NGHIÊN CỨU

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Trang chủ >> Nghiên cứu

Đề án phát triển bền vững cây thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030

05/06/2024

Thanh long là cây trồng chủ lực, quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Bình Thuận, để đưa ngành hàng thanh long ngày càng phát triển hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, ngày 22 tháng 4 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định số 924/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Đánh giá tình hình và nguyên nhân

Cây thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của tỉnh; sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh; đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 33.730 ha với sản lượng khoảng 650.000 tấn/năm. Về giống thanh long, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống thanh long ruột trắng chiếm diện tích khoảng 80%, diện tích còn lại là thanh long ruột đỏ (LĐ1), tím hồng (LĐ5), hiện nay có thêm giống thanh long vỏ vàng ruột trắng.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ ở 2 hình thức là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu, trong đó có khoảng 2 - 3% xuất khẩu chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu và chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. Đồng thời, theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh, lượng thanh long cả nước xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới khá lớn, trong đó phần lớn là thanh long Bình Thuận. Giai đoạn 2016 - 2022, giá trị xuất khẩu biên mậu đã đóng góp cho tỉnh 2.637 triệu USD, bình quân khoảng 376,7 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc nên có những thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá thanh long luôn biến động ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con nông dân; do đó, từ năm 2021 đến nay người trồng thanh long đã phá bỏ và không chăm sóc một số diện tích thanh long. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh còn khoảng 26.498 ha; sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Mặt khác, hiện nay việc sản xuất thanh long tồn tại một số hạn chế như: Quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; khâu bảo quản chế biến còn yếu; thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu chưa được bền vững; hệ thống cơ sở sơ chế, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu và hạn chế về công nghệ; đồng thời, dưới tác động của biến đổi khí hậu, phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất; ngoài ra, thời gian qua diện tích thanh long trên thế giới có chiều hướng tăng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mêxico tăng nhanh về diện tích và sản lượng nên thị trường tiêu thụ thanh long ngày càng cạnh tranh.

* Nguyên nhân chủ yếu những tồn tại, hạn chế nêu trên:

- Quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành thực hiện các chủ trương, giải pháp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa cao, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

- Sự phối hợp và tính liên kết giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long chưa được tích cực.

- Công tác dự báo, nghiên cứu, phát triển thị trường còn yếu; hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ còn hạn chế, nhất là công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến… chưa được tổ chức thực hiện tốt.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

- Ổn định diện tích thanh long, thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp; phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sinh thái, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận.

- Phát triển cây thanh long theo hướng sinh thái, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP), ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển bền vững gắn du lịch trải nghiệm vườn thanh long. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm thanh long Bình Thuận; tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến theo chuỗi giá trị. Nâng cao thu nhập cho người nông dân.

- Tổ chức lại sản xuất, phát triển toàn diện, bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị, giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận; liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đời sống của bà con nông dân trồng thanh long, góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải.

- Phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước (trái thanh long, sản phẩm từ trái thanh long, thị trường truyền thống, tiềm năng và mở rộng), cụ thể:

+ Đối với thị trường tiêu thụ trong nước: Đa dạng hóa các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại tạo thuận lợi, dễ dàng cho du khách, người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm thanh long Bình Thuận.

+ Đối với thị trường ngoài nước: Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, chú trọng củng cố và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có; đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nâng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và thị trường Châu Âu (đây là khu vực thị trường có dung lượng lớn và có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Thuận với ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới).

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%.

- Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70-75% so với tổng diện tích.

- Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích.

- Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (Organnic) khoảng 5% so với tổng diện tích.

- Tỷ lệ diện tích thanh long được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 70%.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm.

- Hình thành nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long.

III. Giải pháp thực hiện

Để phát triển cây thanh long bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đề án đưa ra 10 giải pháp sau: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội; (2)Truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về phát triển thanh long;(3) Phát huy vai trò của Hiệp hội thanh long tỉnh và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia phát triển thanh long bền vững; (4) Sản xuất thanh long hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; (5) Quản lý vật tư, sản phẩm thanh long; (6) Phát triển sản phẩm thanh long OCOP; (7) Chủ động hội nhập và mở rộng thị trường; (8) Đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics; (9) Cơ chế chính sách và (10) Phát triển chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng.

Trong các giải pháp trên, thì giải pháp sản xuất thanh long hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng là giải pháp mang tính đột phá.

Đến năm 2030, ổn định diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 25.000 ha, tập trung tại các huyện trọng điểm, gồm: Hàm Thuận Nam 12.600 ha, Hàm Thuận Bắc 5.000, Bắc Bình 3.000 ha và Hàm Tân 2.000 ha. Tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt hoặc theo yêu cầu của từng thị trường. Tổ chức liên kết giữa vùng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Số hóa vùng trồng, nhà đóng gói để làm cơ sở cho việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở nhà đóng gói theo đúng quy định.

Về kỹ thuật canh tác cây thanh long: Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...) đảm bảo năng suất; ứng dụng kỹ thuật trồng thanh long theo dàn chữ T, tưới nước tiết kiệm, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện để xử lý thanh long ra hoa trái vụ. Bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60 - 70% tổng sản lượng, thanh long chính vụ khoảng 30 - 40% tổng sản lượng; nâng cao chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hạn chế tối đa tiến tới việc lạm dụng các thuốc bảo vệ thực vật, phân bón va các chất điều háa sinh trưởng.

Về phòng trừ dịch bệnh: Tăng cường quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn phòng chống sinh vật hại chi tiết theo từng đối tượng dịch hại; nghiên cứu xây dựng giải pháp khoa học công nghệ quản lý tổng hợp bệnh đốm nâu và một số bệnh hại chính khác trên cây thanh long phục vụ sản xuất bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Về phát triển giống thanh long: Tăng cường công tác nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn và phát triển giống thanh long ruột trắng Bình Thuận; ứng dụng và chuyển giao các giống thanh long mới, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng giống thanh long (ruột trắng, ruột đỏ, thanh long vỏ vàng,...) phù hợp nhu cầu của thị trường.

Đổi mới tổ chức sản xuất thanh long, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm: Tổ chức sản xuất thanh long theo hướng đa giá trị, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Dựa vào các vùng chuyên canh quy mô lớn để phát triển chuỗi giá trị, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến, tiêu thụ để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ.

- Phát triển mô hình hợp tác xã thanh long kiểu mới có vùng nguyên liệu tập trung chủ động liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị theo Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh. Thu hút các doanh nghiệp có năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành hiệu quả, bền vững; từ đó hỗ trợ phát triển các vùng, cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng thanh long có sản lượng lớn, thuận lợi giao thông, logistics.

- Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất thanh long chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...).

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển ngành hành thanh long, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ: Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu trong chuỗi ngành hàng thanh long; ứng dụng công nghệ vi sinh để kiểm soát dịch bệnh; sản xuất theo hướng giảm dần sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học tiến tới sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh và bền vững.

Ứng dụng các quy trình công nghệ cao trong sản xuất và phòng, chống sâu bệnh gắn với bảo vệ môi trường; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác khuyến nông, khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp, phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả ở cơ sở (cấp xã).

Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp cơ giới hóa các khâu chăm sóc; ứng dụng, đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng bộ trong sơ chế, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu.

Thúc đẩy chuyển đổi số: Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm thanh long (dự báo thị trường, sản lượng, chủng loại, vùng trồng, dịch bệnh,...); kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phát triển các mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ số từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy nhanh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phát triển công nghiệp chế biến: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sau thu hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển hàng hóa quy mô lớn.

Tích cực kêu gọi nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực đầu tư nhà máy chế biến thanh long có quy mô lớn tại các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm thanh long./.

                                   Đinh Thị Bích Liên

                           Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

BÀI VIẾT KHÁC