Nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nội dung tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030; Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế trên địa bàn tỉnh, ngày 31 tháng 8 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch số 237 về việc “Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030” với những nội dung chính như sau:
I. Mục tiêu và yêu cầu
1. Mục tiêu
- Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực để phát triển các ngành kinh tế, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế của tỉnh.
- Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 17- 18%/năm, trong đó tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 24%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu 2025 đạt khoảng 13,8 tỷ USD.
- Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực Châu Âu lên 12%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 15% năm 2030.
- Đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực linh kiện phụ tùng có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hoá, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng;
- Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
2. Yêu cầu
- Để kế hoạch được triển khai hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu triển khai Kế hoạch hành động phải đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, hiệp hội cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh; Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch và thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức.
- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị, lợi thế cạnh tranh.
II. Các nhiệm vụ chủ yếu
1.Công tác thông tin, tuyên truyền
Để Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030” sớm đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả hơn càm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.
2. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu
a. Đối với sản xuất nông, lâm, thủy sản
Để tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo tập trung phát triển, sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, thế mạnh, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường, đồng thời, đề xuất hoàn thiện chính sách, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.
- Tập trung phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực có tính cạnh tranh cao nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu và đáp ứng được yêu cầu các thị trường nhập khẩu.
- Rà soát đề xuất hoàn thiện chính sách, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chính sách thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.
b. Đối với sản xuất công nghiệp:
- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 56/2012/NQ - HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành các cơ chế hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, rà soát bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành điện - điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô - xe máy, cơ khí chế tạo sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, chế biến thực phẩm - đồ uống, dệt may - da giày, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao
- Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như: hàng dệt may, giày da, xe máy, linh kiện xe máy, phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử, cơ khí...
- Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên thông, thuận lợi
- Đẩy mạnh liên kết giữa công nghiệp, nông nghiệp và thương , dịch vụ nhằm phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm sản tập trung, quy mô lớn, sản lượng ổn định; quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho công nghiệp chế biến, gắn với xây dựng thương hiệu,quảng bá sản phẩm công nghiệp xuất khẩu
- Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước. Kêu gọi đầu tư cụ thể theo từng dự án, lựa chọn đối tượng, ngành nghề và công nghệ ưu tiên, tiếp nhận nhà đầu tư có khả năng tài chính, uy tín, kinh nghiệm.
3. Phát triển thị trường xuất nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn
Với mục tiêu phát triển thị trường XNK tăng trưởng bền vững, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đến DN, HTX, hộ SXKD… dưới nhiều hình thức phong phú, nội dung chuyên sâu.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 28/03/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” nhằm khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng phân phối hàng hoá toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu của tỉnh
- Phối hợp với Thương vụ, Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, Văn phòng xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá của tỉnh đến doanh nghiệp và người tiêu dùng ở nước ngoài
- Phát hành ấn phẩm, tài liệu về các sản phẩm chủ lực, mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của tỉnh để tuyên truyền, quảng bá ở thị trường nước ngoài. Rà soát các sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng vào thị trường các nước, tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, các mặt hàng mới mà tỉnh có lợi thế, các sản phẩm OCOP ...
- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại quốc tế, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Vĩnh Phúc theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”.
- Phối hợp để cập nhật thông tin về tình hình kinh tế quốc tế và khu vực, đặc biệt là các chính sách tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của tỉnh; lồng ghép mở rộng thị trường xuất khẩu trong các hoạt động đối ngoại, nhất là các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các quan hệ hữu nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
4. Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng
Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong tổ chức hoạt động XNK, tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng cụ thể:
- Bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chương trình xúc tiến xuất khẩu phù hợp với khả năng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu, mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh phục vụ hoạt động xuất khẩu; thực hiện tốt công tác thanh toán quốc tế, dịch vụ chuyển tiền trong và ngoài nước để đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán cho khách hàng xuất nhập khẩu;
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” để tăng cường khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước;
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ xanh, bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường; tổ chức triển khai áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hoá xuất nhập khẩu, tổ chức đánh giá sự phù hợp, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá. Tăng cường chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình quản lý về cơ sở dữ liệu và truy vết các hoạt động đánh giá phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại trong việc vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát để nắm tình hình kinh doanh hàng nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu.
5. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu
- Nghiên cứu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng công bằng, thông thoáng và minh bạch; thường xuyên đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và dịch vụ công; thực hiện và vận dụng có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước để xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù của tỉnh, đảm bảo sự ổn định nhất quán trong các chính sách nhất là chính sách về thuế, giao đất và cho thuê đất, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án...
- Tiếp tục tranh thủ và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện hoạt động quản lý hành chính trong lĩnh vực hải quan, logistics...
- Triển khai hiệu quả các chương trình dạy nghề, đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu; thường xuyên đánh giá việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để tránh việc vi phạm tiêu chuẩn điều kiện về lao động đặt ra từ các FTA thế hệ mới.
- Xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực trong các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu giỏi về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ và am hiểu pháp luật quốc tế để đáp ứng yêu cầu càng khắt khe với các quy định hiện tại trên thế giới.
- Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm; tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng chủ lực về nông lâm thuỷ sản của tỉnh để phù hợp với yêu cầu của mỗi thị trường cụ thể, từ đó từng bước tạo hình ảnh về hàng hóa Vĩnh Phúc tại thị trường thế giới. Hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, chuyên nghiệp của tỉnh theo từng ngành hàng.
- Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, mở rộng kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay Quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc nhằm phát triển hình thức vận tải đa phương thức phục vụ xuất khẩu. - Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
6. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý
- Tăng cường phối hợp trong quá trình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp về phòng vệ thương mại;
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo nguyên tắc khuyến khích nhập khẩu hàng hoá trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện định hướng xuất nhập khẩu bền vững.
7. Nâng cao vai trò của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT