Nhằm đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển, khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất trên địa bàn tỉnh, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngày 06 tháng 11 năm 2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4103/QĐ-UBND về việc: Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 18/8/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định. (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 18/8/2023 của Tỉnh ủy). Trong Chương trình hành động này đã nêu bật được những mục tiêu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
I. Các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030
1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030
- Đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tỉnh Bình Định khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng của tiểu vùng Trung Trung Bộ; gắn kết và tác động lan tỏa đối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên.
- Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng và logistics, phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực trên nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
- Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
- Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.
- Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế; trong đó tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc và khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan, khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại.
- Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa của dân tộc, phát triển Quy Nhơn thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5% /năm. Kinh tế số trong GRDP đến năm 2030 đạt 30%.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng chiếm 41,3% - 43,3%; dịch vụ chiếm 34,8% - 35,9%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,8% -17,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1% - 5,3%.
- GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 – 213 triệu đồng/người, tương đương 7.500 - 7.900 USD (theo giá hiện hành).
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức trên 45%.
- Thu ngân sách đến năm 2025 đạt 18,5 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 30 – 35 nghìn tỷ đồng.
- Tổng lượt khách du lịch đến năm 2030 đạt 12 triệu lượt; trong đó, có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách du lịch nội địa.
- Vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 800 - 850 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 29 - 30 tỷ USD.
- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 8,9%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 5,4%/năm.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%; có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 65% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Tăng trưởng năng suất lao động bình quân 8,3%/năm giai đoạn 2021 - 2030.
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt trên 80%.
- Giải quyết việc làm bình quân hàng năm khoảng 30.000 người; tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2025 - 2030 giảm từ 1,0% - 1,5%, từ sau 2030 giảm từ 0,5% - 1,0%.
- Duy trì 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó phấn đấu 80% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Tỷ lệ sử dụng nước sạch khu vực thành thị đạt 100%, trong đó tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 95%, tỷ lệ người dân đô thị còn lại sử dụng nước từ các nguồn cấp nước hợp vệ sinh.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
- Đến năm 2045, Bình Định cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của đất nước.
- Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế.
- Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm vững chắc.
Để tổ chức, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể sau để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
II. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
1. Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
2. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa
3. Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh; nâng cao năng lực ngành xây dựng
4. Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo
5. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
6. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
7. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa
8. Vận dụng chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững
9. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước
10. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT