Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh Nam Định (Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 16/8/2023). Kế hoạch hành động nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu với những mục tiêu cụ thể như sau:
1. Mục tiêu cụ thể
a) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính
Mục tiêu đến năm 2030: Cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị đạt 60-80%.
Mục tiêu đến năm 2050: Cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị đạt 100%. Nước thải đô thị được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
b) Xanh hóa các ngành kinh tế
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 2%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2050: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân mỗi giai đoạn (10 năm) giảm 1,0%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 25 - 30%; phấn đấu kinh tế số đạt 50% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 2 - 3%; ít nhất 60% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
c) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 10% số lượng xe buýt mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển tăng trưởng xanh theo hướng thông minh, bền vững, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2050: 100% chất thải rắn được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, kiểm soát cơ bản tình trạng ngập úng tại các đô thị và 100% các điểm ngập úng có kế hoạch xử lý và 100% nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng đạt ít nhất 15%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt ít nhất 40% số lượng xe buýt đầu tư mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 50%.
d) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu
Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75; xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2050: Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%.
2. Tổ chức thực hiện
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động này.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối của tỉnh về tăng trưởng xanh; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tích hợp các mục tiêu nhiệm vụ tăng trưởng xanh theo hướng thông minh, bền vững, đồng bộ trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, dự án có liên quan.
Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện đầy đủ, chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ được giao theo quy định; xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ tăng trưởng xanh của tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nội dung Kế hoạch và tình hình thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của tỉnh.
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công.
Thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phân công chủ trì và phối hợp; định kỳ hàng năm chậm nhất ngày 20 tháng 11 gửi báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được phân công về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư); Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) chậm nhất ngày 30 tháng 11 để hoàn thiện, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động của tỉnh. Giám sát, phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Kiều Ly
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT