NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Hoạt động sản xuất công nghiệp - thương mại năm 2023 và một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc

01/02/2024

Năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, song nhờ phát huy lợi thế, kết hợp các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh đã vượt khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới.

Về  sản xuất công nghiệp:  

Theo báo cáo của Cục Thống kê, năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động của kinh tế thế giới, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Mặc dù có sự phục hồi vào 6 tháng cuối năm nhưng mức độ phục hồi còn chậm. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm (GTTT) ngành công nghiệp giảm 1,07%, làm giảm 0,48 điểm % tăng trưởng của tỉnh. Ngành sản xuất xe có động cơ từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Xu hướng tiêu dùng xe động cơ điện tăng lên, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc liên tục giảm giá để cạnh tranh với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã ảnh hưởng đáng kể đến thị phần của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh như Toyota và Honda. Ước tăng trưởng ngành sản xuất ô tô giảm 20,21% làm giảm 0,8 điểm % tăng trưởng của tỉnh. Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,51%, làm giảm 1,09% điểm tăng trưởng của tỉnh do thị trường đang ở giai đoạn bão hòa, một bộ phận người dân có nhu cầu chuyển sang các sản phẩm xe máy điện đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm Một số ngành công nghiệp khác cũng có mức giảm sâu, làm giảm tăng trưởng chung: ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 23,52%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,71%; ngành sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 5,25%; ngành sản xuất kim loại giảm 2,39%...

Trong khi các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh giảm thì ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nổi bật không chỉ ở việc duy trì mức tăng trưởng 2 con số (doanh thu tăng 12,69%) mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đã hoạt động sản xuất ổn định, có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Công ty CDL Prescision tăng hơn 50%, Công ty Optrontec Vina tăng 45%, Công ty TNHH Jahwa Vina tăng 26%, Công ty TNHH Vina Union tăng trên 26%, Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina tăng hơn 14%... chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Đây chính là động lực giúp ngành công nghiệp giữ vững vị thế đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, Công nghiệp phát triển đã giúp Vĩnh Phúc từ chỗ chỉ có 8 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), 1 dự án đầu tư trong nước (DDI), 1 khu công nghiệp được thành lập năm 1998 thì đến nay đã tăng lên gần 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 460 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trên 7,9 tỷ USD; gần 840 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 140.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 560 triệu USD vốn FDI, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 40% so với kế hoạch năm 2023 đề ra. Thu hút vốn DDI đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022, vượt hơn 4 lần so với kế hoạch năm 2023 đề ra. Như vậy, chỉ sau 3 năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Minh chứng rõ nét là việc năm 2023 có một chỉ số Vĩnh Phúc đạt được bằng cả 25 năm tái lập tỉnh cộng lại - chỉ số diện tích đất công nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 7 khu công nghiệp mới, bổ sung quy hoạch hơn 1.250 ha đất công nghiệp. Với quỹ đất sạch khổng lồ đã giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn liên quan đến sản xuất mô tô, phụ tùng và bộ phận phụ trợ xe ô tô và loạt dự án hứa hẹn thay đổi diện mạo của tỉnh công nghiệp trong tương lai gần.

Điển hình, đầu tháng 12/2023, Dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam đã được nhà đầu tư là liên danh Công ty Lioho Machine Works Ltd và Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 chính thức khởi công xây dựng trên diện tích 5ha thuộc Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Đây là một trong những dự án FDI mới nhất được khởi công trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Dự án có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm phụ tùng ôtô xe gắn máy, linh kiện máy nông nghiệp, linh kiện kim loại của thiết bị mạng Internet, linh kiện kim loại của máy bơm, bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng máy khác. Dự kiến trong năm 2024, dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn đầu có công suất khoảng 750.000 sản phẩm mỗi năm, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Trước đó, tỉnh cũng đã thu hút thành công dự án trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông từ Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ). Đây là tập đoàn nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ. Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD được xây dựng trên diện tích hơn 12ha, tại Khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên với mục tiêu sản xuất môtô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác. Đây là nhà máy thứ 2 của tập đoàn tại Vĩnh Phúc và là nhà máy thứ 20 trên toàn thế giới. Dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ có công suất khoảng 300.000 sản phẩm mỗi năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Một trong những tín hiệu vui là dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ có thêm 3 khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, các dự án FDI đã được tỉnh cấp phép đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 5 triệu USD. Theo đó, để khai thác, thúc đẩy vị thế công nghiệp là ngành kinh tế động lực, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh sẽ tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gia tăng các chương trình, biện pháp tái cấu trúc, phát triển ngành công nghiệp. Chú trọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo hướng có chọn lọc các lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh đang có lợi thế, có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị quốc gia, giá trị toàn cầu.

Về thương mại và dịch vụ:

Theo Sở Công Thương năm 2023, các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động; doanh thu thương mại, dịch vụ đều đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế của tỉnh, cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng liên tục tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành... Ước cả năm đạt 81.183,7 tỷ đồng, tăng 18,18% so với năm 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 69.145,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15,93% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 30.891 triệu USD tăng, trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 16.254 triệu USD, tăng 10,34% so với năm 2022;  nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,22%) ghi nhận mức tăng 4,52% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm máy móc, thiết bị và phụ tùng (chiếm 20,34%) tăng 21,61%; nhóm linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 101,79%; Xe máy nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng xe máy tăng 6,18%...Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm giảm: Vải các loại giảm 63,68%; Hàng dệt may giảm 25,56%; Giầy dép và sản phẩm từ da giảm 32,42%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN; Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Nhập khẩu hàng hóa ước đạt 14.637 triệu USD tăng 6,65 % so với năm 2022. Trong đó: Nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử tăng 17,12 % so với cùng kỳ năm trước, chiếm 57,0% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; Nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng ước tính tăng 6,79%; Nhóm linh kiện phụ tùng ô tô và nhóm hàng xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy giảm lần lượt 18,34% và 31,78%.

Các chỉ tiêu và nhiệm vụ của ngành

Năm 2024, ngành Công Thương Vĩnh Phúc đặt ra chỉ tiêu:  Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 dự kiến tăng khoảng 7,14% so với năm 2023 đạt 360.000 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt trên 10%/năm. Dự kiến đến năm 2024, các ngành cơ khí, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, gạch ốp lát, thức ăn gia súc; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (linh phụ kiện ô tô, xe máy, hàng điện tử...) và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường có sự tăng trưởng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội dự kiến  tăng 11,26%/năm. đạt: 90.000 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 12%/năm, đạt 18.364 triệu USD; Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 tăng khoảng 10% ước đạt 15.836 triệu USD.

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu năm 2024, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực Công Thương. Thực hiện các Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương, của Tỉnh về thực hiện phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương; rà soát các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh liên quan tới phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là những quy định về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương để kết nối trao đổi thông tin giữa các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng; thường xuyên tổ chức các hoat động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, bạn hàng tạo thành các chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả.

Đặc biệt, tỉnh sẽ rà soát, xác định rõ lĩnh vực sản xuất công nghiệp đối với các dự án thu hút đầu tư trong quy hoạch để thu hút có chọn lọc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả thu hút đầu tư, tạo những động lực mới cho phát triển công nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế của tỉnh./.

Từ Quỳnh Châu

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC