Ngày 4/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Sơn La năm 2024-2025, với các nội dung chủ yếu như sau:
I. Các mục tiêu về phát triển kinh tế số và xã hội số
1. Phát triển kinh tế số
1.1. Mục tiêu chung
Triển khai sử dụng các nền tảng số quốc gia và phát triển các nền tảng số của địa phương để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Sử dụng các nền tảng số quốc gia sẵn có để tạo hạ tầng nền tảng, đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp khác nhau.
1.2. Mục tiêu đến năm 2025
- Tỷ trọng kinh tế số đạt từ 10% GRDP của tỉnh.
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%.
2. Phát triển xã hội số
2.1. Mục tiêu chung
Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, luôn đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm để chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, tinh thần của người dân.
Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời, bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.
1.2. Mục tiêu đến năm 2025
- Tỷ lệ phủ mạng băng rộng cố định (cáp quang) hộ gia đình đạt 80%.
- Phổ cập dịch vụ mạng di động tốc độ cao (4G/5G) đạt 99,56%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 96,52%.
- Tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản thanh toán điện tử (tài khoản giao dịch tại ngân hàng) Đạt 80%.
- Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 48,56% .
II. Nội dung thực hiện
1. Tham mưu hoàn thiện văn bản phù hợp với sự phát triển kinh tế số, xã hội số
a) Nội dung thực hiện:
- Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản phù hợp với sự phát triển kinh tế số, xã hội số; cụ thể hóa việc thúc đẩy giao dịch điện tử phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực quản lý.
- Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ số trong từng ngành, lĩnh vực.
b) Đơn vị chủ trì: Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện).
c) Đơn vị phối hợp: Các doanh nghiệp có liên quan.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025.
2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức
a) Nội dung thực hiện:
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện, triển lãm về phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn rộng khắp về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
c) Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; các cơ quan thông tấn, báo chí.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.
3. Phát triển hạ tầng
a) Nội dung thực hiện:
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, phát triển hạ tầng số (bao gồm phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng…) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh phê duyệt và các nhiệm vụ trọng tâm phát triển hạ tầng số đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
b) Đơn vị chủ trì: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện.
c) Đơn vị phối hợp: Các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.
4. Phát triển dữ liệu số
a) Nội dung thực hiện:
- Rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản về phát triển dữ liệu số, tài sản dữ liệu, mua bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn.
- Hỗ trợ, hướng dẫn triển khai phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng (nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, công nghiệp và thương mại, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch).
- Phát triển Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu của tỉnh, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
- Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bản sao số, chuỗi khối, thực tế ảo, dữ liệu lớn, kết hợp với các công nghệ mở, mã nguồn mở để phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung trên.
c) Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025.
5. Đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng
a) Nội dung thực hiện: Đảm bảo an toàn thông tin mạng ngay từ khâu thiết kế, xây dựng khi phát triển các hạ tầng số, nền tảng số của tỉnh; Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai dịch vụ an toàn thông tin mạng chuyên nghiệp giúp tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình bảo vệ 04 lớp.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
c) Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025.
6. Phát triển nhân lực số
a) Nội dung thực hiện:
- Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định, hoạch định chính sách và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Sắp xếp, bố trí ít nhất 01 công chức, viên chức thành thạo về công nghệ thông tin để thực hiện chuyên trách hoặc kiêm nghiệm nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị khối huyện, thành phố. Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi với công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm nhiệm vụ về chuyển đổi số cũng như thành viên Tổ Chuyển đổi số cộng đồng.
- Tổ chức các Tổ Chuyển đổi số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đến từng bản với sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa phương; huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ Chuyển đổi số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.
- Hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chương trình dạy và học theo mô hình trường, lớp học thông minh. Chú trọng tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho giáo viên và trang bị đủ thiết bị, phần mềm,... tại các trường trên địa bàn tỉnh.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung trên.
c) Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND các xã, phường, thị trấn; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Hội Cựu Chiến binh tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Liên minh Hợp tác xã và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa phương.
d) Thời gian thực hiện: Hàng năm.
7. Phát triển công dân số, văn hóa số
a) Nội dung thực hiện:
- Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số nâng cao, kỹ năng kỹ thuật cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật công nghệ thông tin, cán bộ chuyên trách chuyển đổi số và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đào tạo đạt chuẩn kỹ năng số cho sinh viên, học sinh trong các trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông trên địa bàn.
- Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân đến tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, phổ cập kết nối số cho người dân, khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
- Tổ chức triển khai các chương trình phát triển văn hóa số sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục thông minh; sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Phát triển nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân, tạo kênh độc lập thu thập, tổng hợp ý kiến phản ánh, đánh giá của người dân liên quan đến mọi vấn đề đời sống kinh tế, xã hội.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa thể thao du lịch.
c) Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025.
8. Phát triển doanh nghiệp số
a) Nội dung thực hiện:
- Triển khai thực hiện Quyết định số 2591/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 97/KH- UBND, ngày 10/4/2023 của UBND tỉnh về việc Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
- Đánh giá, lựa chọn và công bố các nền tảng số, giải pháp số phù hợp cho chuyển đổi số doanh nghiệp. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành trong chuyển đổi số, phát triển và nhân rộng nền tảng số, tạo hệ sinh thái số trong các ngành, lĩnh vực.
- Triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết quả đánh giá chỉ số mức độ chuyển đổi số là thước đo về hiệu quả của các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số.
b) Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung trên.
c) Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025.
9. Tuyên truyền, vận động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt
a) Nội dung thực hiện: Tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Đơn vị chủ trì: Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Sơn La; Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Sơn La.
c) Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố.
d) Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành, địa phương; định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả triển khai, thực hiện vào Báo cáo chuyển đổi số của UBND tỉnh.
- Tổng hợp, đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh các nội dung kế hoạch phù hợp với các định hướng, chính sách của Chính phủ và yêu cầu thực tế phát triển về chuyển đổi số của tỉnh.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai của các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của kế hoạch và phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố đề xuất phương án giải quyết, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, kết quả thực hiện Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, địa phương thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số.
3. Sở Tài chính
Hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán hoặc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trên cơ sở dự toán được lập theo đúng quy định của các đơn vị có liên quan, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.
4. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố
- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm quán triệt và tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
- Căn cứ tình hình cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát bổ sung các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch này vào nhiệm vụ trọng tâm, đề xuất kinh phí thực hiện trong Kế hoạch Chuyển đổi số hàng năm, giai đoạn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Sơn La
Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến về nội dung Kế hoạch này.
6. Các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn tỉnh
Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng bưu chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Chủ động, phối hợp với các địa phương tham gia hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số.
Trương Thị Quỳnh Vân
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT