Ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 58/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Lào Cai với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các lĩnh vực đột phá, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố an ninh – quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP): Trên 10%.
(2) Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 12,1%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 42,3%; Dịch vụ chiếm 35,6%; Thuế sản phẩm 10%.
(3) GRDP bình quân đầu người: 104 triệu đồng/năm.
(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 60.000 tỷ đồng.
(5) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 12.800 tỷ đồng.
(6) Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác: 98 triệu đồng.
(7) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010): 52.200 tỷ đồng.
(8) Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn: Trên 8 triệu lượt; Doanh thu du lịch trên địa bàn: 25.700 tỷ đồng.
(9) Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ: 39.000 tỷ đồng; Giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu: 4.500 triệu USD.
(10) Tỷ lệ đô thị hóa: 33,5%.
(11) Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia: 97,8%.
3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
a) Đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế:
- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến tinh, chế biến sâu, kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn;
- Chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện và những vấn đề phát sinh liên quan; Ưu tiên kêu gọi nguồn lực đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp đang triển khai; đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
- Quyết liệt đổi mới công tác xúc tiến thương mại, gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa; bảo đảm bình ổn thị trường các hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc; tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong công tác quản lý cửa khẩu; thúc đẩy hoạt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm duy trì liên tục, thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng chính sách nhằm ưu tiên thu hút đầu tư, hình thành một số doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh.
- Khai thác các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tăng thu ngân sách trên địa bàn: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công; rà soát tiến độ thực hiện các dự án để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp. Huy động tối đa nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, tạo thuận lợi thực hiện đầu tư các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm tốt công tác bồi thường, thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, cân đối, lồng ghép nguồn lực hợp lý. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Triển khai các quy hoạch chung xây dựng. Tập trung nguồn lực nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư đô thị hành chính, du lịch các huyện, thị xã. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu.
- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác. Bảo đảm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, rà soát và quản lý tốt chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn; nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai.
b) Hoạt động chuyển đổi số, phát triển thông tin và truyền thông:
Phát triển hạ tầng số, nền tảng số; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng kết nối internet băng rộng đến hộ gia đình, thôn, các cơ sở y tế, giáo dục, địa bàn các xã nghèo; xóa vùng trắng mạng di động.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; Hỗ trợ đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số. Thúc đẩy thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số.
c) Về quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại:
- Bảo đảm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; chỉ đạo kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề, vụ việc phát sinh; giải quyết tốt các vấn đề khiếu kiện, mâu thuẫn, phức tạp trong nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; Siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ.
- Tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giữ mối quan hệ tốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch; duy trì quan hệ hợp tác với các đại sứ quán các nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị, địa phương, trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
d) Tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính:
Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, Đề án về cải cách hành chính của Trung ương và của tỉnh. Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nhân dân; Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ cấu tổ chức, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định; triển khai Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị gắn với chức danh nghề nghiệp, chức vụ, quản lý tương đương. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Chính phủ; Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại- VIOIT