉnh và phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, nâng cao hiệu quả của mạng lưới điện đảm bảo đồng bộ, đủ năng lực cấp điện cho nhu cầu sử dụng của các phụ tải trong tỉnh, bao gồm: Lưới điện 220kV, lưới điện 110kV, lưới điện truyền tải và phân phối trung và hạ áp.
- Cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
- Duy trì đảm bảo phân phối điện tới các vùng nông thôn, miền núi và biên giới; Đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân.
- Phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững đạt trình độ tiên tiến theo mặt bằng chung của cả nước. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng kết nối khu vực.
- Đảm bảo khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu là 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030.
c) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp chế biến , chế tạo của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô nhỏ và vừa trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành. Nâng cao năng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.
- Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với các làng nghề. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công; bố trí các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
d) Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản: Phát triển theo hướng loại bỏ việc sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại để sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo các giải pháp xử lý chất thải trong quá trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn quốc gia. Không thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác các điểm khoáng sản kim loại mới.
đ) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Khai thác tối đa lợi thế các mỏ khoáng sản hiện hữu trên địa bàn; kết hợp với áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất các vật liệu công nghệ cao, vật liệu thông minh, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện môi trường. Tập trung tại các địa bàn: thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình.
2. Tái cơ cấu lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá:
a) Thị trường nội địa: Phát triển nhanh, bền vững thị trường nội địa kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong tỉnh và nâng cao nội lực của nền kinh tế trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử....
- Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển thương mại[1]; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành có liên quan đến phát triển thương mại để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp; ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với các quy định và điều kiện thực tế của địa phương nhằm khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động thương mại.
- Tập trung thu hút và hỗ trợ đầu tư đối với một số tập đoàn bán buôn, bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại, làm chủ hệ thống tổng kho, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hoá nhằm ổn định cung cầu, nâng cao tính cạnh tranh về giá gắn với tăng cường quản lý cạnh tranh, chống độc quyền.
- Tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ. Triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối hàng hóa bền vững, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.
- Phát triển và đa dạng hóa các trung tâm tiêu dùng của tỉnh theo vùng và địa bàn (dọc theo Quốc lộ 2 và các trục giao thông tỉnh lộ, huyện lộ), gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
- Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục quản lý thị trường. Chú trọng công tác xây dựng và phát triển lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh chuyển đổi số công tác quản lý thị trường.
- Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng. Thu hẹp về khoảng cách giữa các huyện, thành phố về mức độ phát triển thương mại điện tử. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 62%; Phấn đấu đến năm 2030 số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước đạt trên 60-70 %
b) Xuất nhập khẩu: Tập trung ưu tiên phát triển các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Trong đó:
- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Xuất khẩu khoáng sản trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế; xuất khẩu khoáng sản sau chế biến trên cơ sở cân đối hiệu quả đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản đối các khoáng sản có quy mô lớn, không giữ vai trò khoáng sản chiến lược, các khoáng sản còn lại khai thác chế biến theo nhu cầu trong nước”, để đảm bảo phù hợp Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2023.
- Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, phát thải các bon thấp và lao động.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: Tiếp tục mở rộng xuất khẩu để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hoá lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo khoảng trên 60%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 40%.
- Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài.
- Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường trong nước nhập siêu theo hướng cân bằng hơn. Tăng cường quản lý nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia và phù hợp với các cam kết quốc tế. Kiểm soát có hiệu quả gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được.
- Thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu; Xây dựng mô hình, hình thành và phát triển các đơn vị thu gom có đủ năng lực[3], bao tiêu và ký kết với đơn vị chế biến, xuất khẩu; Xây dựng cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu..
- Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại.
c) Hội nhập kinh tế quốc tế: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển xanh, nhanh và bền vững; lấy doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước là trọng tâm để hợp tác, hội nhập và ứng phó linh hoạt với các cú sốc bất lợi từ bên ngoài. Thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông - lâm thủy sản, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ…. Nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
- Duy trì, mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc; tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGOs), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn lực khác.
- Nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Gắn kết hội nhập với thực thi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh hội nhập toàn diện và bền vững thông qua tăng cường hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề về xã hội khác....
Giải pháp thực hiện
Để hoàn thành mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 5 giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương
1.Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương, trong đó:
* Ngành công nghiệp:
Tập trung xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thuỷ điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp hỗ trợ...
+ Đối với phát triển KCN, các CCN: Tăng cường phát triển liên kết khu công nghiệp, cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa của địa phương với các địa phương khác trong vùng và liên vùng. Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, xã hội hóa công tác đầu tư phát triển CCN; đầu tư hạ tầng CCN gắn với xử lý tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn…Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn. Tái cơ cấu các hoạt động khuyến công tại địa phương theo hướng phát huy vai trò của các thành phần kinh tế trong việc tham gia đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2030 các KCN, CCN theo quy hoạch đạt được tỷ lệ lấp đầy 100%
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế phối hợp quản lý CCN; Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CCN của tỉnh. Các khu vực bố trí phát triển công nghiệp tập trung đảm bảo đáp ứng được các yếu tố, điều kiện về kết nối giao thông thuận lợi, đầy đủ các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, bố trí các dịch vụ phục vụ người lao động…; đồng thời, đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả về đất đai,
+ Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Hình thành và phát huy hiệu quả các KCN, CCN tập trung, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực như: chế biến nông lâm sản nhằm đáp ứng được nhu cầu bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chế biến gỗ phục vụ tốt nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tập trung triển khai phát triển công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu (các sản phẩm từ gỗ, chế biến chè, chế biến dược liệu, cam sành, chè Shan Tuyết) thúc đẩy sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất…..giá trị tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị. Tăng cường tiếp cận nguyên liệu đầu vào chất lượng cao hơn và nâng cao năng lực cho các dịch vụ hỗ trợ như tìm nguồn cung ứng, thiết kế, phát triển sản phẩm và tiếp thị mang lại cơ hội chuyển sang các phân khúc có giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị.
+ Đối với ngành công nghiệp khai khoáng: Phát triển đồng bộ, hiện đại phù hợp với tiềm năng khoáng sản có quy mô lớn gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và làm chủ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ, phân phối, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành, đặc biệt các khoáng sản có tiềm năng như: sắt, antimon, mangan.... Hiện đại hóa hoạt động điều tra đánh giá, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn với việc cung cấp nguyên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
* Ngành năng lượng:
Nguồn phát điện: Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thủy điện phù hợp Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tỉnh và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành, phát điện lên lưới 77 nhà máy thủy điện (trong giai đoạn 2021 – 2030 phấn đấu xây dựng và hoàn thành 36 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 300,8MW và 16 nhà máy thủy điện đang vận hành dự kiến mở rộng, nâng công suất thêm 93,2MW).
Nguồn cấp điện cho tỉnh từ hệ thống truyền tải điện quốc gia: Đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 02 trạm biến áp 220 kv với tổng công suất 850 MVA (hoàn thiện và đưa vào vận hành trạm biến áp 220 kV tại Bắc Quang công suất 2x250 MVA; cải tạo, nâng công suất trạm biến áp 220/110 kV Hà Giang lên (125+ 250) MVA); đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đường dây 220kV theo theo Quy hoạch điện VIII.
Lưới điện 110 kV: Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 10 trạm biến áp 110 kV do EVN quản lý với tổng công suất 543 MVA, trong đó: xây dựng mới 05 trạm với tổng dung lượng 150 MVA và cải tạo, mở rộng nâng quy mô công suất 05 trạm với tổng công suất tăng thêm 197 MVA. Ngoài ra, giai đoạn đến 2030, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ xây dựng mới và đưa vào vận hành thêm 05 trạm gom các thủy điện để phát lên hệ thống lưới 110kV với tổng công suất khoảng 225 MVA; đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đường dây 110kV theo theo Quy hoạch tỉnh.
Lưới điện trung áp: xây dựng mới khoảng 856 trạm biến áp trung áp với tổng dung lượng khoảng 222 MVA; xây dựng mới khoảng 931 km đường dây trung áp.
* Ngành Thương mại:
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển thương mại. Kết hợp phát triển giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại và thương mại điện tử, phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, tạo động lực - hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
- Thu hút đầu tư xây dựng 01 Trung tâm hội chợ triển lãm & 01 Trung tâm thương mại tại thành phố Hà Giang; 01 Trung tâm logistic tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; chuỗi cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị hạng 3 tại trung tâm một số huyện trọng điểm. Phát triển 01 chợ đầu mối hoa quả, 02 chợ gia súc, xây dựng mới một số chợ. Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có tổng số 153 cửa hàng bán lẻ xăng dầu kết hợp kinh doanh khí hóa lỏng.
- Phát triển hạ tầng thương mại trong phạm vi không gian lãnh thổ tỉnh Hà Giang theo 3 cấp: Cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang; cấp huyện tại các thị trấn, thị xã; cấp cơ sở, lấy các chợ xã làm hạt nhân phát triển.
- Phấn đấu có trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý đối với các chợ trung tâm huyện, thành phố.
- Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu: Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Tổng diện tích 28.781 ha thuộc địa phận 7 xã: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Phong Chải và Phong Quang, huyện Vị Xuyên và xã Phương Độ, thành phố Hà Giang
2. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương;
3. Cải cách tổ chức bộ máy; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành;
4. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững;
5. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương./.
Đỗ Thị Bích Thủy
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT